'A Phủ' Trần Phương: Sự nghiệp rực rỡ khiến nhiều lớp nghệ sĩ ngưỡng mộ và kính nể

NSND Trần Phương qua đời ở tuổi 90, để lại niềm tiếc thương vô hạn với người yêu điện ảnh Việt.

NSND Trần Phương là nghệ sĩ gạo cội trong nền điện ảnh nước nhà. Suốt sự nghiệp của mình, ông đã tận tâm tận sức cống hiến trọn vẹn nhất trong từng vai diễn. Với khán giả lớn tuổi, họ sẽ không quên hình ảnh đẹp của chàng A Phủ trong "Vợ chồng A Phủ". Vai diễn này trở thành hình tượng kinh điển mà bất cứ thế hệ diễn viên nào cũng nhờ tới.

Hình ảnh NSND Trần Phương trong "Vợ chồng A Phủ".

NSND Trần Phương sinh ra tại Thái Nguyên. Trước khi đến với điện ảnh, ông chưa từng qua học bất cứ trường lớp đào tạo diễn viên hay đạo diễn điện ảnh nào.

Tròn 16 tuổi, ông rời trường học, tham gia kháng chiến chống Pháp. Năm 1952, ông là một trong những học viên đầu tiên của Trường Văn nghệ nhân dân được thành lập tại chiến khu Việt Bắc.

NSND Trần Phương tham gia nhiều thể loại, theo học kịch với Thế Lữ, Song Kim, Đoàn Phú Tứ, học văn với Nguyên Hồng, Tô Hoài, học chèo với Năm Ngũ, Cả Tam, tham gia đóng ca kịch "Hòn đá" của Đỗ Nhuận...

A Phủ - NSND Trần Phương.

Năm 1955, ông trở thành diễn viên của Xưởng phim truyện Việt Nam. Năm 1959, ông tham gia đóng bộ phim đầu tiên "Vợ chồng A Phủ" của đạo diễn Mai Lộc, kịch bản Tô Hoài. Trong tác phẩm kinh điển này, ông đã khắc họa thành công hình ảnh chàng thanh niên người Mèo A Phủ (đóng vai Mỵ là NSƯT Đức Hoàn).

Sau thành công của vai A Phủ, ông tiếp tục đóng thành công nhiều vai trong nhiều bộ phim đã trở thành kinh điển của điện ảnh Cách mạng như Khoa - chồng Tư Hậu - trong "Chị Tư Hậu" (1962), Khiêm trong "Tiền tuyến gọi" (1969), Sơn trong "Biển gọi" (1967), Tiệp trong "Ngày lễ Thánh", Lực trong "Vợ chồng anh Lực"... Với những vai diễn này, ông là một trong những diễn viên kì cựu của điện ảnh Cách mạng cùng Trà Giang, Lâm Tới, Đức Hoàn.

Vẻ điển trai thời trẻ của NSND Trần Phương.

Ông trở thành cây đại thụ của nền điện ảnh thời bấy giờ. Sự nghiệp diễn xuất thành công nhưng NSND Trần Phương vẫn có tinh thần cầu tiến. Khi quá xuất sắc ở nghề diễn, ông học hỏi và chuyển sang làm đạo diễn.

Ban đầu, ông làm phó đạo diễn cho NSND Trần Vũ là "Chuyến xe bão táp" và "Những người đã gặp". Sau đó, ông có bộ phim đầu tiên do chính mình dàn dựng mang tên "Mưa rơi trên thành phố" (1978) dựa theo tác phẩm nhà văn Nguyễn Khắc Phục, biên kịch Mai Thanh. NSND Trần Phương cũng chính là người làm ra bộ phim truyền hình màu đầu tiên của Đài Truyền hình Việt Nam mang tên "Dưới chân núi trắng". Phim được thực hiện năm 1979.

Năm 1980, ông cho ra mắt bộ phim "Tội lỗi cuối cùng" đã gây nên một cơn sốt vé trong các rạp chiếu ở cả Nam lẫn Bắc. Trong bộ phim này, diễn viên Phương Thanh đóng vai Hiền "cá sấu", còn nam tài tử Trần Quang đóng vai tướng cướp Long Vân. Bộ phim còn có sự tham gia diễn xuất và viết ca khúc "Đời gọi em biết bao lần" của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Với bộ phim này, NSND Trần Phương đã giành Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ V, Phương Thanh giành giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất.

NSND Trần Phương ở trong viện dưỡng lão.

Sự nghiệp đạo diễn của NSND Trần Phương tiếp tục thăng hoa với những bộ phim khác như: Hi vọng cuối cùng (1981), Đứng trước biển (1985), Hoàng Hoa Thám (1987), Dòng sông hoa trắng (1989)... Bộ phim "Dòng sông hoa trắng" có sự diễn xuất của NSND Trà Giang (đây là vai diễn sau cùng của bà), cũng được giới chuyên môn đánh giá cao. Bộ phim "Hi vọng cuối cùng" (1981) với sự tham gia của Đặng Tất Bình và Như Quỳnh đã giành giải Bông sen bạc tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ VI, và ông cũng giành giải Đạo diễn xuất sắc nhất.

Đến thập niên 90, khi trào lưu phim "mì ăn liền" phát triển, NSND Trần Phương rất thức thời khi tích cực tham gia với hàng loạt bộ phim Vụ án Hồ Con Rùa, Dòng thác, SBC (Săn bắt cướp), Thủ môn từ trên trời rơi xuống, Tình ngỡ đã phôi phai, Vệt sáng ngược, Hai năm nữa anh về... có doanh thu rất cao. Nhiều bộ phim trong số này nội dung về đề tài an ninh, giúp ông ghi dấu là một trong những đạo diễn có nhiều bộ phim hay về đề tài an ninh nhất. Trong những phim của mình, NSND Trần Phương luôn cân bằng giữa yếu tố nghệ thuật và thị trường. Thập niên 2000, mặc dù đã hơn 70 tuổi nhưng ông vẫn tiếp tục thực hiện nhiều bộ phim như "Đêm Bến Tre" (đề tài Đồng khởi miền Nam) và "Khi người ta yêu nhau".

Với đóng góp không biết mệt mỏi của mình, NSND Trần Phương đã được trao tặng danh hiệu NSND vào năm 2001. Năm 2007, ông được nhận Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật cho các phim Hi vọng cuối cùng, Tội lỗi cuối cùng, Dòng sông hoa trắng.

Tuổi cao sức yếu nhưng NSND Trần Phương vẫn đắm say trọn tình với nghề.

Nhìn những đóng góp cả về mảng diễn viên đến đạo diễn để thấy NSND Trần Phương luôn là bậc thầy trong mắt các lứa nghệ sĩ phía sau. Dù có một sự nghiệp rực rỡ nhưng NSND Trần Phương vẫn giữ lửa với nghề. Đó là điều mà nhiều nghệ sĩ ngưỡng mộ. Trả lời Dân trí, NSND Trọng Trinh tâm sự về người thầy bằng niềm kính trọng nhất.

"Đối với tôi, nghệ sĩ Trần Phương là một người thầy, một người cha và một người nghệ sĩ lớn. Chưa bao giờ tôi thấy có một đạo diễn nào hiền lành, tinh tế, nhẹ nhàng và điềm đạm đến thế. Thời đóng phim "SBC - Săn bắt cướp" do ông làm đạo diễn, mỗi cảnh quay ông đều phân tích tâm lý nhân vật cho từng diễn viên, có gì chưa đúng ông nhẹ nhàng chỉ bảo.

Vì thế, làm việc với ông chúng tôi thấy dễ chịu lắm. Hiếm có một nghệ sĩ nào vừa tài hoa, vừa nhẹ nhàng, vừa tinh tế như ông. Ông xứng đáng là một nhân cách lớn, một hình mẫu để chúng tôi học tập", NSND Trọng Trinh nói.

Đỗ Quyên (th)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/giai-tri/a-phu-tran-phuong-su-nghiep-ruc-ro-khien-nhieu-lop-nghe-si-nguong-mo-va-kinh-ne-20200828094655903.htm