9 bài thuốc trị chứng hôi miệng do nóng trong

Hôi miệng là một triệu chứng có thể do bệnh lý tại khoang miệng (sâu răng, viêm lợi, viêm nha chu), do hơi thở từ miệng có mùi hôi hoặc do nội nhiệt dẫn tới hôi miệng.

Trong y học cổ truyền, nội nhiệt là hiện tượng nóng từ bên trong cơ thể do âm dương mất cân bằng, chức năng của các tạng phủ suy giảm hoặc rối loạn.

Biểu hiện thường xuyên khô miệng, hơi thở có mùi hôi, dễ bị bốc hỏa, bàn chân bàn tay nóng, đôi khi xuất hiện chứng mồ hôi trộm, dễ viêm loét miệng; da tóc khô ráp, sắc mặt hơi đỏ. Phụ nữ kinh nguyệt không đều, lượng kinh ít, thậm trí bế kinh; ăn nhiều mau đói, đại tiện táo bón, tiểu tiện vàng, khó ngủ, mất ngủ, ngủ hay mơ, di tinh.

Các nguyên nhân gây hôi miệng có thể do các tình trạng tại miệng như: Viêm nhiễm, cao răng, mảng bám, sâu răng, viêm quanh răng, viêm họng... hoặc do các nguyên nhân khác.

Ngoài giải pháp tích cực điều trị các bệnh lý nêu trên, có thể sử dụng một trong số những bài thuốc Đông y dưới đây có tác dụng thanh nhiệt làm mát huyết trị hôi miệng.

Hôi miệng có thể do bệnh lý tại khoang miệng, cũng có thể do nóng từ bên trong cơ thể

Các bài thuốc trị hôi miệng do nội nhiệt

Bài 1: Rễ lau tươi 24g nấu với 250ml lít nước uống. Uống liền trong 7-10 ngày.

Bài 2: Hoàng liên 8g, sắc với 160 ml nước, lấy 80ml, bỏ bã, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 3: Lá trúc, rễ cây quất lâu 12g, sinh địa 10g, mộc thông 2g. Sắc uống liền 5 ngày.

Bài 4: Thạch cao 12g, tri mẫu 8g, mạch môn 12g, sạ can 10g, sắc uống mỗi ngày 1 thang. Uống thay trà.

Bài 5: Hoàng liên 6g, hạt dành dành 15g, thạch cao sống 10g, sắc nước uống trong ngày.

Vị thuốc hoàng liên trị hôi miệng do nội nhiệt

Bài 6: Trúc diệp 9g, thạch cao 30g, bán hạ chế 4g, mạch môn 18g, nhân sâm 5g, cam thảo 3g, gạo 8g. Sắc uống ngày một thang. Chia 3 phần, uống trong ngày.

Bài 7: Hoàng liên 5g, quy thân 6g, sinh địa 12g, đơn bì 6g, thăng ma 6g. Các vị thuốc sắc uống ngày 1 thang. Chia uống ngày 2 lần.

Bài 8: Sinh địa 12g, hoắc hương 10g, chi tử 10g, kinh giới 8g, bạc hà 6g, cam thảo 8g. Sắc uống thay trà, uống trong ngày.

Bài 9: Sa sâm 15g, mạch môn đông 10g, ngọc trúc 10g, phục linh 10g, sinh địa 12g, hoắc hương 12g, sa nhân 8g, cam thảo 8g. Sắc uống, ngày 1 thang.

Khi phát hiện hôi miệng, bệnh nhân cần được thăm khám để xác định nguyên nhân để có hướng điều trị hiệu quả.

Mời bạn xem thêm video:

6 Loại thực phẩm nên tránh khi bị viêm khớp | SKĐS

ThS BS Lê Thị Hương

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/9-bai-thuoc-tri-chung-hoi-mieng-do-nong-trong-16923110823384971.htm