Ba thị trường hưởng lợi nhờ việc Trung Quốc mở cửa

Động thái dỡ bỏ lệnh phong tỏa nghiêm ngặt của Trung Quốc có thể thúc đẩy thị trường hàng xa xỉ, hàng không và vận chuyển hàng hóa bằng container phục hồi mạnh mẽ.

Các tàu container chất đống hàng tại khu neo đậu ngoài cảng của Trung Quốc vào tháng 10/2021. Ảnh: Nelson Cabrera.

Việc gỡ hàng rào phong tỏa trong thời kỳ dịch bệnh để chuyển sang trạng thái mới đã giúp nền kinh tế Trung Quốc trở lại mạnh mẽ hơn. Điều này phản ánh qua những kết quả kinh tế tích cực, mà rõ rệt nhất là tại thị trường tiêu dùng hàng xa xỉ, hàng không và vận chuyển hàng hóa bằng container.

Theo Investing.com, trong quý I năm nay, tổng sản phẩm nội địa (GDP) của Trung Quốc đã tăng 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng doanh số bán lẻ tháng 3 đã tăng 10,6% so với cùng kỳ, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây.

Chỉ số Citi Economic Surprise Trung Quốc, đo lường độ chính xác của các dữ liệu so với kỳ vọng của thị trường, đã đạt mức cao nhất 17 năm.

Tập đoàn UBS cũng nâng dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc vào năm 2023 lên “ít nhất” 5,7%. Nhà phân tích Patricia Lui nhận định tiêu dùng vẫn là động lực chính cho sự phục hồi của Trung Quốc trong năm nay.

Dữ liệu kinh tế của Trung Quốc đang "thổi bay" các dự báo trong quá khứ. Nguồn: Bloomberg, U.S. Global Investors.

Hàng xa xỉ kiếm bộn tiền

Theo báo cáo của Công ty Global Blue trụ sở tại Thụy Sĩ, trước khi dịch bệnh diễn ra, khách du lịch Trung Quốc từng mang lại doanh thu khổng lồ ở phân khúc hàng xa xỉ.

Như năm 2019, 1/3 doanh số từ việc bán hàng hóa xa xỉ trên toàn cầu (tương đương 102 tỷ USD) tới từ việc mua sắm của người dân Trung Quốc. Phần lớn hàng xa xỉ được mua trong các chuyến du lịch nước ngoài.

Có thể mất tới 2 năm nữa, thị trường này mới lấy lại được mức tăng trưởng kể trên. Nhưng các tín hiệu phục hồi trong giai đoạn gần đây tới từ các đế chế thời trang xa xỉ đã dấy lên niềm hi vọng cho thị trường này.

Các nhà đầu tư coi hàng xa xỉ là lĩnh vực có chất lượng tăng trưởng cao nhất, giống như cách công nghệ được coi là lĩnh vực tăng trưởng tốt nhất ở Mỹ

Zuzanna Pusz, chuyên gia phân tích UBS

Cụ thể, gã khổng lồ LVMH và Hermes International vừa đưa ra báo cáo doanh số bán hàng trong quý đầu năm 2023 với mức tăng đột biến. Nguyên nhân chủ yếu là từ động thái gỡ bỏ phong tỏa thúc đẩy người dân Trung Quốc quay trở lại mua sắm.

Từ đầu năm đến nay, nhóm cổ phiếu tăng trưởng mạnh nhất (tính trong chỉ số STOXX 600 của châu Âu) là sản phẩm và dịch vụ tiêu dùng (+26%). Tiếp theo là giải trí và du lịch (+24%) và bán lẻ (+22%).

Trong đó, các cổ phiếu thuộc nhóm hàng hóa xa xỉ cũng có tăng trưởng tốt nhất, với Hermes (+38,6%); L'Oreal (+36%); Moncler (+35%) và LVMH (+32%).

Hàng không tăng công suất

Người dân Trung Quốc có thu nhập trung bình và cao đang rục rịch chuẩn bị cho các chuyến du lịch xuất ngoại bị trì hoãn trong 3 năm qua trước tác động của các lệnh phong tỏa nghiêm ngặt.

Viện Nghiên cứu Du lịch nước ngoài của Trung Quốc (COTRI) ước tính sẽ có khoảng 110 triệu chuyến bay ra nước ngoài trong năm nay, tương đương 2/3 số chuyến bay ra nước ngoài được ghi nhận vào năm 2019.

Singapore dự kiến là điểm đến được người dân Trung Quốc lựa chọn hàng đầu.

Hàng không Trung Quốc liên tục tăng chuyến bay tính từ tháng 1. Ảnh: ForwardKeys, Global Blue, U.S. Global Investors.

Chỉ trong 1 tháng tới, sự phục hồi mạnh mẽ của ngành hàng không sẽ được phản ánh thực tế trong giá cổ phiếu của các hãng hàng không Trung Quốc. Hiện giá cổ phiếu của các hãng bay này vẫn nằm ở mức thấp trên thị trường.

Ở vùng giá cao nhất hiện ghi nhận chủ yếu cổ phiếu thuộc các hãng hàng không châu Âu như EasyJet (+57% từ đầu năm); Air France (+24,6%); Lufthansa (+24%); Ryanair (+21%) và American International Group (+20,7%)...

Cước vận chuyển container chạm đáy

Thị trường cuối cùng chưa ghi nhận sự thay đổi lớn như hàng hóa xa xỉ và hàng không nhưng vẫn cho thấy sự ổn định hơn sau nhiều tháng suy thoái là thị trường vận chuyển hàng hóa bằng container.

Giá cước container đã tăng vọt trong thời kỳ dịch bệnh bùng phát, khi người tiêu dùng phải giãn cách xã hội tại nhà, rủng rỉnh tiền và có nhu cầu chi tiêu cho hàng hóa thay vì dịch vụ. Số lượng hàng hóa cần vận chuyển bằng container tăng lên dẫn đến sự quá tải và chậm trễ kéo dài tại các cảng biển toàn cầu.

Tháng 9/2021, giá cước vận chuyển 1 container 40 feet (FEU) đã chạm mức 11.000 USD, là mức chi phí cao nhất được ghi nhận tới hiện tại.

Theo chỉ số cước vận tải container toàn cầu Freightos Baltic Index (FBX), giá cước vận chuyển hàng hóa bằng container trên toàn cầu đã rơi tự do sau đó. Còn tại Trung Quốc, con số này dường như đã chạm đáy.

Hiện chỉ số cước vận tải container Thượng Hải (SCFI) đã tăng liên tiếp 4 tuần, mức tăng dài nhất kể từ tháng 12/2021. Trong đó, Thượng Hải được biết đến là cảng biển lớn nhất thế giới, và dữ liệu này chính là một chỉ báo đáng tin cậy.

Giá cước vận chuyển hàng hóa bằng container được dự báo đã chạm đáy. Ảnh: Sanghai Shipping Exchange, Bloomberg, U.S. Global Investors.

Ngân hàng Morgan Stanley đưa ra dự báo xu hướng vận chuyển hàng hóa bằng container sẽ quay trở lại.

Cuộc khảo sát theo quý đối với các công ty vận chuyển cho thấy hầu hết đều kỳ vọng nhu cầu vận chuyển hàng hóa bằng container toàn cầu sẽ tăng lên trong năm nay.

3/4 công ty vận chuyển được khảo sát cũng tin rằng số lượng hàng tồn kho sẽ được giải quyết triệt để vào năm nay. Một nửa cho rằng điều này sẽ xảy ra vào nửa cuối năm nay.

Thiên An

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/ba-thi-truong-huong-loi-nho-viec-trung-quoc-mo-cua-post1425278.html