'Biến đêm thành ngày, vừa làm thầy, vừa làm thợ'

Sau những năm tháng chiến đấu khắp chiến trường từ Bắc vào Nam, sang Lào, Campuchia…, cựu chiến binh (CCB) Trần Văn Thư trở về quê hương Bắc Ninh. Phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, truyền thống người chiến sĩ Trường Sơn năm xưa, CCB Trần Văn Thư (hiện là Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Ninh) luôn nỗ lực, vượt mọi khó khăn, xây dựng Công ty TNHH Đại Tân ngày một phát triển, làm giàu cho gia đình, trở thành doanh nhân thành đạt và chung tay góp sức xây dựng quê hương, hỗ trợ những đồng đội còn gian khó.

Rèn bản lĩnh từ lính lái xe Trường Sơn

Dọc Quốc lộ 18, nhìn bên trái đường, ngay cổng chào Khu công nghiệp Quế Võ II, Công ty TNHH Đại Tân do CCB Trần Văn Thư làm Tổng giám đốc nằm ngay ở đó. Con đường rợp bóng cây dẫn vào văn phòng công ty giúp con người cảm thấy thoải mái, thảnh thơi hơn. Tôi đến, ông Thư đang tất bật trả lời điện thoại của khách hàng. Không để tôi đợi lâu, ông dừng công việc và vui vẻ trò chuyện về những ngày lăn lộn trên chiến trường.

Vừa tròn 18 tuổi (tháng 2-1971), khi đang học Trường cấp 3 Quế Võ, chàng trai Trần Văn Thư tràn đầy sức trẻ nhập ngũ. Sau 4 tháng, ông học lái xe ở Trường dạy lái xe ô tô 255 (Sơn Tây, TP Hà Nội). Cuối năm 1973, ông được điều về Phòng Xăng xe, Cục Hậu cần miền Đông Nam Bộ, nhiệm vụ chủ yếu là chuyển nguyên vật liệu vào làm đường ống xăng dầu để tiếp tục hành quân theo chiến dịch giải phóng miền Nam. Khi miền Nam giải phóng, ông về tiếp quản Tổng kho xăng dầu 186 ở Gò Vấp (TP Hồ Chí Minh). Giặc chưa xong, ông chưa về, giai đoạn 1978-1979, ông tiếp tục phục vụ chiến trường Campuchia. Đến năm 1980, ông trở ra Bắc về Tiểu đoàn 872, sau đó chuyển sang Tiểu đoàn 976 thuộc Cục Xăng dầu, Tổng cục Hậu cần công tác, đến năm 1993 ông nghỉ hưu với quân hàm Đại úy.

Đồng chí Trần Văn Thư, Chủ tịch Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh, Giám đốc Công ty TNHH Đại Tân kiểm tra xưởng may của công ty. Ảnh: VĂN PHONG

Là lính lái xe trên tuyến đường Trường Sơn, những chặng đường ông qua đã để lại nhiều ấn tượng đáng nhớ trong đời quân ngũ của mình. Ông nói, nếu không có đồng đội, không có đơn vị thì không có ông ngày hôm nay. Rồi ông trầm ngâm kể: “Đó là vào buổi chiều một ngày đầu tháng 4-1975, trên đường hành quân tiếp dầu cho mặt trận tiền phương từ Bình Long đi Chơn Thành (Bình Phước) xe của chúng tôi bị dính mìn chống tăng. Vì dọc đường, quân địch gài mìn chi chít, hòng chặn đường tiến công của quân ta. Xe tôi đi sau tiếp dầu cho xe tăng. Xe bay cách xa hơn 10m, tôi bị thương nhẹ nhưng phụ xe là anh Nguyễn Văn Dự (quê Hải Dương) bị thương rất nặng. Với phương châm “đổ kéo, méo gò”; “yêu xe như con, quý xăng như máu của mình”, giữa sống - chết cận kề như vậy chúng tôi quyết tiến lên, tất cả vì miền Nam ruột thịt. Như nhà thơ Phạm Tiến Duật đã từng viết: “Xe vẫn chạy vì miền Nam phía trước/ Chỉ cần trong xe có một trái tim”.

Và chính những ngày gian khó trên tuyến đường Trường Sơn rực lửa đó đã giúp chiến sĩ trẻ Trần Văn Thư rèn luyện bản lĩnh kiên cường, không lùi bước trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Phải làm giàu trên quê hương mình

Gia tài của lính lái xe Trường Sơn trở về là chiếc ba lô cũ và vài bộ quần áo đã bạc màu cát bụi. Năm 1993, CCB Trần Văn Thư nghỉ hưu, với đồng lương hưu hạn hẹp cộng thêm vài sào ruộng, cuộc sống mưu sinh khá chật vật.

Đã bao đêm ông thức trắng suy nghĩ tìm lối đi nhưng bài toán phát triển kinh tế, nâng cao đời sống gia đình ở thời điểm đó không dễ tìm ra lời giải. Đặc biệt, ở tuổi 40 chưa phải là già nhưng chẳng sớm để khởi nghiệp. Có câu rằng: Trên đời này làm gì có đường, người ta đi mãi thì thành đường thôi! Từ những trăn trở, quan sát, ông nhận thấy giá trị từ nghề làm gốm truyền thống của địa phương – gốm Phù Lãng, dòng gốm có nét sắc thái riêng biệt, tại sao mình không đi lên từ gốm? Không làm giàu từ gốm trên chính quê hương mình? Những câu hỏi ấy cứ thôi thúc trong lòng ông mãi không nguôi. Nghĩ và quyết tâm làm, ông bắt đầu đắp lò sản xuất gốm.

Với tư duy nhạy bén, quyết tâm làm giàu, năm 1997, ông quyết định vận động một số anh em CCB có xe ô tô thành lập Hợp tác xã vận tải Quế Võ do ông làm Chủ nhiệm, chuyên chở hàng hóa ở miền Bắc và sản phẩm gốm sành Phù Lãng. Vì khi đó gốm bán rất tốt, ông đi khắp các tỉnh từ Bắc chí Nam phục vụ các nghĩa trang liệt sĩ như: Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9… vào đến Đà Nẵng, tận Đồng Nai… Đầu tiên chỉ là chum vại, sau đó là tiểu sành phục vụ việc quy tập, cất bốc các hài cốt liệt sĩ. "Được trở lại các nghĩa trang liệt sĩ, trở lại những vùng đất khói lửa một thời, tôi mong góp một phần nhỏ để các đồng đội an lòng và thấy mình cần phải nỗ lực hơn nữa vì may mắn được trở về" - CCB Trần Văn Thư xúc động chia sẻ.

Cựu chiến binh Trần Văn Thư hướng dẫn nhân viên sửa xe ô tô tại xưởng. Ảnh: VĂN PHONG

Tôi hỏi: Sao ông không khởi nghiệp từ nghề khác mà lại là gốm và xe tải?

Ông cười hiền: “Vừa là duyên vừa là nghiệp rồi nên tôi bắt đầu từ gốm, nhờ xe vận chuyển. Gốm là nghề của quê hương, xe là nhờ những năm tháng trong quân ngũ bản thân là lái xe. Vì theo nghề xe nên tôi am hiểu một xe ô tô từ cấu tạo, vận hành…”.

Từ những thành công ban đầu, năm 2003, CCB Trần Văn Thư mạnh dạn vay vốn, thuê mặt bằng thành lập Công ty TNHH Đại Tân chuyên dịch vụ vận tải hàng hóa và xe du lịch. Năm 2016, CCB Trần Văn Thư đầu tư xây dựng nhà xưởng may gia công xuất khẩu. Đến nay, xưởng may của ông hoạt động ổn định, chuyên may gia công cho các đối tác từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc. Hiện nay, công ty có gần 200 đầu xe ô tô các loại, cùng với xưởng may, giải quyết việc làm cho hơn 300 lao động, trong có 70-100 lao động là con, cháu của CCB - đồng đội cũ; lương bình quân 9 triệu đồng/người/tháng.

Hỏi về bí quyết tạo sự thành công trong kinh doanh của mình, CCB Trần Văn Thư vui vẻ nói: “Tôi có bí quyết gì đâu! Những ngày lái xe trên tuyến đường Trường Sơn anh hùng đã tôi luyện nên con người tôi. Tôi phải cảm ơn Quân đội đã rèn cho tôi bản lĩnh dù khó khăn vất vả thế nào mình vẫn phải kiên trì để vượt qua. Đặc biệt là tính kỷ luật trong Quân đội, ở đâu cũng cần có tính kỷ luật và nguyên tắc. Khi về sản xuất kinh doanh phải dựa theo nguyên tắc và tính kỷ luật, lấy nó làm trụ cột trong việc điều hành của mình. Ở công ty, chúng tôi quy định rõ ràng, ai làm tốt thì khen thưởng, ai vi phạm thì kỷ luật, thưởng phạt công minh…”.

“Mình nói thế nào, làm thế ấy vừa tạo được niềm tin của mọi người, vừa khuyến khích tinh thần sáng tạo và sự nỗ lực của người lao động đối với nhiệm vụ của mình”, doanh nhân CCB Trần Văn Thư chia sẻ thêm.

Vừa trò chuyện, ông vừa dẫn tôi đi tham quan khu nhà xưởng, đến khu bảo dưỡng, sửa chữa ô tô, có anh Nguyễn Văn Quang, nhân viên kỹ thuật của công ty nhờ giám đốc hỗ trợ. Anh Quang cho biết: “Mình rất hài lòng với môi trường làm việc và chế độ đãi ngộ của công ty. Bạn thấy đấy, giám đốc và nhân viên rất gần gũi, hòa đồng. Có gì khó khăn hoặc không hiểu là nhân viên chúng mình đều tìm giám đốc. Bác Thư sẵn sàng chia sẻ, chỉ bảo, hướng dẫn tận tình đến khi hiểu mới thôi. Chúng mình xem bác Thư như đồng nghiệp!”.

Giờ đã thành công và có một cơ nghiệp rồi, nhiều người khuyên ông nghỉ ngơi nhưng CCB Trần Văn Thư cho rằng: “Giờ đói cũng không phải đói, khó cũng không phải khó, mình đã có lương hưu rồi, ở nhà thì cũng không bị chết đói nữa. Nhưng nghĩ lại, những khó khăn khi là lính Trường Sơn còn vượt qua được, còn bây giờ tôi có sự động viên của gia đình, đồng đội, sự tạo điều kiện của chính quyền địa phương… nên tôi kiên trì và quyết tâm theo nghề”.

Vậy ông vượt qua những khó khăn trong nghề ra sao? Tôi trao đổi với CCB Trần Văn Thư. Ông bình thản trả lời ngắn gọn: “Biến đêm thành ngày, vừa làm thầy vừa làm thợ”.

Rồi ông giải thích thêm: “Tôi không quản ngày đêm lăn lộn trên các cung đường mà công ty trải qua. Tôi phải đào tạo lại từ lái xe, thợ sửa chữa… Đối với Phòng Kỹ thuật, một tháng quy định kiểm tra xe một lần, đồng thời phải dạy cho người lái xe và thợ mới. Đối với công nhân may, tuyển vào là đào tạo ngay, bằng hình thức những người giỏi trong công ty sẽ đào tạo những người mới…”.

Nhờ đó, dưới sự chỉ đạo, điều hành của ông, công ty từng bước khẳng định uy tín và vị thế tiên phong của mình trên thị trường vận tải trong và ngoài tỉnh, trở thành đối tác của nhiều tập đoàn, công ty lớn.

Nghĩa tình với đồng đội

Không chỉ làm kinh tế giỏi, doanh nhân CCB Trần Văn Thư luôn dành một phần lợi nhuận để tri ân đồng đội, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn và tham gia công tác từ thiện xã hội. Từ năm 2017 đến nay,công tyông ủng hộ hơn 7 tỷ đồng cho các quỹ do Trung ương và địa phương phát động. Điển hình như: Ủng hộ Quỹ vì người nghèo hơn 1 tỷ đồng; xây dựng nông thôn mới của địa phương 1,3 tỷ đồng; ủng hộ đồng bào bị thiên tai bão lụt hơn 1 tỷ đồng; ủng hộ hội viên CCB bị nhiễm chất độc hóa học hơn 300 triệu đồng; ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 hơn 200 triệu đồng; ủng hộ 500 triệu đồng xây dựng Trường Mầm non xã Phù Lãng; hỗ trợ Quỹ Nghĩa tình đồng đội của Hội CCB huyện Quế Võ 1,2 tỷ đồng để xây mới 6 nhà “Nghĩa tình đồng đội”, điển hình là nhà của các CCB: Bùi Văn Từ (xã Phù Lãng), Nguyễn Văn Phiết và Nguyễn Bá Sập (xã Ngọc Xá), Nguyễn Văn Phan (xã Nhân Hòa)…; tặng quà các gia đình thương binh, liệt sĩ, gia đình CCB và công nhân gặp hoàn cảnh khó khăn nhân dịp các ngày lễ, Tết hơn 2 tỷ đồng…

Hội Doanh nhân cựu chiến binh tỉnh Bắc Ninh ủng hộ các tỉnh miền Trung bị thiệt hại do bão, lũ. Ảnh: VĂN PHONG

Trong buổi lễ trao nhà cho CCB Nguyễn Văn Phan, ở thôn Trại Đường, xã Nhân Hòa, huyện Quế Võ, tỉnh Bắc Ninh ai tham dự cũng xúc động. Ông Nguyễn Văn Phan mắc bệnh về xương khớp, hiện nay không còn khả năng lao động, phải sống trong căn nhà xuống cấp. Sau khi khảo sát thực tế, CCB Trần Văn Thư hỗ trợ 60 triệu đồng để gia đình sửa chữa, nâng cấp nhà. Nhìn ngôi nhà khang trang với diện tích gần 80m2, ông Phan không kìm được nước mắt. Ông nói: “Cả đời tôi cũng không mong có được ngôi nhà như thế này. Tôi rất cảm ơn tấm lòng thơm thảo, vì đồng chí đồng đội của anh Thư giúp đỡ những người như tôi, làm vơi bớt khó khăn trong cuộc sống”.

Trao đổi với tôi, đồng chí Đào Anh Dũng, Chủ tịch Hội CCB tỉnh Bắc Ninh đánh giá: “Doanh nhân CCB Trần Văn Thư là tấm gương điển hình của tỉnh trong phát triển kinh tế, làm công tác từ thiện xã hội. Từ năm 2011 đến nay, trên cương vị Phó chủ tịch rồi Chủ tịch Hội Doanh nhân CCB tỉnh Bắc Ninh, CCB Trần Văn Thư cùng tập thể Thường trực Hội chỉ đạo, điều hành Hội Doanh nhân CCB các huyện, thị xã, thành phố và các hội viên chấp hành nghiêm chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương trong sản xuất kinh doanh; tham gia tích cực các hoạt động từ thiện xã hội. Mỗi năm ông đứng ra vận động các doanh nghiệp ủng hộ hơn 2 tỷ đồng để đẩy mạnh xây dựng các phong trào “Nghĩa tình đồng đội”, “Đền ơn đáp nghĩa”…”.

Cựu chiến binh Trần Văn Thư trao tặng 60 triệu đồng hỗ trợ CCB Nguyễn Văn Phan xây dựng nhà. Ảnh: VĂN PHONG

Nghe giọng nói hào sảng và phong thái làm việc khoa học, nhanh nhạy của ông Thư, không ai nghĩ tháng 6 vừa qua, ông đã bước sang tuổi 71. Dù vậy, CCB Trần Văn Thư vẫn đảm nhận chức vụ Tổng giám đốc của công ty. “Giờ tôi làm chỉ là vui thôi. Còn sức khỏe thì tôi vẫn làm Tổng giám đốc, làm trụ cột cho các con dựa vào. Tôi có nhiệm vụ kiểm tra, đôn đốc giải những bài toán khó”.

Không chỉ vậy, ở công ty ông là đảng viên đi đầu xây dựng lên Chi bộ và Chi hội CCB. Hiện tại, công ty có 1 chi bộ đảng với 13 đảng viên sinh hoạt và 1 chi hội CCB. CCB Trần Văn Thư là vậy! Dù tuổi “lên lão” nhưng tình cảm, tâm huyết dành cho Đảng, cho tổ chức, cho doanh nghiệp, cho những người đồng đội và hoạt động xã hội vẫn rực cháy trong trái tim ấm nóng của người lính Trường Sơn năm xưa. Đó cũng là cách ông truyền lửa cho thế hệ trẻ hôm nay. Ghi nhận những đóng góp tích cực của doanh nhân CCB Trần Văn Thư, năm 2022, ông được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.

VŨ MINH

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Phóng sự Điều tra xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-15/bien-dem-thanh-ngay-vua-lam-thay-vua-lam-tho-753493