Báo Bình Phước - hành trình 1/4 thế kỷ - Bài 1

25 năm - ¼ thế kỷ đã trôi qua, so với lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc thì đó chỉ là một khoảnh khắc. Song, chính trong khoảnh khắc ấy, báo chí Bình Phước nói chung, Báo Bình Phước nói riêng đã có sự phát triển vượt bậc và đóng góp tích cực vào sự phát triển kỳ diệu của quê hương Bình Phước. Đến từ nhiều vùng miền của đất nước khi tuổi trẻ đang độ sức xuân, mà nay có người đã là ông, là bà và có người đã trở thành thiên cổ. Nhưng trong tâm trí của tất cả những con người ấy đều có chung niềm mong ước, đó là chung sức, đồng lòng, nỗ lực đưa Báo Bình Phước trở thành người bạn thân thiết của mọi người, mọi nhà. Và hôm nay, 25 năm - một thế hệ đã đi qua, trước dấu ấn đặc biệt này, bài viết không ngoài mục đích cùng bạn đọc nhìn lại hành trình phát triển của Báo Bình Phước từ ngày tái lập tỉnh - cũng là ngày xuất bản số báo đầu tiên đến nay.

NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG THỂ PHAI MỜ

Từ Sông Bé oai hùng…

Ngày 2-7-1976, Quốc hội nước Việt Nam thống nhất họp kỳ đầu tiên đã quyết định đặt tên nước, quốc kỳ, quốc huy, quốc ca, thủ đô… và thành phố Sài Gòn được chính thức mang tên TP. Hồ Chí Minh. Cũng vào ngày này, Quốc hội đã chuẩn y việc sáp nhập tỉnh Bình Phước với tỉnh Thủ Dầu Một thành tỉnh Sông Bé. Tuy nhiên, do phải chuẩn bị về nhân sự, cơ sở vật chất, trang thiết bị nên 5 tháng sau ngày thành lập tỉnh thì Báo Sông Bé - cơ quan ngôn luận của Đảng bộ tỉnh Sông Bé, mới được thành lập ngày 1-12-1976. Đến ngày 10-12-1976, tờ báo Sông Bé xuất bản số đầu tiên, với 8 trang, khổ 28x40cm, phát hành mỗi tuần 1 kỳ và được in bằng máy Typo. Đây là công nghệ in được phát minh bởi người Trung Quốc từ khoảng giữa thế kỷ XV. Việc phát hành tờ báo phần lớn được thực hiện bởi bưu điện. Chỉ riêng tờ báo xuân, phóng viên phụ trách địa bàn huyện, thị xã nào thì phải tự mình phát hành và cơ quan có giao chỉ tiêu cụ thể.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh đến thăm nơi ở và làm việc của cán bộ, phóng viên, nhân viên Báo Bình Phước nhân ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21-6-2000) - Ảnh tư liệu

Năm 1985, tôi được tiếp nhận về làm phóng viên Báo Sông Bé. Khi đó, cơ quan có 5 phòng và tương đương, gồm: Tòa soạn, Phòng phóng viên Kinh tế, Phòng phóng viên Văn hóa - Xã hội, Phòng Trị sự - Bạn đọc và Nhà in. Ban biên tập có 2 người, Tổng biên tập phụ trách chung và nội dung của tờ báo, Phó tổng biên tập phụ trách hoạt động của nhà in. Phóng viên của cơ quan có 12 người, được phân công phụ trách ngành và địa bàn. Cố Tổng biên tập Báo Bình Phước - anh Hoàng Lâm, khi đó là Trưởng phòng phóng viên Kinh tế. Vì là phóng viên trẻ, chưa có gia đình riêng, lại là phóng viên duy nhất tốt nghiệp đại học nên tôi được phân công phụ trách ngành giáo dục và địa bàn 5 huyện phía Bắc (Đồng Phú, Phước Long, Bù Đăng, Bình Long, Lộc Ninh - tỉnh Bình Phước ngày nay).

Ngày ấy, muốn đi công tác đến huyện Phước Long (nay là thị xã) hay huyện Bù Đăng và Lộc Ninh thì phải có mặt ở Bến xe Thủ Dầu Một lúc 4 giờ sáng thì mới còn ghế ưu tiên. Vì theo chỉ đạo của tỉnh, Sở Giao thông vận tải yêu cầu bến xe phải dành 10 ghế đầu của chuyến xe đò quốc doanh để ưu tiên cho cán bộ, công chức các sở, ngành đến công tác ở 5 huyện phía Bắc. Đối với huyện Phước Long và Bù Đăng, hôm nào sớm thì 4 giờ chiều mới đến nơi, hôm nào xe trục trặc hay trời mưa hoặc hàng hóa nhiều thì 6 giờ chiều mới đến trung tâm huyện. Mỗi ngày, chỉ có 1 chuyến xe đò quốc doanh chạy đến 5 huyện này. Vậy nên, nếu ra Bến xe Thủ Dầu Một muộn thì chắc chắn phải ngồi trên những chiếc xe đò của tư nhân chạy bằng than củi và khi đến nơi thì mặt mũi chẳng khác gì “người châu Phi”. Khi xe chạy qua thị trấn Phước Vĩnh - Phú Giáo thì bắt đầu vào chặng đường đau khổ. Cả xe và hành khách luôn trong trạng thái lắc lư để vật lộn với những ổ trâu, ổ voi suốt dọc tuyến đường. Đi và về đã vậy, việc tác nghiệp báo chí ở địa bàn này ngày ấy còn khó khăn, gian nan gấp bội.

Vì khi đó, mọi thông tin liên lạc về tòa soạn chỉ duy nhất một cách là gọi điện thoại. Nhưng điện thoại thì chỉ có cơ quan nhà nước hoặc nhà riêng của lãnh đạo Huyện ủy, UBND mới có. Còn nhà dân thì chỉ những gia đình buôn bán lớn ở các chợ trung tâm thị trấn huyện mới dùng. Do đó, mọi thông tin thu thập được từ cơ sở không còn cách nào khác là nhà báo phải ghi chép, chụp hình rồi về Thủ Dầu Một viết tay trên giấy để nộp cho trưởng phòng. Khó khăn, vất vả là vậy, song trong tâm trí lại còn luôn luôn lo sợ, ám ảnh bởi căn bệnh sốt rét ác tính có thể đến với bản thân bất cứ lúc nào, nếu không cẩn trọng. Tuy nhiên, dù có ý thức đề phòng nhưng liên tục sống trong vùng sốt rét nặng thì khó ai có thể tránh khỏi và bản thân tôi cũng không phải ngoại lệ.

…Về Bình Phước xây quê mới

Sông Bé là tỉnh có diện tích rộng nhất so với các tỉnh trong khu vực miền Đông Nam bộ, với 9.576km². Trong khi đó, 4 huyện, thị xã ở phía Nam có cơ sở hạ tầng khá phát triển, lại gần TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai… là địa bàn có tốc độ tăng trưởng cao. Ngược lại, 5 huyện phía Bắc của tỉnh Sông Bé là vùng sâu, vùng xa, biên giới và có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, nhưng cơ sở hạ tầng chậm phát triển nên đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Nhằm tạo điều kiện để 5 huyện này phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, tài nguyên, ngày 6-11-1996, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa IX đã thông qua nghị quyết về việc chia tách địa giới hành chính tỉnh Sông Bé để tái lập tỉnh Bình Phước và tỉnh Bình Dương.

Sáng 1-1-1997, trong đoàn công tác đưa cán bộ, công chức, viên chức từ thị xã Thủ Dầu Một đến thị trấn Đồng Xoài dự lễ công bố quyết định về việc tái lập tỉnh Bình Phước và ra mắt Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, có chiếc xe hiệu Peugeot 505 mang biển số 61A-5318, được sản xuất năm 1986, ì ạch chạy theo sau. Lý do là bởi xe cũ nhưng lại quá tải, vì chở theo 5 người, gồm: Nhà báo Hoàng Lâm (Tổng biên tập), nhà báo Diệp Viên, phóng viên Phạm Văn Lam, kế toán Nguyễn Thị Thúy Ái và lái xe Nguyễn Thanh Mảng cùng 2.000 tờ báo. Lý do thứ hai phải đi sau là vì tới đoạn nào đoàn xe đi chậm hoặc dừng lại thì anh em chúng tôi lại tranh thủ xuống xe để trao tặng số báo đầu tiên cho người dân đứng chào đón ở hai bên đường. Nhiều người dân cầm trên tay tờ Báo Bình Phước mà vẫn không khỏi ngỡ ngàng.

Cố Tổng biên tập Báo Bình Phước Hoàng Lâm giới thiệu với đồng nghiệp Thông tấn xã Việt Nam khu vực phía Nam về hoạt động của Báo Bình Phước trong những năm đầu tái lập tỉnh (ảnh chụp năm 2004) - Ảnh: H.T

Ba tháng sau ngày tái lập tỉnh, mặc dù chỉ có hơn 10 cán bộ, công chức, viên chức nhưng theo đề xuất của Tổng biên tập Hoàng Lâm, Thường trực Tỉnh ủy đã chấp thuận cho Báo Bình Phước tăng lên 2 kỳ/tuần từ ngày 1-4-1997. Với 16 trang báo/tuần (mỗi số 8 trang) và mặc dù ít người nhưng nội dung cũng như lượng tin, bài cho mỗi kỳ xuất bản không phải là điều đáng lo ngại, mà khó khăn, vất vả nhất vẫn là việc in và phát hành. Với trách nhiệm là Thư ký tòa soạn, hằng tuần, tôi phải biên tập, xếp trang cho số thứ hai và thứ tư, sau đó trình Tổng biên tập duyệt. Sáng sớm thứ ba, thứ năm hằng tuần xe cơ quan đưa tôi về Thủ Dầu Một. Sau đó, tôi đi xe honda 67 để mang tin, bài, hình ảnh về Tòa soạn Báo Thanh Niên ở TP. Hồ Chí Minh để nhờ nhập liệu, dàn trang và ra bản can. Đến khoảng 20 giờ cùng ngày, tôi lại tiếp tục chuyển bản can từ quận 3 về quận 8 cho nhà in rồi mới trở về Thủ Dầu Một. Sáng sớm thứ tư và thứ sáu, lái xe xuống nhà in nhận báo về phát hành và đón tôi lên Đồng Xoài để tiếp tục quy trình biên tập tin, bài cho số báo sau. Cũng chính những tháng ngày cực kỳ vất vả ấy, tôi đã học được nhiều điều từ đồng nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh và điều này đã giúp tôi “lớn” nhanh hơn, vững vàng hơn với nghiệp cầm bút của mình.

Diệp Viên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/129512/bao-binh-phuoc-hanh-trinh-1-4-the-ky-bai-1