Bữa cơm gia đình và ẩm thực online lên ngôi nhờ Covid-19

Covid-19 đã ngăn mọi người khỏi những bữa ăn đơn giản nhất, nhưng chủ trương giãn cách xã hội không thể nào khiến những tín đồ ẩm thực từ bỏ niềm đam mê bất tận.

Do ảnh hưởng của Covid-19, người dân trên khắp châu Á có xu hướng đặt đồ ăn đêm nhiều hơn khi chôn chân trong nhà suốt nhiều tháng.

Vì thế, áp lực công việc của những đầu bếp phục vụ đêm đã tăng mạnh trong 3 tháng đầu năm. Ta có thể thấy rõ điều này ở các khu phố sầm uất nhất của Malaysia, Singapore hay Thái Lan.

Melvin Chew, một người bán thịt lợn om tại Singapore, đã chỉ ra hiệu quả của việc bán hàng online.

Cụ thể, trang “Hawker United - Dabao 2020” của anh đã thu hút gần 230.000 người theo dõi kể từ ngày 3/4. Nó được tạo chỉ vài giờ sau khi Thủ tướng Lý Hiển Long tuyên bố phong tỏa một phần đất nước để ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.

Áp lực công việc của những đầu bếp phục vụ đêm tăng mạnh mẽ trong những tháng đầu năm. Ảnh: SCMP.

Việc cấm tụ tập ăn uống là một phần của các biện pháp phòng dịch. Quy định này vô hình trung tạo ra một cơ hội mới cho những shipper tự do.

Không thuộc một ứng dụng nào, họ bất ngờ được nhiều chủ cửa hàng liên hệ vì chi phí rẻ hơn nhiều.

Giờ đây, người Singapore đã bắt đầu thích nghi với việc đặt hầu hết đồ ăn mà họ muốn qua mạng, đưa về nhà, ăn cùng gia đình, từ những quán nổi tiếng như Vua Sầu Riêng (Mao Shan Wang) cho đến món hủ tiếu xào truyền thống mà Chew - một người bán hàng rong - đang bán tại quầy hàng của mình ở China Town.

Cái khó ló cái khôn

Công nghệ và sự đổi mới là không giới hạn trong ngành kinh doanh thực phẩm ở châu Á.

Peangploy Jitpiyatham, chủ một nhà trọ cách thủ đô Bangkok (Thái Lan) khoảng 1.800km, đã chuyển đổi mô hình kinh doanh ngay trong thời dịch.

Anh đã biến nhà trọ của mình thành trung tâm của nền tảng giao thực phẩm trực tuyến mà anh mới tạo, có tên “Locall”. Khách hàng sử dụng nền tảng này có thể đặt đồ ăn từ 30 nhà hàng, bao gồm cả nhà bếp của ký túc xá.

Không giống như những người chơi lớn khác, ứng dụng bán hàng được phát triển bởi chính đội ngũ nhân viên của Jitpiyatham. Nó cho phép người dùng đặt hàng từ các cơ sở khác nhau cùng một lúc.

“Mục tiêu của chúng tôi là hỗ trợ cộng đồng kinh doanh thực phẩm và các tiệm ăn nhỏ đang gặp khó khăn trong cuộc khủng hoảng này”, Jitpiyatham nói.

Ngành công nghiệp thực phẩm ở khắp nơi đang phải chịu áp lực suy thoái kinh tế. Ảnh: SCMP.

Sasimon Chamnansarn, một tiếp viên hàng không đang tạm thất nghiệp vì lệnh hạn chế bay, bắt đầu chuyển sang bán thịt lợn khô.

Món ăn này dựa trên một công thức đặc biệt do mẹ và bà của cô nghĩ ra. Ban đầu, Chamnansarn thử bán cho bạn bè ở Bangkok và rất ngạc nhiên trước sự đón nhận của thực khách.

Ý tưởng đã đến với cô sau khi hàng loạt chuyến bay bị đình chỉ, cô trở về quê hương của mình ở tỉnh Udon Thani, phía đông bắc Thái Lan.

“Dù sau này có quay trở về làm tiếp viên, tôi cũng sẽ tiếp tục bán hàng. Tôi đã liên hệ với một nhà máy địa phương. Họ có thể giúp tôi khâu sản xuất và đóng gói. Không có gì là chắc chắn nên tôi luôn sẵn sàng thay đổi. Ai mà biết được sẽ có lúc công việc tiếp viên cũng thật bấp bênh?”, nữ tiếp viên 38 tuổi chia sẻ.

“Bưu kiện tình yêu”

Trên các phương tiện truyền thông xã hội ở Malaysia, nhiều người đã chia sẻ về một hình thức trao đổi thực phẩm mới.

Theo đó, các tài xế giao hàng sẽ được thuê để gửi bưu kiện chứa các món ăn tự nấu. Sau đó, phía người nhận có thể gửi lại một món "cơm nhà nấu" như một lời cảm ơn.

Hình thức giao hàng này có tên là “Bưu kiện tình yêu”.

Firdaus Husni, một nhà hoạt động nhân quyền, cho biết em trai của cô đang phải ở lại trường từ khi lệnh hạn chế di chuyển có hiệu lực. Cậu là một trong những người nhận được “bưu kiện tình yêu” mà cô đã chuẩn bị.

“Tôi đã rất lo lắng cho nó. Thật tuyệt khi có thể làm cậu bé bất ngờ bằng cách này. ‘Bưu kiện tình yêu’ dường như đang trở thành một phần của Malaysia”, cô nói.

Hình thức giao đồ ăn mới có tên là “Bưu kiện tình yêu” đang nổi lên ở Malaysia. Ảnh: The Straits Times.

“Những nỗ lực và sự chu đáo trong khâu giao hàng khiến tôi cảm thấy rất biết ơn bởi cách ly xã hội không có nghĩa là chúng ta phải cắt đứt mọi sự kết nối với gia đình và bạn bè”, Firdaus bổ sung.

Yudistra Darma Dorai, một luật sư làm việc tại Kuala Lumpur, cho biết nhờ mô hình vận chuyển này mà anh gắn kết với bạn bè hơn. Nhiều đồng nghiệp đã gửi cho anh đồ ăn mà họ tự nấu để anh có thể ăn uống đầy đủ trong khi bận bịu với công việc.

Redzuawan Ismail là một đầu bếp nổi tiếng ở cả Malaysia và Singapore. Ông mong đợi những thay đổi sâu sắc trong thói quen ăn uống của người dân sau khi lệnh phong tỏa được dỡ bỏ.

“Tôi hy vọng giai đoạn này sẽ khiến nhiều người rút ra kinh nghiệm và có cái nhìn tích cực hơn về đồ ăn tự nấu tại nhà”, đầu bếp nói.

Ánh Nguyệt

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bua-com-gia-dinh-va-am-thuc-online-len-ngoi-nho-covid-19-post1075713.html