Bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng

Năm 2023, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình. Nghị quyết được đánh giá là một chính sách nhân văn, kịp thời, bảo đảm quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng, góp phần tinh gọn tổ chức bộ máy và cơ cấu lại đội ngũ.

Giao dịch tại Trung tâm Một cửa liên thông thành phố Ninh Bình. Ảnh: Trường Giang

Thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện có hiệu quả chủ trương sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, coi đây là nhiệm vụ quan trọng. Tỉnh cũng đã kịp thời cụ thể hóa các văn bản, quy định của Trung ương thành các chương trình, kế hoạch, đảm bảo yêu cầu và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương.

Do vậy, trong 7 năm (2015- 2022), thực hiện các Nghị định của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế, toàn tỉnh đã giải quyết chế độ cho 501 người, trong đó: Công chức, viên chức và lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP của Chính phủ là 394 người; cán bộ, công chức cấp xã là 107 người. Tổng số tiền đã chi trả chế độ nghỉ tinh giản biên chế khoảng 62 tỷ đồng. Các trường hợp nghỉ tinh giản biên chế chủ yếu thông qua việc đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, chỉ có ít trường hợp là do chưa đạt chuẩn, dôi dư do sắp xếp.

Cùng với việc triển khai tinh giản biên chế theo các Nghị định của Chính phủ, hiện nay các cơ quan, đơn vị trong tỉnh đều chủ động giải quyết chính sách thôi việc tự nguyện đối với cán bộ, công chức, viên chức có đơn xin thôi việc theo nguyện vọng và được cơ quan có thẩm quyền đồng ý. Từ năm 2015 đến năm 2022, toàn tỉnh đã thực hiện giải quyết cho 370 người nghỉ thôi việc, trong đó có 25 công chức cấp huyện trở lên và 345 viên chức.

Tuy nhiên theo đánh giá của cơ quan chức năng: Mặc dù chính sách thôi việc tự nguyện đối với cán bộ, công chức, viên chức đã được triển khai nhiều năm, nhưng số lượng cán bộ, công chức, viên chức thôi việc theo chính sách này hàng năm không nhiều, một phần là do chế độ chi trả trợ cấp thôi việc thấp hơn chế độ tinh giản biên chế.

Trước thực tế trên, nhằm khắc phục khó khăn và để đảm bảo tối đa quyền lợi cho cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ công tác, tại kỳ họp thứ 17, HĐND tỉnh Ninh Bình khóa XV đã thông qua Nghị quyết số 14/2023/NQ-HĐND về việc quy định chính sách hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức nghỉ công tác theo nguyện vọng thuộc phạm vi quản lý của tỉnh Ninh Bình.

Theo đó, Nghị quyết quy định mức hỗ trợ đối tượng nghỉ công tác theo nguyện vọng, ngoài được hưởng các chính sách theo quy định của Chính phủ còn được tỉnh hỗ trợ một lần theo số tháng công tác đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là 500.000 đồng/người/ tháng (số tiền hỗ trợ không vượt quá 150.000.000 đồng/ người). Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 1/1/2024 đến hết ngày 31/12/2026. Theo dự kiến, ngân sách tỉnh sẽ dành khoảng 44,6 tỷ đồng để hỗ trợ cho các đối tượng đủ điều kiện theo quy định của Nghị quyết số 14.

Đồng chí Trần Quang Duẩn, Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: Theo Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Yên Mô (giai đoạn 2023-2025), toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số của xã Mai Sơn sẽ sáp nhập vào xã Khánh Thượng, lấy tên đơn vị hành chính mới là xã Khánh Thượng. Triển khai Đề án, bên cạnh những thuận lợi, xã Mai Sơn cũng gặp những khó khăn nhất định, trong đó có những băn khoăn về việc sắp xếp, bố trí việc làm cho các cán bộ, công chức, viên chức sau sắp xếp.

Trước thực tế trên, Đảng ủy, UBND xã Mai Sơn đã lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa và sự cần thiết của việc sáp nhập xã; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức; chủ động rà soát, đánh giá số lượng, chất lượng cán bộ, công chức xã, trên cơ sở đó tích cực tham mưu cho cấp có thẩm quyền về phương án bố trí cán bộ sau sắp xếp.

Đảng ủy, HĐND, UBND xã Mai Sơn cũng đã quán triệt, triển khai Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh đến toàn thể cán bộ, công chức của xã. Trong đó quan điểm chỉ đạo xuyên suốt của Đảng ủy, UBND xã, đó là việc thực hiện Nghị quyết 14 phải công khai, dân chủ, đúng đối tượng, không làm ảnh hưởng, xáo trộn lớn đến tư tưởng, đời sống của cán bộ, công chức. Đến nay, qua rà soát, xã có 2 công chức có nguyện vọng nghỉ công tác để tạo thuận lợi cho việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Đồng thuận với phương án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã, huyện Yên Mô giai đoạn 2023-2025, đồng chí Nguyễn Quang Huy, Phó Chủ tịch UBND xã Mai Sơn cho biết: Tôi cho rằng việc sắp xếp đơn vị hành chính theo hướng tăng quy mô dân số, quy mô diện tích tự nhiên là phù hợp với xu thế phát triển hiện nay. Chính vì vậy, khi được tuyên truyền, giải thích về chủ trương này, cá nhân tôi rất đồng tình. Mặc dù còn hơn 3 năm nữa mới đến tuổi nghỉ hưu, nhưng để tạo thuận lợi trong việc bố trí, sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức sau khi sáp nhập xã Mai Sơn và xã Khánh Thượng, tôi đã đề đạt nguyện vọng xin nghỉ công tác. Qua nghiên cứu các quy định của Chính phủ và Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh, tôi nhận thấy, chính sách hỗ trợ đối với người nghỉ hưu trước tuổi rất thỏa đáng…

Có thể nói, với những quy định cụ thể, phù hợp với từng đối tượng, Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh khóa XV đã đáp ứng được tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, công chức, viên chức có nguyện vọng nghỉ công tác, đảm bảo phù hợp với quy định của Nhà nước và tình hình thực tế ở địa phương. Việc thực hiện Nghị quyết được kỳ vọng sẽ "gỡ những nút thắt" trong tinh giản biên chế, góp phần đạt mục tiêu đến năm 2026 giảm tối thiểu 5% biên chế cán bộ, công chức, 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước; tạo điều kiện để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đủ về số lượng, có chất lượng và cơ cấu hợp lý, gắn với tinh gọn bộ máy, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Mai Lan

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/bao-dam-quyen-loi-cho-can-bo-cong-chuc-vien-chuc-nghi-cong/d2024051220521637.htm