Arjun MK II - Siêu tăng đầy trắc trở của Ấn Độ

Arjun MK II là xe tăng do Ấn Độ phát triển, ngoại trừ giá thành quá cao còn lại những tính năng của chúng được đánh giá rất ưu việc, thậm chí còn 'trên cơ' xe tăng T-90S của nước này mua từ Nga.

Những chiếc xe tăng Arjun MK II được phát triển từ năm 2012, dựa trên nền tảng của phiên bản Arjun MK I. Đây được coi là một trong những chiếc xe tăng mạnh mẽ nhất thế giới.

Siêu tăng Arjun MK II có khả năng bắn tên lửa LAHAT do Israel phát triển qua nòng pháo chính, đây là tính năng mà ít loại xe tăng phương Tây nào có.

Ngoài ra chúng còn được trang bị hệ thống cảnh giới laser tăng cường phòng thủ trước tên lửa của đối phương.

Hệ thống giáp Arjun MK II được cấu tạo với nhiều thành phần phức hợp từ thép, gốm và composite được gia cường.

Các chuyên gia quân sự đánh giá, so với phiên bản Arjun tiêu chuẩn, bản MK II có 80 thành phần được nâng cấp hoặc cải tiến.

Giới phân tích đánh giá xe tăng này ngang ngửa với những dòng xe tăng hiện đại hàng đầu như Leopard 2A7 của Đức, M1A2 Abrams của Mỹ hay T-90M của Nga.

Điểm đáng chú ý ở Arjun MK II là những nâng cấp về hệ thống hỗ trợ quan sát ảnh nhiệt, hệ thống giáp chủ động, thiết bị phá mìn.

Ngoài ra xe tăng này còn được trang bị hệ thống cảm biến laser cảnh báo tên lửa phóng tới và hệ thống dẫn đường hỗn hợp.

Phiên bản Arjun Mk II cũng được trang bị tháp pháo thu gọn hơn và hệ thống trao đổi thông tin hiện đại.

Xe cũng được trang bị một động cơ diesel công suất lớn 1.500 mã lực giúp cho xe tăng có thể đạt tốc độ tối đa 65km/h dù trọng lượng của chúng nặng tới 68 tấn. Tầm hoạt động 500 km.

Về hệ thống hỏa lực, xe được trang bị pháo tăng cỡ nòng 120mm có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau và có thể tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách 5 km.

Vũ khí phụ là một súng máy đồng trục cỡ nòng 7,62mm và súng máy phòng không 12,7mm hoàn toàn tự động.

Về kích thước, xe tăng Arjun Mk II có chiều dài 10,64m, chiều rộng 3,95m và chiều cao 3,18m.

Xe tăng Arjun MK II được vận hành bởi kíp lái 4 người.

Hiện Ấn Độ đang nghiên cứu để tích hợp trí tuệ nhân tạo cho dòng xe tăng nội địa này.

Theo đó một khi được tích hợp trí tuệ nhân tạo, xe tăng có thể tự động phát hiện, phân loại và theo dõi các mục tiêu khác nhau.

Đồng thời xe tăng Arjun Mk II có thể nhanh chóng khai hỏa vô hiệu hóa mục tiêu nguy hiểm, hoặc điều khiển đánh chặn vũ khí chống tăng.

Hệ thống này sẽ tích hợp với tháp súng 12,7mm hoàn toàn tự động để tiêu diệt các mục tiêu di động nhỏ.

Xe tăng Arjun Mk II được đánh giá là dòng vũ khí đáng gờm, tuy nhiên điểm yếu của chúng là giá thành đắt đỏ khi chế tạo.

Quân đội Ấn Độ đã đặt chỉ tiêu trang bị tới 118 chiếc Arjun MK II để đưa vào biên chế.

Dù hợp đồng đã được ký kết từ năm 2014, nhưng tới nay vẫn có rất ít xe tăng Arjun MK II được sản xuất và đưa vào biên chế.

Ngoài giá thành đắt đỏ thì việc "ôm đồm" quá nhiều công nghệ từ nhiều nước khiến cho việc chế tạo dòng xe tăng này gặp khó khăn.

Dù xe tăng Arjun MK II được coi là mạnh nhất hiện nay trong lục quân Ấn Độ, tuy nhiên số lượng quá ít nên xương sống của lực lượng tăng thiết giáp nước này vẫn phải trông trờ vào hơn 1.000 xe tăng T-90S mua từ Nga.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/arjun-mk-ii-sieu-tang-day-trac-tro-cua-an-do-post529267.antd