Bảo tàng chờ dòng vốn đầu tư để gia tăng sức hút

Nhiều bảo tàng công lập và tư nhân ở TPHCM trải qua một năm 2023 đáng nhớ với nhiều hoạt động nghệ thuật bên ngoài, không ngừng làm mới mình và thu hút khách hàng cho nguồn thu đủ bù chi. Trước loại hình kinh doanh tiềm năng, đại diện các đơn vị mong muốn có chính sách đầu tư đủ để nâng cấp, tu sửa cũng như hiện đại hóa hoạt động trưng bày tại bảo tàng vào năm tới.

Một năm nhộn nhịp của các bảo tàng

Thông tin từ Bảo tàng Lịch sử TPHCM – nằm trong khuôn viên Thảo Cầm Viên Sài Gòn (TPHCM) – cho biết các hoạt động trưng bày, triển lãm tại đây đã được hoàn thành như đăng ký, bao gồm cả 20 cuộc triển lãm lưu động, vượt mục tiêu ban đầu. Tại các điểm lưu động, bảo tàng đón khoảng 112.000 lượt khách tham quan, gần gấp đôi lượng khách so với năm 2022. Nhìn chung, thống kê số liệu khách tham quan tại bảo tàng với đa dạng các đối tượng khoảng 310.000 lượt trong năm 2023, tăng khoảng 65% so với năm 2022.

Chia sẻ với KTSG Online, giám đốc của bảo tàng này nói rằng việc trưng bày, giáo dục, truyền thông, phối hợp với các đơn vị khác nhau làm chương trình, sự kiện đã tạo nên không khí sôi động cho điểm đến trong suốt cả năm. Không ít các mục tiêu đặt ra đã hoàn thành tốt, đội ngũ hỗ trợ choàng gánh công việc của nhau để “về đích” nhiệm vụ trong năm 2023.

Vào năm ngoái, các chương trình hợp tác cùng Sở Du lịch thành phố chào đón những vị khách quốc tế đầu tiên đến TPHCM, kích cầu du lịch giảm giá vé khách đến tham quan bảo tàng trong dịp lễ, bình chọn 100 điều thú vị của TPHCM (Bảo tàng Lịch sử được bình chọn 1 trong 10 điểm tham quan thú vị)… là các hoạt động đáng chú ý. Bên cạnh đó, bảo tàng đã phối hợp với nhóm sinh viên trường RMIT thực hiện dự án thiết kế “Bộ nhận diện thương hiệu Bảo tàng”, thực hiện các nội dung quảng bá thương hiệu, chuyên đề trưng bày tại Bảo tàng: Thanh ngoạn, Sắc mộc, Di sản và Ký ức: Bức tranh từ những mảnh ghép; triển khai chiến dịch thu hút sinh viên, phát sticker miễn phí khi check-in tại bảo tàng; thiết kế các sản phẩm cho chuyên đề “Long Vân Khánh Hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam”: bao lì xì, bookmark và huy hiệu…

Một bảo tàng khác là Bảo tàng Nghệ thuật Quang San cũng nhộn nhịp khởi sắc sau 7 tháng hoạt động, theo lời Giám đốc Nguyễn Thiều Kiên. Ông chia sẻ đơn vị đã đạt được mục tiêu lan tỏa, giới thiệu điểm đến mới với khách trong và ngoài nước sau khi thường xuyên tổ chức các sự kiện giao lưu nghệ thuật, triển lãm tại đây. Chẳng hạn, các triển lãm cá nhân của cố họa sĩ Trần Phúc Duyên hay họa sĩ Nguyễn Hiêm trưng bày trong không gian nghệ thuật hiện đại ở Bảo tàng Quang San đã thu hút nhiều khán giả chọn đây là điểm trải nghiệm, dừng chân mới vào những ngày cuối tuần.

Bảo tàng nghệ thuật Quang San đồng hành cùng gia đình cố họa sĩ Nguyễn Hiêm mang đến triển lãm cá nhân đầu tiên của ông tên “Hồi ký chiến trường qua tranh họa sĩ Nguyễn Hiêm”. Ảnh: Hoàng An

Là một bảo tàng tư nhân mới thành lập, kinh phí vận hành đến từ nguồn thu bán vé và cho thuê địa điểm, tổ chức sự kiện văn hóa, ông đang tập trung mở rộng thêm quy mô, tận dụng những diện tích trống để ra mắt thêm nhiều sự kiện, hoạt động công chúng kích cầu du khách tham quan.

“Bảo tàng ngoài chức năng lưu giữ, bảo tồn giá trị văn hóa, đây sẽ còn là nơi ủng hộ cho thế hệ trẻ, người yêu nghệ thuật được trao đổi, học hỏi. Đồng thời, Quang San cũng trở thành điểm giao lưu kết nối của giới họa sĩ với đa dạng công chúng. Sắp tới đây tôi sẽ sử dụng khu tầng hầm để làm nơi trưng bày, diễn ra hoạt động mua bán tranh cho những họa sĩ và khách hàng có nhu cầu”, ông nói.

Bảo tàng Áo Dài liên tục thay đổi những bộ sưu tập, triển lãm đa dạng mẫu áo dài. Ảnh: Hoàng An

Bảo tàng Áo Dài ở cù lao Long Phước, xa trung tâm thành phố cũng đón lượng khách vào mùa khô, mùa lễ hội tăng gấp hai đến ba lần so với dịp cuối tuần. Riêng tháng 12 gần lễ Tết cao điểm, bảo tàng đón khách, bán dịch vụ cộng thêm… tăng tổng thu của bảo tàng lên mức hấp dẫn nhất trong năm.

Tìm kiếm đầu tư, nâng cao chất lượng

Tuy vậy, thách thức của kinh doanh bảo tàng ở Việt Nam vẫn đến từ nguồn kinh phí còn hạn hẹp. Nhiều nơi cơ sở vật chất xuống cấp, thiếu nhân lực giỏi và còn hạn chế trong ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt ở các bảo tàng xưa, cổ.

Theo đại diện Bảo tàng Lịch sử TPHCM, cơ sở vật chất của bảo tàng là di tích được xây dựng dưới thời Pháp tuổi đời cao và đã xuống cấp, thấm, dột ở nhiều vị trí khi trời mưa. Các lớp sơn bong, tróc từng mảng, tường bị nứt, mái ngói bị thực vật xâm phạm, tình trạng mối mọt ở khu vực trưng bày, hệ thống chống sét không đủ tải khi trời mưa lớn, hệ thống camera cũ, đã sử dụng trên 10 năm.

Thực trạng cơ sở vật chất chưa đảm bảo quy chuẩn, điều kiện vật chất đáp ứng cho công việc của viên chức, phục vụ khách tham quan còn nhiều khó khăn, thiếu phòng trưng bày, khu vệ sinh đạt chuẩn, khu trải nghiệm cho sinh viên, học sinh, phòng làm việc, hệ thống kho bảo quản chưa đạt chuẩn, thiếu diện tích (do hiện vật ngày càng nhiều, thiếu chỗ lưu giữ, bảo quản, đầu tư cho cơ sở vật chất còn manh mún).

“Do chịu ảnh hưởng của công trình tu bổ Bảo tàng và Di tích Đền thờ Hùng Vương, nhiều hoạt động chuyên môn như nâng cấp, chỉnh lý hiện đại hóa các phòng trưng bày cố định bị tồn đọng, do đó chậm tiến độ hoàn thành”, vị này nói thêm.

Ngoài ra, quy định pháp luật trả lương cho người lao động hiện nay ở mức trung bình. Nguồn thu hạn chế nên ngoài lương cơ quan, không có nhiều chế độ đãi ngộ khác cho người lao động so với đơn vị khác trong ngành nên việc tuyển bảo vệ mới có kinh nghiệm và qua nghiệp vụ còn khó khăn. Do đó bảo tàng tạm thời sử dụng lực lượng bảo vệ tại chỗ và tuyển qua nguồn người thân trong đơn vị giới thiệu.

Đại diện Bảo tàng Lịch sử TPHCM kỳ vọng trong nhiều năm tới đơn vị sẽ nhận chính sách đầu tư ngân sách thích đáng cho bảo tàng về cơ sở vật chất, chỉnh lý mỹ thuật, hiện đại hóa bảo tàng, hướng đến xây dựng mô hình bảo tàng thông minh; đầu tư hệ thống trang thiết bị hiện đại; hoạt động sưu tầm hiện vật; đầu tư về nguồn nhân lực; xây dựng phần mềm quản lý hiện vật mới đáp ứng việc quản lý hiện vật của Bảo tàng kết nối với Cục Di sản văn hóa và việc xây dựng phần mềm mới phải tương thích với nhiều nội dung, tính chất, loại hình bảo tàng trên toàn quốc và với các đơn vị bảo tàng trong cả nước. Chính quyền cho phép xã hội hóa để thu hút đầu tư của các nguồn lực xã hội trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản.

Xã hội hóa trong cung ứng dịch vụ như cung cấp thông tin, tư liệu liên quan đến bảo tàng cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu; tư vấn kỹ thuật, nghiệp vụ bảo tàng; thực hiện liên doanh, liên kết trong hoạt động dịch vụ (dịch vụ giữ xe, bán hàng lưu niệm, nước giải khát – thức ăn nhanh phục vụ khách tham quan, biểu diễn nghệ thuật truyền thống) theo đúng quy định về quản lý, sử dụng tài sản công, quy định về hoạt động dịch vụ tại bảo tàng và các quy định pháp luật có liên quan.

“Các cơ quan quản lý có cơ chế chính sách hợp lý để hỗ trợ cho hoạt động tạo nguồn thu của bảo tàng, cũng như việc cải thiện điều kiện phục vụ du khách đến bảo tàng học tập, vui chơi, thưởng lãm”, ông nói thêm.

Bảo tàng Lịch sử TPHCM trưng bày chuyên đề “Long Vân khánh hội – Hình tượng rồng trong văn hóa Việt Nam”. Ảnh: BTCC

Bảo tàng Áo Dài đã qua một năm “đánh bắt xa bờ” với nhiều hoạt động bên ngoài để giải quyết bài toán tự thu tự chi. Mùa Tết 2024 cũng là dịp để bảo tàng duy trì phục vụ khách tham quan, giới thiệu điểm đến phổ biến hơn vào năm mới.

Song, bà Huỳnh Ngọc Vân, giám đốc bảo tàng nhìn nhận đơn vị còn gặp khó khi tìm người phù hợp với tính chất công việc, quá trình huy động các nhà hàng, đơn vị cung cấp dịch vụ bên ngoài về với bảo tàng gặp nhiều cản trở hay hoạt động trưng bày chưa được đầu tư, nâng cấp đúng mức để khách tham quan có trải nghiệm sâu sắc hơn.

Dù vậy, kinh doanh bảo tàng, văn hóa nghệ thuật vẫn còn nhiều điểm sáng gợi mở trong tương lai, nếu trải nghiệm điểm đến ngày càng hấp dẫn và đáp ứng được đa dạng nhu cầu của du khách.

Hoàng An

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bao-tang-cho-dong-von-dau-tu-de-gia-tang-suc-hut/