Australia: Những định hướng của RBA khiến các nhà kinh tế 'lạc lối'

Các chuyên gia kinh tế lập luận rằng các thiết lập chính sách cần phải siết chặt hơn để hạ thấp lạm phát trong phần lớn năm 2023.

Đồng tiền giấy mệnh giá 5 AUD của Australia. Ảnh: AFP/TTXVN

Theo bài viết trên Australia Financial Reviews, các nhà kinh tế - những người đã đánh giá sai bước đi của Ngân hàng Dự trữ Australia (RBA, ngân hàng trung ương) - cho rằng lập trường cứng rắn hơn về lạm phát và bằng chứng cho thấy tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng nước ngoài đã được kiềm chế có thể đã dẫn đến quyết định gây sốc của RBA là tăng lãi suất.

RBA đã gây bất ngờ cho thị trường hôm 3/5 khi tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm lên 3,85%. 21 trong số 30 nhà kinh tế trong một cuộc khảo sát của Bloomberg trước đó dự đoán lãi suất sẽ không thay đổi trong tháng thứ hai, trong khi các thị trường đã định giá hầu như không có khả năng RBA sẽ thay đổi lãi suất.

Phát biểu tại Perth hôm 2/5, Thống đốc RBA Philip Lowe cho biết, lạm phát dịch vụ tăng nhanh và tỷ lệ thất nghiệp gần mức thấp nhất trong 50 năm là 3,5% khiến hội đồng quản trị ủng hộ việc tăng lãi suất.

Nhà kinh tế trưởng Bill Evans của ngân hàng Westpac cho biết, đây là quyết định mới nhất trong một loạt quyết định của RBA khiến thị trường bất ngờ. Trước đó, RBA đã tăng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 6/2022, khi thị trường kỳ vọng mức tăng 0,25 điểm phần trăm.

Vào tháng 10/2022, RBA chỉ tăng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm khi các nhà kinh tế dự kiến một đợt tăng mạnh khác. Ông Evans, một trong số những người kỳ vọng lãi suất sẽ không thay đổi trong tháng 5/2023, cho biết các nhà kinh tế đang gặp khó khăn trong việc dự đoán các định hướng của RBA.

Yếu tố thôi thúc RBA tăng lãi suất

Đánh giá của các chuyên gia kinh tế về ý định của hội đồng quản trị chủ yếu dựa vào những định hướng từ bài phát biểu gần đây của Thống đốc RBA chỉ ra tầm quan trọng của việc theo dõi lạm phát phù hợp với dự báo của ngân hàng.

Báo cáo lạm phát quý III/2022 chỉ ra rằng lạm phát phù hợp, nếu không muốn nói là tốt hơn một chút. Ông Evans cho biết, tuyên bố mới nhất của thống đốc ngân hàng cho thấy hội đồng quản trị đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đưa lạm phát trở lại phạm vi mục tiêu 2-3% trong một khung thời gian hợp lý.

Nhà kinh tế trưởng Paul Bloxham của ngân hàng HSBC cho hay các dự báo mới của RBA, sẽ được công bố đầy đủ vào ngày 5/5, bao gồm mức lạm phát ngắn hạn thấp hơn một chút và GDP ngắn hạn thấp hơn một chút.

Theo ông Bloxham, những thay đổi bản thân chúng không thể không biện minh cho việc tăng lãi suất, và tuyên bố của Thống đốc Lowe không gợi ý rằng bất kỳ công bố kinh tế cụ thể nào trong tháng mang tính bất ngờ có thể kích hoạt quyết định tăng lần này.

Ông Bloxham nói: "Thay vào đó, có vẻ như hội đồng quản trị đã xác định rằng thắt chặt (chính sách tiền tệ) hơn một chút sẽ giúp giảm nguy cơ lạm phát duy trì ở mức cao lâu hơn mức có thể chấp nhận được. Nghĩa là, động thái tăng lãi suất có thể được thúc đẩy bởi việc đánh giá sự cân bằng rủi ro đối với các dự báo".

Nguy cơ lạm phát dai dẳng

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Hoàng gia Canada (Royal Bank of Canada/RBC) Su-Lin Ong cho biết, RBA có thể quyết định cần phải giảm lạm phát nhanh hơn, với tuyên bố sau cuộc họp của Thống đốc RBA Lowe cho rằng muốn đưa lạm phát trở lại phạm vi mục tiêu từ 2% đến 3% của RBA trong một khung thời gian hợp lý.

Theo bà Ong, mục tiêu đến giữa năm 2025 có thể không còn hợp lý nữa, với lập trường thắt chặt tiền tệ hơn và nhu cầu yếu hơn là cần thiết. Điều này củng cố xu hướng thắt chặt tiền tệ và nhắc nhở thị trường rằng Australia có thể cần phải tăng lãi suất hơn nữa.

Giống như chuyên gia Evans của ngân hàng Westpac, bà Ong ban đầu cũng dự đoán RBA sẽ tăng lãi suất vào tháng 5/2023, nhưng sau bà loại bỏ khả năng này do những tuyên bố mang tính ôn hòa của ngân hàng trung ương và quyết định đóng băng lãi suất trước đó vào tháng 4/2023.

Theo bà Ong, các chuyên gia kinh tế đã lập luận trong phần lớn năm 2023 rằng các thiết lập chính sách cần phải siết chặt hơn để hạ thấp lạm phát. Họ cũng lập luận rằng các thành phần chính của lạm phát rất khó thay đổi và có khả năng duy trì ở mức cao với các dự báo thận trọng hơn. Tuy nhiên, ngôn ngữ ôn hòa của RBA và "sự miễn cưỡng" tăng lãi suất hơn nữa cho thấy Australia có lẽ đã ở khá gần mức đỉnh của chu kỳ tăng lãi suất này.

Nhà kinh tế trưởng của ngân hàng Goldman Sachs, Andrew Boak dự báo cuối cùng lãi suất sẽ tăng lên 4,1%, nhưng không dự báo về một đợt tăng lãi suất nào khác cho đến tháng 7/2023.

RBA cho rằng quyết định này là do lạm phát "vẫn còn quá cao" và chi phí đơn vị lao động "tăng nhanh", mặc dù các chuyên gia lưu ý rằng không có thông tin gia tăng nào về chi phí đơn vị lao động trong tháng và RBA đã hạ dự báo lạm phát cuối năm 2023 từ 4,8% xuống còn 4,5%.

Cán cân rủi ro bị lệch

Ông Andrew Boak cho biết, quyết định tăng lãi suất sau một tháng tạm dừng của hội đồng quản trị là điều đáng ngạc nhiên do các số liệu lạm phát quý III "thấp hơn" và có tiền lệ trong quá khứ về việc tạm dừng điều chỉnh lãi suất trong nhiều tháng.

Ông Boak dự kiến mức tăng lãi suất 0,25 điểm phần trăm cuối cùng vào tháng 7/2023, điều này sẽ giúp hội đồng có thời gian xem xét các báo cáo bổ sung về GDP, chi phí lao động và đánh giá mức lương tối thiểu hàng năm. Ông nhận định, sự cân bằng rủi ro nghiêng về lãi suất đầu cuối cao hơn (hơn 4,1 %) với rủi ro nghiêm trọng về việc tăng lãi suất liên tiếp vào tháng Sáu.

Ông Evans cho hay cuộc họp tiếp theo sẽ diễn ra vào tháng 8/2023, sau khi công bố chỉ số giá tiêu dùng quý vào tháng 6/2023, nhưng lãi suất sẽ không thay đổi. Vào tháng Tám, "sức khỏe" nền kinh tế, đặc biệt là khu vực hộ gia đình, sẽ xấu đi và tốc độ tăng trưởng trong nửa cuối năm 2023 sẽ chững lại"./.

Nguyễn Linh (P/v TTXVN tại Sydney)

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/australia-nhung-dinh-huong-cua-rba-khien-cac-nha-kinh-te-lac-loi/290075.html