Bia Chiến thắng Căn cứ Thẻ 23 - nơi ghi dấu sự kiện lịch sử cách mạng

Theo Lịch sử Đảng bộ và nhân dân xã Hội Cư tập 1, 2 và Hồ sơ di tích lưu giữ tại Bảo tàng Tiền Giang, để làm bàn đạp tấn công vào trung tâm căn cứ cách mạng và đánh phá vùng giải phóng Nam - Bắc quốc lộ Cái Bè và tiếp giáp Đồng Tháp Mười, Mỹ đã cho xây dựng Thẻ 23 vào năm 1967 với diện tích 6.500 m2, có khả năng chứa từ 800 đến 1.000 quân Mỹ. Đến giữa năm 1968, Mỹ giao lại cho quân ngụy làm hậu cứ Trung đoàn 12, Sư đoàn số 7 Bộ binh ngụy (E.12 - F.7).

Bia Chiến thắng Căn cứ Thẻ 23.

Căn cứ Thẻ 23 hình lục giác có 6 góc không đều nhau, bờ thành đất đắp lên cao 1,5 m, mặt thành rộng 1 m, chân thành 3 m, nối các đoạn bờ thành với nhau là 22 lô-cốt bằng bao cát. Trong căn cứ, địch cho xây 75 hầm (nhằm chống pháo của ta), mỗi hầm chứa 30 tên, ban đêm ngủ được trong hầm có cửa ra vào. Từ trong căn cứ ra ngoài gồm 3 cổng chính, 2 cổng ra hướng lộ 4 và 1 cổng ra hướng lộ 23.

Vật cản bên ngoài bờ thành đều có 3 - 5 lớp rào bằng kẽm gai, xen kẽ là một lớp lưới mắt cáo, một lớp bùng nhùng. Từ bờ thành ra đến hàng rào cuối cùng phía bên ngoài, hướng Bắc và Đông Bắc là 80 m, các hướng khác là 35 m, xen kẽ các lớp rào là các loại mìn vướng dây nổ và mìn Cơ-lây-mo, địch còn bố trí nhiều phuy xăng đặt ở các hướng, ban đêm đèn trong căn cứ được mở sáng. Địch tổ chức 8 vọng gác cố định. Nếu căn cứ bị tấn công thì pháo từ Cái Bè, Cai Lậy, Mỹ Phước Tây, căn cứ Thẻ 33 và Hậu Mỹ bắn chi viện.

Về phía ta xác định đánh căn cứ Thẻ 23 là trận mở màn cho Chiến dịch tổng hợp ABC của Khu 8, nhằm tạo điều kiện cho những trận đánh tiếp sau giành thắng lợi lớn mang tính quyết định của chiến dịch. Hướng tiến công chủ yếu là hướng Bắc căn cứ Thẻ 23, hướng phối hợp là hướng Nam và Tây.

Nhận nhiệm vụ đánh căn cứ Thẻ 23, Quân khu 8 tăng cường Tiểu đoàn Bộ binh 261A (D261A) vừa nhận danh hiệu “Đơn vị Anh hùng”, phối hợp cùng D269 đặc công tiêu diệt căn cứ Thẻ 23 và giao cho đồng chí Trần Minh Phú (Sáu Phú), Trung đoàn trưởng Trung đoàn 1 Bộ binh của Quân khu 8 trực tiếp chỉ huy đánh trận này, sử dụng 13 tiểu đội (13A) của D261, đánh theo cách đánh đặc công được trang bị chủ yếu là chất nổ và súng B40. Ta tổ chức đánh bằng 3 mũi.

Sau khi ta cho trinh sát đi điều nghiên xong, hai đơn vị tổ chức theo hướng tập luyện được xây dựng gần giống như căn cứ Thẻ 23 để các mũi thành thạo động tác cá nhân và tổ, mũi trong hợp đồng chiến đấu. Vào đêm 30-3 rạng 1-4-1970, lực lượng ta bí mật hành quân đột nhập vào vị trí đã được giao, đến 22 giờ 11 phút pháo Cái Bè bắn gần Sở Chỉ huy trung đoàn ta và pháo trong Thẻ 23 bắn đi các nơi.

Ta tổ chức cho các mũi lợi dụng lúc pháo bắn, nhanh chóng cắt rào đưa lực lượng ém sát địch và sẵn sàng nổ súng. Sau 1 giờ anh dũng chiến đấu (từ 1 giờ 45 phút đến 2 giờ 45 phút), ta đã hoàn toàn làm chủ căn cứ địch. Ta đã tiêu diệt khoảng 350 tên, trong đó có 1 thiếu tá, 4 cố vấn Mỹ và tên Trung đoàn trưởng E12 bị thương nặng. Tiêu diệt E bộ E12, Sư đoàn số 7, Đại đội 1, Đại đội 3, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 12, Trung đội Thám kích E bộ E12, 1 đại đội và 1 Trung đội Pháo binh số 73. Phá hủy 6 khẩu pháo (4 khẩu 155 ly, 2 khẩu 105 ly), 10 cối 81 ly và 60 ly, phá hủy toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc, kho tàng và toàn bộ nhà cửa của địch trong căn cứ.

Chiến thắng Thẻ 23 là trận đánh nổi bật của Trung đoàn 1 - Quân khu 8, đây là trận đánh có tầm cỡ chiến lược và mang ý nghĩa lịch sử quan trọng tạo niềm tin để Đảng bộ Mỹ Tho cùng cán bộ, chiến sĩ Quân khu 8 nói chung và Tiền Giang nói riêng tiến tới hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975.

Với tầm vóc và ý nghĩa quan trọng của trận đánh, Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang và huyện Cái Bè đã tiến hành xây dựng Bia Chiến thắng Căn cứ Thẻ 23. Bia được xây dựng tại ấp Mỹ Hòa, xã An Cư, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang, có diện tích xây dựng khoảng 150 m2, chiều cao khoảng 12 m, ngang khoảng 3,6 m, dài khoảng 7,5 m. Bia có 2 phần: Chân bia được xây dựng bằng chất liệu bê tông cốt thép, phần chân bia cao khoảng 4 m dán gạch men.

Trên thân đế bia mặt trước khắc dòng chữ: “Bia Chiến thắng của Trung đoàn 1 - Quân khu 8” trên nền đá hoa cương. Trên đỉnh thân bia thể hiện tượng 1 chiến sĩ, tay trái cầm khẩu súng AK, ở giữa thể hiện 1 chiến sĩ vác khẩu B40, bên dưới thể hiện 1 chiếc sĩ đặc công trườn vào căn cứ địch, tay ôm khối thuốc nổ. Bia chiến thắng thể hiện sự phối hợp nhịp nhàng giữa bộ binh và lực lượng đặc công của bộ đội chủ lực Trung đoàn 1 - Quân khu 8 đánh diệt căn cứ Thẻ 23 của địch.

Ngày 15-2-2000, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang đã ra Quyết định công nhận chiến thắng căn cứ Thẻ 23, tại xã Hội Cư (nay là xã An Cư) là di tích lịch sử cấp tỉnh, nhằm ghi dấu chiến công oanh liệt của quân, dân ta trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược, đồng thời là nơi giáo dục truyền thống cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

NGUYỄN MẠNH THẮNG

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/van-hoa-nghe-thuat/202310/bia-chien-thang-can-cu-the-23-noi-ghi-dau-su-kien-lich-su-cach-mang-992003/