Bảo vệ đàn chim trời

Để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư trước nạn bẫy, săn bắt, mua bán, tiêu thụ, mới đây, UBND tỉnh Khánh Hòa đã có công văn chỉ đạo các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường biện pháp bảo vệ đàn chim trời; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Vẫn còn bị săn bắt

Ngày 1-11, chúng tôi theo chân lực lượng chức năng của huyện Cam Lâm đi kiểm tra các khu vực thường xảy ra tình trạng săn bắt, mua bán chim hoang dã, chim di cư tại địa phương. Trên cánh đồng Tân Sinh Đông (xã Cam Thành Bắc, huyện Cam Lâm), vẫn còn tình trạng người dân giăng lưới khắp đồng để bắt chim trời.

Theo ông Hồ Văn Hơn - người dân địa phương, khoảng tháng 9 đến tháng 11 là mùa chim di cư, trên cánh đồng Tân Sinh Đông, một số người đi bẫy chim lại mang lưới mỏng ra giăng trên đồng. Khi đêm đến, cánh đồng lại rộn tiếng chim cuốc, tiếng gà nước phát ra từ những chiếc loa phóng thanh để nhử đàn chim đang bay trên cao sà xuống. Tại đây, có 3 - 4 nhóm giăng lưới bắt chim trời như thế; mỗi đêm, 1 nhóm có thể bắt được vài chục con chim cuốc, gà nước…

Lực lượng chức năng huyện Cam Lâm thu gỡ lưới người dân giăng để bắt chim trời tại cánh đồng Tân Sinh Đông.

Chim trời là đặc sản của một số quán nhậu nên người giăng lưới bắt được bao nhiêu đều có nơi tiêu thụ. Chim trời được các nhà hàng đặc sản đồng quê thu mua có giá khoảng 220.000 đồng/kg; gà nước khoảng 350.000 đồng/kg; le le, vịt trời tự nhiên hơn 1 triệu đồng/kg. Ngoài bán cho các nhà hàng, quán nhậu, một số thời điểm, chim trời còn bày bán công khai ở một số tuyến đường trên địa bàn TP. Nha Trang, như: Lê Thánh Tôn, Nguyễn Trãi, 23 tháng10…

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc săn bắt, tiêu thụ các loài chim hoang dã, đặc biệt là các loài chim di cư đã làm suy giảm số lượng, thành phần một số loài; ảnh hưởng tiêu cực đến đa dạng sinh học, môi trường, tiềm ẩn nguy cơ về dịch bệnh cho con người và sinh vật. Ngoài ra, còn ảnh hưởng đến việc thực thi các cam kết quốc tế về bảo tồn đa dạng sinh học mà Việt Nam là thành viên.

Tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm

Ông Nguyễn Văn Tâm - Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Cam Lâm cho biết: “Hạt Kiểm lâm Cam Lâm phối hợp với các lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở trên địa bàn triển khai các biện pháp để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư. Trong đó, tiến hành kiểm tra, tháo gỡ lưới bẫy chim tại các cánh đồng; kiểm tra các khu vực trọng điểm về vận chuyển, mua bán chim hoang dã, chim di cư, như: Tuyến Quốc lộ 1, đoạn từ xã Cam Hải Tây đến thị trấn Cam Đức; tuyến Tỉnh lộ 9, đoạn qua xã Cam Phước Tây; tuyến đường Lập Định - Suối Môn; tuyến đường liên xã Cam Thành Bắc - Cam Hiệp Nam. Bên cạnh đó, còn tiến hành kiểm tra, tuyên truyền, hướng dẫn các quán ăn, nhà hàng, cơ sở buôn bán sinh vật cảnh ký cam kết không mua bán, trưng bày, quảng cáo mẫu vật động vật hoang dã không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm”.

Để bảo vệ chim hoang dã, chim di cư, mới đây, UBND tỉnh tiếp tục có công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong tỉnh tiếp tục rà soát, thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 04/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để bảo tồn chim hoang dã, chim di cư tại Việt Nam. UBND tỉnh cũng yêu cầu cán bộ, công chức, người lao động và người dân không tham gia săn, bắt, mua, bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ, tàng trữ, quảng cáo các loài chim hoang dã, di cư trái pháp luật; không mua các loại chim phóng sinh vì đây là hành vi tiếp tay cho các hoạt động săn, bẫy chim hoang dã trái phép. Các cơ quan thực thi pháp luật, như: Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Công an và chính quyền địa phương các cấp tăng cường công tác phối hợp tiến hành kiểm tra thường xuyên các nhà hàng, cơ sở kinh doanh, các khu vực trọng điểm; xử lý nghiêm các hành vi săn, bắt, buôn bán, tàng trữ, giết mổ, kinh doanh chim hoang dã, chim di cư trái pháp luật…

Ông Đỗ Anh Thy - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, sở đã yêu cầu các chi cục tăng cường tuyên truyền, vận động người dân chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về quản lý động vật hoang dã, trong đó có chim hoang dã, chim di cư. Đồng thời, yêu cầu Chi cục Kiểm lâm chỉ đạo Hạt Kiểm lâm trực thuộc phối hợp với lực lượng Công an, chính quyền địa phương thành lập đoàn kiểm tra liên ngành thường xuyên kiểm tra các nhà hàng, cơ sở kinh doanh chim hoang dã trên địa bàn; tăng cường kiểm tra, ngăn chặn kịp thời tình trạng săn bắt, kinh doanh các loài chim hoang dã, chim di cư… Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường các biện pháp theo dõi dịch bệnh có nguồn gốc từ chim hoang dã, chim di cư.

HẢI LĂNG

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/xa-hoi/202311/bao-ve-dan-chim-troi-8840739/