Bộ LĐTB&XH trả lời kiến nghị về sửa đổi chính sách người có công

Gửi ý kiến đến Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIV, cử tri tỉnh Bắc Giang phản ánh, tỉnh Bắc Giang nhiều trường hợp có mộ trong nghĩa trang liệt sĩ xã, được ghi trong lịch sử Đảng bộ xã… nhưng đến nay chưa được công nhận là liệt sĩ, thân nhân chưa được hưởng chế độ trợ cấp của Nhà nước.

Do các trường hợp này hy sinh từ thời kỳ kháng chiến chống Pháp, các thông tin lưu giữ lại không đầy đủ, thiếu thông tin về cấp bậc, chức vụ, đơn vị khi hy sinh nên khó xác định trách nhiệm lập hồ sơ của cơ quan nào.

Để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong quá trình lập hồ sơ xác nhận là liệt sĩ, cử tri tỉnh Bắc Giang đề nghị cơ quan chức năng sửa đổi, bổ sung một số quy định sau:

Tại Điều 13, Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cấp bằng tổ quốc ghi công đối với những trường hợp có căn cứ xác định gia đình liệt sĩ đã được giải quyết chế độ trợ cấp hàng tháng hoặc trợ cấp một lần trước ngày 1/1/1995 là không phù hợp vì còn nhiều trường hợp vướng quy định chưa được cấp. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định đối với các trường hợp có căn cứ từ trước ngày 30/9/2006 cho phù hợp với thời điểm Nghị định 28/1995/NĐ-CP ngày 29/4/1995 hết hiệu lực và Nghị định 54/2006/NĐ-CP ngày 26/5/2006 có hiệu lực thi hành.

Tại khoản 11, Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định về căn cứ cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước đã được ghi là liệt sĩ trong lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được các cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản, báo cáo hàng năm từ trước năm 1995, quy định như vậy không phù hợp thực tế vì hiện nay phần lớn lịch sử Đảng bộ xã của các địa phương được xuất bản sau năm 1995.

Tại khoản 2, Điều 3 Thông tư liên tịch số 28/2013/TTLT-BLĐTBXH-BQP ngày 22/10/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Quốc phòng quy định về căn cứ xác nhận liệt sĩ: Người hy sinh đã được chính quyền và nhân dân suy tôn đưa vào an táng trong nghĩa trang liệt sĩ nơi hy sinh, được gắn bia mộ liệt sĩ từ ngày 31/12/1994 trở về trước; quy định như vậy chưa đầy đủ, đề nghị sửa đổi, bổ sung những trường hợp được gắn tên trong nhà bia tưởng niệm liệt sĩ do UBND cấp xã quản lý.

Về vấn đề này, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trả lời cử tri tỉnh Bắc Giang như sau:

Theo báo cáo của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tại Công văn số 3193/LĐTBXH-NCC ngày 14/11/2018, từ năm 2017, tại tỉnh Bắc Giang còn tồn 162 trường hợp không có hồ sơ lưu tại Sở và chưa được cấp Bằng “Tổ quốc ghi công”, tập trung chủ yếu vào đối tượng hy sinh trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, trong đó thẩm quyền giải quyết thuộc các cơ quan khác nhau (52 trường hợp thuộc Bộ Quốc phòng; 1 trường hợp thuộc Bộ Công an; 34 trường hợp thuộc UBND cấp huyện và 75 trường hợp không xác định được cơ quan do thiếu thông tin).

Tính đến tháng 11/2018 đã giải quyết được 11 trường hợp; 151 trường hợp còn lại đang trình các cơ quan có thẩm quyền, trong đó: thẩm định ở cấp Bộ 2 trường hợp (thuộc cơ quan quân đội); thẩm định ở cấp tỉnh 12 trường hợp (thuộc cơ quan quân đội); thẩm định ở cấp huyện 6 trường hợp (5 thuộc cơ quan quân đội, 1 thuộc Ủy ban nhân dân huyện); hoàn thiện hồ sơ ở cấp xã 53 trường hợp và 78 trường hợp gia đình chưa làm hồ sơ đề nghị.

Trong 151 trường hợp có 142 trường hợp có mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ và đã được khắc tên trên nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của địa phương. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã trực tiếp trao đổi với Lãnh đạo tỉnh và chỉ đạo Cục Người có công hướng dẫn Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Bắc Giang tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải quyết các hồ sơ và sẽ tiến hành thẩm định, xác nhận nếu đủ điều kiện.

Về những kiến nghị của cử tri liên quan tới việc sửa đổi, bổ sung chính sách, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội có ý kiến như sau:

- Về việc sửa Điều 13 Thông tư số 16/2014/TT-BLĐTBXH ngày 30/7/2014 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định việc cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho những trường hợp có thân nhân đã hưởng chế độ từ ngày 1/1/1995 đến trước ngày 30/9/2006: Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đã dự thảo Quyết định ban hành quy trình cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” và đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi ban hành.

- Khoản 11 Điều 4 Thông tư số 05/2013/TT-BLĐTBXH ngày 15/5/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định cấp giấy báo tử đối với những trường hợp hy sinh từ ngày 31/12/1994 trở về trước nếu được ghi nhận là liệt sĩ trong: Lịch sử Đảng bộ cấp xã trở lên được cơ quan Đảng có thẩm quyền thẩm định và đã xuất bản; báo cáo hàng năm từ trước năm 1995 của các cấp ủy đảng được lưu giữ tại cơ quan thẩm quyền của Đảng. Quy định đã nêu không giới hạn lịch sử Đảng bộ phải xuất bản trước năm 1995.

- Theo quy định Điều 60, Điều 63 Nghị định số 31/2013/NĐ-CP ngày 9/4/2013 của Chính phủ, nhà bia ghi tên liệt sĩ được xây dựng tại các xã, phường, thị trấn, quận, huyện không có nghĩa trang liệt sĩ; UBND cấp tỉnh ban hành quy chế quản lý các công trình ghi công liệt sĩ trên địa bàn. Vì vậy, buộc phải có căn cứ khắc tên trên nhà bia theo quy chế quản lý của UBND cấp tỉnh (không phải của UBND cấp xã). Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sẽ nghiên cứu nội dung này khi sửa Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng và các văn bản hướng dẫn để việc xác nhận liệt sĩ có cơ sở và căn cứ phù hợp.

Trường hợp người hy sinh đã được khắc tên trên nhà bia tưởng niệm liệt sĩ của địa phương, đồng thời thân nhân đã hưởng chế độ ưu đãi từ trước ngày 1/1/1995, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã đưa nội dung này trong dự thảo Quyết định ban hành quy trình cấp Bằng “Tổ quốc ghi công” cho liệt sĩ có thân nhân đã hưởng chế độ và đang xin ý kiến các đơn vị, cơ quan chuyên môn liên quan trước khi ban hành.

Chinhphu.vn

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/tra-loi-cong-dan/bo-ldtbxh-tra-loi-kien-nghi-ve-sua-doi-chinh-sach-nguoi-co-cong/359188.vgp