Bình đẳng giới vì sự tiến bộ của phụ nữ

Mong muốn có một mô hình phát triển kinh tế từ du lịch được chị Giàng Thị Khu cùng chồng là anh Thào A Giang (tổ 1, phường Sa Pả, thị xã Sa Pa) ấp ủ trong suốt nhiều năm. Năm 2019, mô hình ấy được đôi vợ chồng trẻ người Mông hiện thực hóa với tên gọi The link farm & homestay - cơ sở chuyên cung cấp dịch vụ lưu trú, ăn uống cho những du khách yêu thiên nhiên khi đến với Sa Pa.

Kỷ niệm 92 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam

Hoạt động từ cuối năm 2019, ngay sau đó cơ sở trải qua những khó khăn, thách thức suốt 2 năm do dịch Covid-19 nhưng chưa khi nào vợ chồng chị Giàng Thị Khu nghĩ đến chuyện bỏ cuộc. Đôi vợ chồng tự động viên nhau cố gắng, xoay xở và điều họ mong đã thành hiện thực. Hoạt động của homestay dần đi vào ổn định, doanh thu tháng cao nhất là 45 triệu đồng, bình thường dao động khoảng 30 - 35 triệu đồng.

Anh Thào A Giang chia sẻ: Vợ chồng phân công nhau, tôi phụ trách nhận và đón khách, vợ thì nấu ăn và vệ sinh buồng, phòng. Để nâng cao chất lượng dịch vụ, tôi học thêm tiếng Anh, còn vợ tôi học thêm các kỹ năng cần thiết để phục vụ du khách. Về phần kinh tế gia đình, vợ tôi làm chủ hoàn toàn.

Giọng nói chứa đầy niềm vui và tự hào khi nhắc về vợ mình là điều khiến chúng tôi ấn tượng với người đàn ông này. Có lẽ, nhờ có một người chồng luôn biết lắng nghe, thấu hiểu và chia sẻ đã giúp chị Khu từ một người phụ nữ của bản vốn rụt rè, nhút nhát, quanh năm chỉ quẩn quanh với ruộng nương, con cái, giờ đã vươn lên để theo đuổi giấc mơ của mình.

Đôi mắt ánh lên niềm hạnh phúc, chị Khu bảo bản thân mình may mắn khi có một người chồng luôn yêu thương, tôn trọng vợ. Không chỉ hỗ trợ chị trong làm kinh tế, anh Giang còn cùng chị chia sẻ việc nhà, chăm sóc và nuôi dạy các con. Thậm chí, anh còn là người luôn ủng hộ và đồng hành với vợ khi tham gia các hoạt động của hội phụ nữ.

Diễn đàn Bình đẳng giới – Nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ dân tộc thiểu số.

Tiếp tục những câu chuyện vui về bình đẳng giới hôm nay, chúng tôi có dịp gặp vợ chồng người Tày ở thôn Tượng 2, xã Hợp Thành, thành phố Lào Cai. Chị Phạm Thị Vinh vốn không phải là người ở chốn này mà theo chồng về đây làm dâu. Nhờ tính cách nhiệt tình, gần gũi lại thêm thuận lợi khi được chồng quan tâm, ủng hộ, chị Vinh trở thành nữ trưởng thôn đầu tiên ở thôn Tượng 2. Công việc “vác tù và hàng tổng” đã được chị gánh vác suốt 20 năm qua.

Ngày chị Vinh mới làm Trưởng thôn, thôn Tượng 2 chỉ có ba chục nóc nhà thưa thớt. Vì đường sá đi lại không thuận nên để thông báo họp thôn, chị đi bộ cả buổi đến từng hộ. Khi ấy, nhà văn hóa chưa có, chị bàn cùng chồng dọn dẹp, thu xếp để bà con đến họp tại nhà mình. Đến khi chương trình nông thôn mới về, để làm đường trục thôn, chị bàn với chồng hiến 400 m2 đất dù tuyến đường không đi qua nhà và chồng chị đã đồng ý. Thậm chí, khi thôn triển khai thực hiện các công trình, phần việc, chồng chị với kinh nghiệm làm xây dựng lâu năm còn góp ý, giúp vợ và bà con tính toán các khoản chi phí và nguyên vật liệu. Chị Vinh tiếp tục là người phụ nữ đặc biệt ở chốn này khi trở thành nữ đảng viên người Tày đầu tiên ở Chi bộ thôn Tượng 2 vào năm 2019.

Chị Phạm Thị Vinh (thứ 2 từ phải sang) tuyên truyền, vận động hội viên phụ nữ thôn Tượng 2 vươn lên phát triển kinh tế.

“Nếu không có chồng giúp đỡ, chia sẻ, tôi đã không thể làm tốt trách nhiệm trưởng thôn, người đảng viên và một người vợ, người mẹ trong gia đình”, chị Vinh khẳng định. Còn chồng chị là anh La Văn Tam cho hay: “Ngày vợ tôi làm trưởng thôn, cũng có nhiều người bàn tán nhưng tôi đều bỏ ngoài tai. Trong gia đình tôi, mọi vấn đề dù to hay nhỏ, vợ chồng tôi đều bàn bạc, cùng nhau gánh vác và thực hiện. Tôi luôn tin tưởng và ủng hộ vợ tham gia công tác xã hội”.

Hai câu chuyện kể trên là những minh chứng về sự vươn lên khẳng định bản thân trên nhiều phương diện của phụ nữ Lào Cai hôm nay. Đây cũng là tín hiệu vui cho thấy vấn đề bình đẳng giới được quan tâm và đang dần phát huy hiệu quả. Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ tỉnh cho biết: Xác định công tác nâng cao nhận thức về sự tiến bộ của phụ nữ và bình đẳng giới là một trong những nhiệm vụ quan trọng, Ban Thường vụ Hội Phụ nữ tỉnh đã chỉ đạo các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương.

Việc vận động, khai thác, kết nối triển khai thực hiện các dự án để nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ được quan tâm, điển hình là Dự án “Hỗ trợ doanh nghiệp nữ Lào Cai mở rộng kinh doanh”; “Tăng thu nhập cho đồng bào thông qua phát triển chuỗi giá trị giai đoạn 2021 - 2023”; chương trình “Tăng cường sinh kế và sự tham gia của phụ nữ để nâng cao khả năng chống chịu và phục hồi với thiên tai và biến đổi khí hậu tại Việt Nam (2019 - 2021)”… Qua đó giúp nâng cao nhận thức của người dân, xóa bỏ những định kiến về giới trong gia đình và cộng đồng vì sự tiến bộ của phụ nữ, đồng thời giúp hội viên phụ nữ tự tin, vươn lên khẳng định bản thân.

Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, nâng cao quyền năng kinh tế.

Hoạt động bình đẳng giới ở Lào Cai trong thời gian tới sẽ có thêm nhiều thuận lợi khi Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn 1 từ năm 2021 đến năm 2025, trong đó có việc triển khai thực hiện Dự án số 8 về thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em. Những điều kiện thuận lợi này sẽ tiếp thêm niềm tin, động lực để phụ nữ Lào Cai vươn lên khẳng định vai trò và vị thế của mình trong thời kỳ mới.

Nguồn Lào Cai: http://www.baolaocai.vn/bai-viet/361417-binh-dang-gioi-vi-su-tien-bo-cua-phu-nu