Bỏ thông tin về quê quán, bổ sung 'nơi đăng ký khai sinh' trên thẻ căn cước

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho rằng, việc đổi tên thẻ Căn cước công dân thành Thẻ Căn cước là phù hợp, đồng thời thông tin trên thẻ cũng có nhiều thay đổi như bổ sung 'nơi đăng ký khai sinh'…

Chủ nhiệm Ủy ban QP&AN Lê Tấn Tới báo cáo tại hội nghị

Sáng nay, 28-8, hội nghị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) hoạt động chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Căn cước.

Trình bày báo cáo việc tiếp thu, chỉnh lý một số nội dung lớn của dự thảo luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh (QP&AN) của Quốc hội Lê Tấn Tới cho biết, hiện còn 2 loại ý kiến về tên gọi của dự thảo luật.

Loại ý kiến thứ nhất đồng ý đổi tên luật thành Luật Căn cước vì cho rằng thể hiện bao quát, đầy đủ các chính sách được đề xuất khi đề nghị bổ sung dự án luật vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng; thể hiện đúng bản chất của công tác quản lý căn cước; không tác động đến vấn đề quốc tịch cũng như địa vị pháp lý của công dân; không tác động đến các luật khác.

Loại ý kiến thứ hai đề nghị giữ tên luật là Luật Căn cước công dân vì tên gọi này đã sử dụng ổn định.

Tương tự, về tên gọi của Thẻ căn cước cũng còn 2 ý kiến khác nhau giống như tên gọi của dự thảo luật kể trên.

Ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban QP&AN nhất trí với loại ý kiến thứ nhất và cho rằng, việc đổi tên luật thành Luật Căn cước sẽ bao quát được phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng của Luật gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với các chính sách dự kiến đề xuất bổ sung khi lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật.

Tên gọi này đồng thời cũng phản ánh đúng, đủ bản chất căn cước, căn cước điện tử, đáp ứng yêu cầu quản lý căn cước cả về trước mắt cũng như lâu dài, phục vụ công tác quản lý nhà nước, quản lý công dân, bảo vệ con người.

Ngoài ra, qua rà soát hệ thống pháp luật thì việc thay đổi tên luật thành Luật Căn cước không phát sinh việc sửa đổi, bổ sung, chỉnh lý các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết khác của Quốc hội, không có tác động xáo trộn, thay đổi về mặt pháp luật.

ĐBQH Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu tại hội nghị

Thảo luận tại hội nghị, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (đoàn Hải Dương) nêu quan điểm ủng hộ phương án đổi tên thành Luật Căn cước. Bà cho rằng, tên gọi này phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định trong dự thảo luật, gồm cả công dân Việt Nam và người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch, phù hợp với chính sách, mục tiêu, định hướng khi xây dựng luật.

“Việc bổ sung đối tượng áp dụng là cần thiết cho công tác quản lý con người, an ninh trật tự, mang tính nhân văn sâu sắc” – bà Việt Nga nói.

Đồng quan điểm, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho rằng, một số đại biểu lo việc đổi tên thẻ sẽ gây tốn kém ngân sách, tuy nhiên, dự thảo quy định những người đã được cấp thẻ căn cước công dân gắn chip không nhất thiết phải đổi thẻ, do đó sẽ không gây tốn kém.

Quang cảnh hội nghị

Về nội dung thể hiện trên thẻ căn cước (Điều 19 dự thảo luật), ông Lê Tấn Tới cho biết, Thường trực Ủy ban QP&AN cho rằng, việc đổi tên thẻ căn cước như dự thảo luật Chính phủ trình là phù hợp; không phát sinh thủ tục, không phát sinh chi ngân sách Nhà nước, chi phí của xã hội.

Thông tin trên thẻ căn cước đã được đánh giá cụ thể trong quá trình xây dựng luật, tương thích với các quy định của pháp luật có liên quan.

Dự thảo luật đề xuất bỏ vân tay trên bề mặt thẻ (được lưu trữ trong bộ phận lưu trữ) để bảo đảm tính bảo mật trong quá trình sử dụng thẻ; bỏ thông tin “quê quán”, sửa đổi “số thẻ căn cước công dân” thành “số định danh cá nhân”, “căn cước công dân” thành “thẻ căn cước”, “nơi thường trú” thành “nơi cư trú”, bổ sung “nơi đăng ký khai sinh”... để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng thẻ căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân;

Ngoài ra, các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chíp điện tử trên thẻ căn cước; việc tích hợp cả QR code và chíp điện tử trên thẻ căn cước nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan, tổ chức, cá nhân khai thác, sử dụng thông tin công dân khi thực hiện các thủ tục hành chính, giao dịch dân sự.

Về người được cấp thẻ căn cước, dự thảo Luật quy định: người từ đủ 14 tuổi trở lên phải thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước. Người dưới 14 tuổi thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo nhu cầu.

“Thẻ căn cước tuy không thay thế giấy khai sinh nhưng có thể tích hợp thêm nhiều thông tin khác theo nhu cầu của người dân, tiết kiệm kinh phí cho Nhà nước và người dân trong việc cấp và sử dụng các loại giấy tờ này” - ông Lê Tấn Tới cho biết.

Mặt khác, thẻ căn cước nhỏ gọn, dễ bảo quản, tính bảo mật cao sẽ bảo đảm an toàn, đem lại nhiều thuận lợi, tiện ích cho người dân trong việc đi lại cũng như học tập, khám chữa bệnh và các giao dịch dân sự khác, góp phần thúc đẩy thực hiện Chính phủ số, xã hội số.

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/bo-thong-tin-ve-que-quan-bo-sung-noi-dang-ky-khai-sinh-tren-the-can-cuoc-post550116.antd