Bài 3: Không dừng lại ở Đồng Văn

Tháng 11 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh Chương trình điều tra, tìm kiếm nguồn nước dưới đất để cung cấp nước sinh hoạt ở các vùng núi cao, vùng khan hiếm nước của 41 tỉnh. Việc cao nguyên đá Đồng Văn có nước sạch dựa trên công nghệ bơm nước không cần điện có ý nghĩa đặc biệt lớn, mở ra cơ hội với những vùng đất đang thiếu nước này.

10 năm nỗ lực đưa nước sạch về cao nguyên đá Đồng Văn

Khoảnh khắc những người làm dự án ngóng đợi nhất... lần đầu tiên nước được bơm lên đỉnh Má Ú cao gần 600m.

Sẽ tiếp tục tối ưu hóa hệ thống

Để nước “leo” lên được bể chứa Má Ú, hệ thống thủy điện cũ tại Séo Hồ đã được cải tiến lại sao cho nước chảy qua đây thì những hạt sạn gần như là cát đã phải lắng hết, chỉ cho phép những hạt sạn bé hơn 0,25mm đi qua đường ống. Có như vậy thì máy bơm mới chịu được. Nếu hạt lớn quá thì sẽ có những cảm biến cảnh báo và đóng sập nhà máy, không cho chạy nữa. Nếu không, những hạt sạn lớn sẽ phá hủy máy bơm.

Nước từ hang chảy vào làm quay turbine ở dưới rồi bơm ngược nước qua đường ống cao áp lên trên đỉnh Má Ú. Bể chứa này khoảng 200 khối, chia làm bốn cửa chính, từ đó, cấp nước đi các khu vực. Nước ở đây sẽ được chia phần lớn là chảy về phía thị trấn Đồng Văn cho khoảng 6.000-7.000 người dân sử dụng, chưa kể khách du lịch. Một phần lớn nữa là cung cấp cho bà con khu vực chung quanh đó, trong thôn khu vực Sảng Ma Sao, khu vực Má Ú, Thiên Hương, Mã Phắng,…

Sơ đồ cấp nước cho các khu vực từ bể chứa trên đỉnh Má Ú.

Hiện tại, nước cấp cho bà con ở đây hầu hết chảy ra từ núi đá vôi, chưa áp dụng nước sạch theo theo tiêu chuẩn Việt Nam. Nước bây giờ mới chỉ là nước tự nhiên trong hang đá. Nhưng trong suốt quá trình nghiên cứu, nhóm chuyên gia đã đo quan trắc tất cả các thông số từ độ hạt, độ đục, cho đến các thông số về hóa, lý và vi sinh thì về cơ bản là nước hiện đạt tiêu chuẩn có thể sử dụng được.

Ở giai đoạn 1, dự án chỉ đặt ra là bơm nước lên được vùng cao, đến giai đoạn 2 của dự án sẽ xử lý nước sạch và nâng cấp toàn bộ hệ thống đường ống cung cấp nước cũ để làm sao bơm nước mà tổn thất ở mức thấp. Trước đó, đã có một số dự án nước tự chảy. Tuy nhiên, cứ xây xong được một năm thì hệ thống này gần như lại bỏ đi bởi vì bà con cứ ra chặt ống để lấy nước về nhà mình, thành ra những bà con ở phía cuối đường ống lại không có nước.

Lễ khánh thành và chuyển giao công trình cho địa phương, ngày 16-11-2019.

Để khắc phục tình trạng này, nhóm nghiên cứu lại tiếp tục nghiên cứu đưa ra những giải pháp làm sao để mỗi người chỉ được lấy một phần nước cụ thể đủ dùng và không thể lấy thêm được nữa. Theo đó, những bể chứa được thiết kế lại rồi đẩy lên trên cao và toàn bộ hệ thống đường ống xây ngầm xuống dưới, hình thức và cách phân bố các bể chứa nước này làm sao để mọi người dân được phân bổ đủ nước và dù có tháo mạnh hết cỡ vòi của mình thì người khác cũng không ảnh hưởng.

Sau khi đưa nhà máy nước vào hoạt động, nhóm nghiên cứu sẽ tiếp tục theo dõi và xử lý các lỗi. Một phần chính của giai đoạn 2 là tiếp tục xem hệ thống vận hành như thế nào để tiếp tục tối ưu hóa hệ thống, sau đó tìm kiếm các giải pháp để cung cấp nước cho các vùng có phân bố dân cư nhỏ lẻ. Đồng thời, các nhà khoa học tiếp tục tìm kiếm các vùng có tiềm năng để nhân rộng mô hình, không chỉ riêng trong tỉnh Hà Giang mà còn nhiều khu vực phân bố đá vôi khác ở miền bắc Việt Nam.

Trong thời gian tới, cùng với phía đối tác CHLB Đức, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản sẽ báo cáo tổng kết nhiệm vụ KaWaTech và đề xuất triển khai pha 2 của dự án trong đó tập trung vào mục tiêu: xử lý nước đạt tiêu chuẩn vệ sinh của Việt Nam trước khi cấp cho các địa chỉ sử dụng; và thử nghiệm công nghệ bơm dùng năng lượng mặt trời để cấp nước cho một số làng bản xa xôi hẻo lánh.

Thạc sĩ Hồ Tiến Chung (ngoài cùng, bên trái) cùng đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam, Bộ Nghiên cứu và Giáo dục Cộng hòa liên bang Đức (BMBF), các nhà nghiên cứu của Việt Nam và Đức cùng khởi động máy bơm lần đầu tiên, tại lễ khánh thành và chuyển giao công trình cho địa phương.

Tiềm năng áp dụng không chỉ với núi đá vôi

Theo thạc sĩ Hồ Tiến Chung, sau khi thành công dự án tại Đồng Văn, Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng như tỉnh Hà Giang đang “đặt hàng” các anh triển khai nhân rộng mô hình, điều tra rộng ra các khu vực khác xem khu vực nào có tiềm năng.

“Tôi nhìn thấy một tiềm năng là thị trấn Mèo Vạc, bên cạnh Đồng Văn. Ở đây nhu cầu nước còn cấp thiết hơn Đồng Văn rất nhiều. Tỉnh Hà Giang cũng đang quan tâm là đặt vấn đề làm ngay cho khu vực này. Các khu vực khác có thể triển khai là hai huyện Hà Quảng và Trà Lĩnh, tỉnh Cao Bằng hay Tủa Chùa của Lai Châu”, anh Chung chia sẻ.

Nhóm nghiên cứu sang làm việc với UBND huyện Mèo Vạc, Hà Giang để tìm hiểu về tình trạng khan hiếm nước tại địa phương khi nhóm đang nghiên cứu tiền khả thi vào năm 2012.

Một số đơn vị khác không phải khu vực đá vôi cũng đang rất quan tâm đến công nghệ này. Thực ra, công nghệ này không cần thiết phải là nước đá vôi mà quan trọng là áp dụng công nghệ làm sao để bơm với giá thành rẻ, dễ, đơn giản vận hành mà lại xanh, sạch.

“Nhiều khu vực đang quan tâm nhưng vấn đề là để làm được những hạng mục này phải thiết kế dựa trên quá trình điều tra và tính toán quan trắc kỹ lưỡng thì mới đạt hiệu suất cao. Máy bơm công nghệ PAT không phải là được bán đại trà, chúng được thiết kế theo tính chất chỉ có một. Mỗi một khu vực với điều kiện khác nhau thì có một kịch bản khác nhau, cách tiếp cận khác nhau”, anh Chung nói.

Để áp dụng công nghệ PAT, theo anh Chung, bước đầu cần phải có đánh giá tiền khả thi, tức là phải điều tra xem khu vực áp dụng có tiềm năng về công nghệ này không, phải có đầy đủ các thông tin về thế năng và cần xem nhu cầu, tính cấp thiết cần triển khai dự án của khu vực ấy đến đâu, an ninh nguồn nước cũng là một vấn đề cần phải xem xét vì có những vùng nguồn nước lại không an toàn.

Sau khi có dự án tiền khả thi sẽ phải kết hợp với phía Đức đặt hàng thiết kế hệ thống, mình có thể thiết kế hệ thống đặt hàng họ sản xuất thiết bị, rồi triển khai các bước như là một dự án xây dựng cơ bản.

Các nhà nghiên cứu khảo sát, đo lưu lượng trên suối Ma Lé (bên trái) và cửa thủy điện Séo Hồ (bên phải).

Hiện giờ đã có Đồng Văn tiên phong rồi thì sẽ dễ dàng hơn cho các địa phương đến tham quan. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng là những dự án này cần phải đầu tư vốn tương đối nhiều và chất lượng các công trình cũng phải được quản lý vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, việc thuyết phục phía Đức tham gia hợp tác cũng mất nhiều thời gian, nhất là khi để xin cấp vốn thì dự án phải có tính mới, không giống những dự án đã triển khai.

Hiện tại, khi triển khai các dự án tiếp theo, về đánh giá tiềm năng thì phía Việt Nam có thể làm chủ, có thể quan trắc, thu thập tất cả các thông số và tính toán nhưng có những thứ mà phía Việt Nam chưa thể tự chủ được ngay. Thứ nhất, là về phần chế tạo bơm, các công nghệ mình có thể nắm được các lý thuyết nhưng để chế tạo nó không đơn giản là chỉ có nguyên lý mà yêu cầu phải là có sự phát triển đồng bộ giữa rất nhiều yếu tố khác nhau. Vì thế, hiện phía Việt Nam chưa sản xuất được máy bơm mà phải cần có một thời gian nữa.

Chế tạo các bơm theo công nghệ PAT rất khó nhưng Thạc sĩ Hồ Tiến Chung tin rằng, đến một khoảng thời gian nào đó, Việt Nam sẽ có thể làm chủ được công nghệ này.

Để đánh giá tiền khả thi các dự án, Việt Nam cũng đang thiếu cả những máy móc để làm thí nghiệm ngay tại chỗ, từ đó biết ngay được là nước ở khu vực đấy có bị nhiễm bẩn, nhiễm mặn hay không.

Vì thế, để tiến tới làm chủ công nghệ bơm nước không cần điện, các nhà khoa học Việt Nam vẫn rất cần sự hỗ trợ về kinh phí, máy móc cũng như sự tư vấn giúp đỡ của các chuyên gia nước ngoài. “Chúng ta cần phải đầu tư nhiều nữa, kết hợp với các chuyên gia nước ngoài nhiều hơn nữa để có kinh nghiệm. Đến một khoảng thời gian nào đó, tôi tự tin là Việt Nam mình sẽ làm chủ được công nghệ rất khó này”, Thạc sĩ Hồ Tiến Chung trả lời khi chúng tôi hỏi về khả năng làm chủ công nghệ tưởng như “thần bí” này.

HỒNG VÂN - BÔNG MAI. Ảnh: KaWaTech

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/khoahoc-congnghe/khoa-hoc/item/42766302-bai-3-khong-dung-lai-o-dong-van.html