Về Sơn Đồng nghe chuyện nghề sơn

Cơn lốc đô thị hóa khiến người dân làng nghề Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội) năng động hơn, kinh tế phát triển hơn nhưng cũng đang hàng ngày, hàng giờ làm thay đổi lối sống, nếp nghĩ của họ. Trong sự xô bồ, mưu sinh ấy, có những giá trị cổ truyền đang dần phai nhạt…

Tinh hoa nghề cổ

Cuối năm 2016, anh bạn đồng môn của tôi, đang công tác tại một cơ quan văn hóa ở Lạng Sơn bỗng dưng điện hỏi: “Này ông, nghề làm tượng ở Sơn Đồng dưới đó dạo này thế nào? Hôm nào rỗi, ông qua Sơn Đồng xem ở đó họ còn làm sơn ta không?… Sắp tới, tôi có mấy món đồ cần phục chế mà nghe nói chỉ có thợ Sơn Đồng mới làm được”.

Vậy là tôi lại có dịp về lại Sơn Đồng để mục sở thị những sản phẩm có tiếng của làng nghề. Quả thật, sự tài hoa của những người thợ ở đây là danh bất hư truyền.

Theo nhà báo, họa sĩ Khánh Châm, người con của đất Sơn Đồng và cũng là người am hiểu sử làng, thì tranh Sơn Đồng đã hình thành từ hơn 1.000 năm. Theo bản Ngọc phả Thần tích do Đông các đại học sĩ Nguyễn Bính phụng soạn vào năm Nhâm Thân 1572 thì cụ tổ nghề tạc tượng tại đền Thượng, xã Sơn Đồng là Đức thánh Đào Trực đã có công “phục nghệ giáo dân”, tức khôi phục nghề tạc tượng và dạy học cho dân từ thời Tiền Lê, năm 976. Nghề làm sơn có lẽ cũng phát tích cùng thời với nghề tạc tượng, nếu vậy nghề và làng đều có tuổi cỡ ngàn năm!

Anh Nguyễn Hải Tùng thực hiện công đoạn hoàn thiện sơn thếp một sản phẩm tượng gỗ.

Theo thời gian, nghề sơn có lúc thăng, lúc trầm nhưng vẫn luôn là dòng chảy âm ỉ ở Sơn Đồng. Chúng tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Đức Ngó, năm nay đã ngoài 70 tuổi ở xóm Đình. Ông Ngó kể lại, ngày xưa, thời Pháp thuộc, dân còn nghèo, chỉ có những nhà phú hộ mới có điều kiện sắm đồ thờ. Vậy nên, người thợ Sơn Đồng cứ khoác tay nải đi khắp các vùng làm thuê cho các nhà giàu chứ không làm tại gia như bây giờ. Nghề sơn không thể làm nhanh được vì cứ mỗi lần phết sơn lại phải chờ cho sơn khô (đôi khi là hàng tuần) mới làm được lớp sau nên chủ nhà thường phải nuôi thợ ăn ở hàng tháng trời và bao giờ cũng chỉ làm công nhật. Bù lại, sản phẩm luôn đạt mức tinh xảo và chất lượng cao nhất.

Đến thời bao cấp, nghề làm đồ thờ ít được trọng vọng vì người ta cho là mê tín dị đoan. Nghề sơn thì đỡ thiệt thòi hơn vì Sơn Đồng lúc đó có HTX thủ công mỹ nghệ làm sơn mài xuất khẩu, do vậy, người thợ còn ít nhiều có đất dụng võ. Tuy nhiên, lúc đó chỉ làm theo đơn đặt hàng, không có sản phẩm bán ra ngoài nên nghề cũng ít có điều kiện mở mang. Phải đến những năm 1990 trở lại đây, nghề sơn mới phát triển mạnh mẽ. Hiện nay, toàn xã có tới 80% số hộ làm nghề, trong số 9.000 nhân khẩu thì non nửa là thợ có tay nghề cao, nhiều người là thợ giỏi.

Nói về nghề sơn, anh Nguyễn Hải Tùng ở xóm Rô cho biết, nét đặc sắc nhất của sơn ta là nguyên liệu phải nguyên chất và các công đoạn đều làm thủ công. Tùng kể, từ năm 12 tuổi, anh đã được học nghề, ban đầu là công đoạn đánh sơn, tức là làm cho sơn sống thành sơn chín. Sơn sống được cho vào thúng rồi người thợ phải dùng chày gỗ khuấy trộn từ 16 đến 20 tiếng liên tục; khi thấy sơn đã trong, ngả sang màu cánh gián là được. Đánh sơn vất vả vì phải dùng sức nhưng cũng phải có kỹ thuật mới ra được mẻ sơn như ý. Ngoài ra, nhiều khi người thợ còn bị sơn “ăn” tức là bị phù nề, tróc da, nổi mẩn khắp người nhất là vùng mặt, đặc biệt những người thợ làm sơn lâu năm thường bị nám da.

Ngồi nói chuyện với chúng tôi, anh Nguyễn Bá Vũ, một ông chủ trẻ ở ngã tư Sơn Đồng trầm ngâm: Sơn ta không thể lấy nước để pha loãng nhằm tăng số lượng, cũng không thể phối với nhau để tạo thành màu mới. Cách làm truyền thống chỉ có thể là pha thêm dầu trẩu để điều chỉnh thời gian khô của sản phẩm, tạo màu thì trộn với một số loại bột màu lấy từ thiên nhiên như bột đá, than xoan, hoàn toàn không dùng hóa chất.

Đồ thờ bày bán ở một cửa hàng trong làng nghề

Kể về các công đoạn tô tượng, anh Đỗ Xuân Tuấn ở xóm Hàn cho biết, làm sơn ta chuẩn phải gồm các công đoạn là bó, hom, lót, thí, cầm thếp và phủ hoàng kim. “Đầu tiên người thợ dùng “thép” (một loại chổi lông) quét một lớp sơn lên bề mặt tượng để lấy độ kết dính, sau đó lấy sơn sống trộn với đất và mùn cưa đắp vào tượng để tạo thành các nếp nhăn, nếp áo, đây là công đoạn “bó”. Bó xong đợi khoảng một tuần cho tượng khô người thợ mới mang ra mài nước bằng đá mài hoặc giấy ráp. Mài xong lại để cho sản phẩm khô rồi người thợ lấy sơn trộn với đất thó đã nghiền thành bột mịn theo tỷ lệ nhất định phết lên pho tượng thật đều- đây là công đoạn “hom”. Cứ mỗi lần sơn và mài nước như vậy lại phải chờ sơn khô nên để ra được sản phẩm mất rất nhiều thời gian”.

Vừa chăm chú tô cổ áo bức tượng Đức ông, anh Tùng vừa giảng giải một điều thú vị: Khác với các chất liệu sơn công nghiệp vốn nhanh khô khi thời tiết khô ráo, sơn ta lại khô nhanh khi thời tiết ẩm. Vì vậy, những ngày nồm ẩm đầu xuân là thời điểm thuận lợi nhất cho làm sơn ta. Nếu trời quá khô hanh, người thợ phải che kín sản phẩm, đổ nước ra sàn nhà để tạo độ ẩm. Đặc biệt nữa là, trong quá trình sơn phải tránh gió, nếu không sản phẩm dù có để hàng chục năm cũng không thể khô. “Làm sơn ta khó nhất ở việc cảm nhận được bao nhiêu thời gian thì thực hiện được công đoạn sau. Nếu làm quá “non” lớp thếp sẽ bị rạn, nếu quá “già” lớp thếp sẽ bị đen, không có độ bóng. Tất cả những điều này là kinh nghiệm cá nhân của từng người thợ, sự cảm nhận của họ qua từng khâu, bắt đầu từ khi chế biến nguyên liệu chứ không có bài bản nào cả. Nếu thợ non kinh nghiệm, sản phẩm rất dễ bị hỏng”, anh Tùng nói.

Từ sự khắt khe, chính xác trong từng công đoạn như vậy sẽ cho ra sản phẩm có chất lượng và độ bền tuyệt vời. Sơn khô rồi có thể đạt độ bền vài trăm năm, không thấm nước, không bị mối mọt, chịu được axít và nước biển, chịu nóng… Sơn ta tuy cứng nhưng lại có độ dẻo, đàn hồi, hòa hợp với cốt gỗ, khi bị tác động vẫn bám chắc, không bong tróc, rạn vỡ.

Là người đã đi phục dựng nhiều đình chùa trên cả nước, nghệ nhân Trần Đình Thảo kể, có những bức tượng gỗ niên đại hàng trăm năm, hiện nay đã có biểu hiện hư hại nhưng riêng lớp sơn thì vẫn bóng đẹp gần như mới. “Ở những chỗ nối, người xưa dùng sơn ta gắn kết cũng vô cùng bền chắc, có người sơ ý đánh rơi tượng nhưng mối nối cũng không ảnh hưởng gì”, ông Thảo dẫn chứng. Đặc biệt là đồ thờ làm từ sơn ta thì lớp sơn có chiều sâu, độ bóng, các màu cũng “khôn”, cũng “thật” hơn hẳn sơn công nghiệp.

Nỗi lo giữ nghề

Biết là nghề quý, là tinh túy và hiện nay những người thợ làng nghề vẫn làm chủ các bí quyết của nghề nhưng ông Thảo cũng thú thật rằng, đôi khi giật mình lo nghề mai một. Vì rằng hiện nay, hầu hết các cơ sở sản xuất trong làng nghề đã thay thế sơn ta truyền thống bằng sơn công nghiệp. Mới chỉ được người thợ Sơn Đồng sử dụng chừng hai chục năm nay, nhưng loại sơn hộp, sơn công nghiệp nhanh chóng chiếm ưu thế tuyệt đối bởi giá rẻ, dễ làm.

Lớp thợ trẻ có thể rất giỏi ở khâu đục chạm nhưng ít người làm được sơn ta.

Chia sẻ nỗi ưu tư này, ông Nguyễn Viết Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Sơn Đồng lý giải, đó là yếu tố thị trường nên khó lắm… Khách hàng phần thì thấy sơn công nghiệp cũng đẹp nên chỉ yêu cầu vậy thôi cũng được. Người khác có đôi chút hiểu biết về sơn ta, đòi hỏi phải làm bằng chất liệu này nhưng khi được báo giá thì lại thay đổi ý định. Bởi làm sơn ta, giá thành tối thiểu đã gấp ba, bốn lần sơn công nghiệp; trong khi đó, nếu làm sơn công nghiệp của Nhật, tiền sơn đã xấp xỉ tiền gỗ.

Không chỉ lớp thợ già lo mất nghề mà ngay cả lớp thợ trẻ như Nguyễn Hải Tùng, Nguyễn Bá Vũ… cũng cho biết, sau lứa thợ tầm tuổi 30 như các anh, lớp trẻ hầu như không được đào tạo bài bản về sơn ta, nên không biết làm hoặc nếu có biết cũng chỉ lỗ mỗ do không được thực hành, trải nghiệm thường xuyên.

Trao đổi với chúng tôi, nghệ nhân Trần Đình Thảo cho biết, một số cơ sở cũng quan tâm đến đào tạo nghề cho thợ trẻ, chẳng hạn như cá nhân ông vào lúc rỗi việc cũng yêu cầu các em bày đổ nghề ra để chỉ dạy trực quan. Vào các dịp hè, chính quyền xã cũng tổ chức các lớp học nghề, đối tượng tham gia thường là các em học sinh độ tuổi THCS. Tuy nhiên, có vẻ như nỗ lực đó vẫn quá yếu ớt, chưa đủ sức chống chọi với sự xâm lấn ồ ạt của việc thương mại hóa sản phẩm làng nghề…

Sẽ thật là đáng tiếc nếu chỉ sau vài chục năm nữa xã hội ít có người biết về những sản phẩm thủ công mỹ nghệ có dùng sơn ta và càng buồn hơn nếu số người nắm được những kỹ thuật của một nghề đặc sắc như vậy ngày càng hiếm.

T.Toàn

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/ve-son-dong-nghe-chuyen-nghe-son/