Bảo vệ cán bộ dám làm vì lợi ích chung

Triển khai các giải pháp để bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung; xây dựng cơ chế, chính sách cải thiện điều kiện và môi trường làm việc, sớm khắc phục tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Đây là một trong những nội dung được nêu trong Nghị quyết số 68/2022/QH15 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung là vấn đề được nhiều người quan tâm trong thời gian qua. Thực tế cho thấy, dù không nhiều nhưng vẫn có tình trạng một số cán bộ, công chức, viên chức làm việc còn nửa vời, có tâm lý làm gì cũng sợ sai, sợ trách nhiệm. Trên diễn đàn Quốc hội, không ít các đại biểu đã từng lên tiếng về vấn đề này. Đại biểu Quốc hội Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) cho rằng, tâm lý sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ đảng viên hiện nay có từ nhiều nguyên nhân, trong đó có quy định của pháp luật có những điểm chưa cụ thể, chưa đồng bộ, chưa có quy định trách nhiệm rõ ràng và chưa có quy định của pháp luật về bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Ngoài ra còn có nguyên nhân từ chủ quan đó là năng lực, trình độ của một bộ phận cán bộ còn hạn chế, không kịp thời cập nhật quy định của pháp luật có liên quan để tránh làm sai…

Dù số cán bộ, công chức, viên chức sợ trách nhiệm, có tâm lý “làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều” không phải là phổ biến nhưng đây là mầm mống của việc đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Điều này không được ngăn chặn kịp thời sẽ tạo nên sức ỳ đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi nhiệm vụ, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả hoạt động của bộ máy, đến tinh thần phục vụ nhân dân.

Thông thường khi người đi đầu trong thực hiện những cái mới dễ có nguy cơ phải đối mặt với những rủi ro, thậm chí là phải đánh đổi cả sinh mạng chính trị của mình nếu không thận trọng trong thực thi nhiệm vụ. Do đó, để bảo vệ những “nhân tố mới” đi đầu vì lợi ích chung, Kết luận 14-KL/TW của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung đã nêu rõ: thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm. Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung là quan điểm xuyên suốt của Đảng ta. Tại Hội nghị toàn quốc quán triệt Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XIII mới đây, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng cho rằng, trong công tác cán bộ, Nghị quyết một lần nữa khẳng định quyết tâm cao xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực, uy tín; đề cao tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung.

Trên cơ sở Kết luận của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội, cần sớm ban hành những quy định pháp luật cụ thể về bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung. Xây dựng môi trường làm việc để cán bộ, công chức, viên chức được sáng tạo, cống hiến bởi cơ chế, chính sách pháp luật chặt chẽ bảo đảm nguyên tắc quyền lực đi đôi với trách nhiệm, bảo đảm mọi cán bộ, đảng viên phải hoạt động trong khuôn khổ pháp luật. Đặc biệt, cần phải đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, rõ chức năng, nhiệm vụ của mỗi tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong từng khâu. Khi quyền, trách nhiệm được quy định rõ thì sẽ nâng cao trách nhiệm, xóa bỏ tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức khi thực thi nhiệm vụ. Chỉ khi quy định pháp luật đủ chặt chẽ để bảo vệ thì cán bộ mới đủ tự tin để cống hiến, để làm việc với tâm thế dám làm, dám chịu, không phải "vừa làm vừa lo".

Song Hà

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/chinh-sach-va-cuoc-song/bao-ve-can-bo-dam-lam-vi-loi-ich-chung-i310929/