20 trụ điện cùng bị bật gốc: Có bất thường?

Trước việc gần 20 trụ điện bị bật gốc, gãy đổ, chuyên gia cho rằng cần kiểm tra lại về kết cấu và vật liệu xây dựng xem đảm bảo chưa.

Trước đó vào khoảng 16h30 ngày 19/4, tại tỉnh lộ 2, xã Trung Lập Thượng, huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh hướng từ ngã tư Công Sở đi ấp Vân Hàn, hàng loạt trụ điện bị bật gốc, nghiêng ngả.

Tại thời điểm xảy ra vụ việc có mưa to kèm theo gió lớn. Theo người dân khu vực, mưa khoảng 25 phút thì hàng loạt trụ điện này bắt đầu nghiêng, nhiều trụ gãy sát gốc.

Tại hiện trường, đoạn đường dài 200m có khoảng 20 trụ điện bị bật gốc và nghiêng, kéo theo dây điện chằng chịt nằm sát mặt đường, nhiều cây xanh trong khu vực cũng bị gãy chắn ngang đường.

Trước vụ việc này, ông Hà Văn Lê -Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Nghệ An cho rằng những vụ việc như vậy cần xem lại về thi công, kết cấu xây dựng và vật liệu xây dựng xem đảm bảo hay chưa?

Nếu là cột điện tròn bị gãy có thể do thép bên trong không đảm bảm bởi bản chất của cột điện nếu chịu đựng tốt phải do thép bên trong.

Nếu cốt thép không đảm bảo hoặc chất liệu thép kém cũng có thể gây nên việc cột điện gãy, đổ. Tuy nhiên để xác định có đúng không cần phải có sự khảo sát, kiểm tra ở hiện trường của phòng thẩm định và có số liệu cụ thể.

Trụ điện ở huyện Củ Chi ngã trong cơn mưa chiều 19/4

Theo Chủ tịch Hội Vật liệu xây dựng Nghệ An, trong trường hợp cột điện bật cả gốc lên có thể do móng cột không bền, không đảm bảo, thi công không đảm bảo do chôn cất móng chưa đủ sâu. Nếu muốn xác định xem có đúng lượng bê tông cốt thép không thì cần phải tìm hiểu, kiểm tra, quan trọng vẫn phải kiểm tra chất lượng và kết cấu của trụ điện.

Cùng chung quan điểm trên, PGS.TS. Lê Trung Thành -Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng cũng cho rằng trụ điện đổ trước nay đã có nhiều ý kiến đưa ra.

"Có thể tải trọng của nó vượt quá sức chịu tải của cột điện thì sẽ gây nên gãy, người thiết kế cột điện không lường trước được độ lớn của tải trọng bất thường đó.

Nếu cột điện bật gốc thì phải xem lại thi công xem lúc chôn cột điện đã đủ sâu chưa, có tính toán thiết kế độ sâu chôn cột và tính toán tải trọng bất thường không?. Trong trường hợp không tính toán sẽ xảy ra hiện tượng cột điện đổ và bật gốc.

Còn về lượng thép bên trong có đảm bảo hay không phải xác định rõ, cụ thể người có chuyên môn phải đo đếm xem có bao nhiêu thanh thép, bê tông, sau đó tính xem với lượng thép bê tông đó có chịu được sức chịu tải không?" -GS.TS. Lê Trung Thành -Viện trưởng Viện Vật liệu xây dựng chia sẻ.

Một số hệ thống truyền tải điện đã bị hư hỏng

Về nguyên nhân của sự cố trên, trao đổi với báo chí, ông Nguyễn Đăng Khoa - phó giám đốc phụ trách Công ty Điện lực Củ Chi - cho biết, khoảng 16h chiều 19/4, trên địa bàn huyện Củ Chi xảy ra mưa lớn trên diện rộng, trong đó dông lốc dẫn đến 8 trụ điện hơi nghiêng, 1 trụ gãy đôi, 5 trụ bị ngã.

"Các trụ điện ngã rạp do cộng ứng lực, trụ đứng một hàng, khi bị lực tác động lớn, bị lực cộng hưởng gây ngã. Khi lực lớn lùa ngang vô, khả năng tác động trúng một điểm, một trụ trong tuyến dây mạnh nhất, chỗ nào yếu nhất thì bị tác động làm ngã, khi ngã sẽ kéo theo hàng loạt trụ khác ngã theo vì dây trên các đỉnh trụ liên kết với nhau", ông Khoa giải thích.

"Do gió lốc, chiều ngày 19/4, Củ Chi mưa lớn, gió lốc lớn, cây cối ngã rạp, xe cộ không chạy được".

Ông Khoa cũng cho hay các trụ ngã, nghiêng đều là điện trung thế, trên các trụ có cáp viễn thông và đường dây điện chiếu sáng công cộng.

Riêng trụ điện bị gãy đôi, ông Khoa cho biết báo cáo ban đầu của nhân viên đang làm việc tại hiện trường thì đây không phải là trụ điện sản xuất không theo công nghệ bêtông dự ứng lực. Theo ông Khoa, trên tuyến này từ trước đến nay chưa bị ngã trụ điện do dông lốc.

Vân Anh

Nguồn Đất Việt: http://datviet.trithuccuocsong.vn/chinh-tri-xa-hoi/tin-tuc-thoi-su/20-tru-dien-cung-bi-bat-goc-co-bat-thuong-3430908/