Bước tiến mới trong tiến trình xây dựng nông thôn mới nâng cao

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng những năm gần đây tiếp tục đi vào chiều sâu, tạo những bước chuyển quan trọng để tiến tới xây dựng xã, huyện đạt chuẩn NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Ông Nguyễn Đình Khoát, Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng NTM tỉnh Lâm Đồng thông tin, năm 2020 Đức Trọng đã trở thành huyện thứ 2 của tỉnh Lâm Đồng đạt chuẩn huyện NTM, trong đó việc phát triển các hình thức tổ chức liên kết, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị đã có nhiều chuyển biến mới, các HTX, liên hiệp HTX tăng nhanh về số lượng và chất lượng, phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu.

Nỗ lực cho mục tiêu NTM nâng cao

Là một huyện có địa bàn rộng với 14 xã, trong đó có nhiều xã còn khó khăn nên thực hiện xây dựng huyện NTM ở Đức Trọng là một thách thức không nhỏ.

Các HTX đã tạo đà cho hình thức tổ chức liên kết, tiêu thụ nông sản theo chuỗi giá trị.

Do đó, hơn 10 năm qua, huyện Đức Trọng đã huy động hơn 5.000 tỷ đồng xây dựng NTM, trong đó vốn nhân dân chiếm hơn 75%, còn lại là vốn các doanh nghiệp và ngân sách nhà nước chỉ chiếm chưa đầy 25%.

Điều đó cho thấy công sức của nhân dân có sự đóng góp lớn trong chương trình mục tiêu quốc gia quan trọng này. Và thời gian tới, trong quá trình xây dựng đô thị hóa, một lần nữa sức mạnh tập thể, sức mạnh nhân dân lại được khơi gợi, vận dụng, phát huy một cách hiệu quả để Đức Trọng mạnh mẽ, vững chắc hơn nữa trên đà phát triển thành một khu đô thị sầm uất, hiện đại, nối liền TP Đà Lạt và các vùng kinh tế khác trong tỉnh Lâm Đồng.

Theo ông Nguyễn Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Đức Trọng, xác định chủ thể xây dựng NTM là người dân, trong đó nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân là yếu tố then chốt làm nên sự thành công của chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, nên Đức Trọng đã tập trung các giải pháp phát triển kinh tế địa phương mà lĩnh vực mũi nhọn phải kể đến đó là phát triển nông nghiệp công nghệ cao.

Huyện đã hỗ trợ nông dân trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào phát triển sản xuất, từ đó đã xuất hiện nhiều vùng chuyên canh hàng hóa cho thu nhập trung bình 400 triệu đồng/ha/năm; cá biệt có những diện tích trồng rau hoa cho thu nhập trên 1 tỷ đồng/ha/năm. Điều này góp phần nâng cao thu nhập bình quân đầu người toàn huyện từ 23 triệu đồng/người vào năm 2011 lên hơn 60 triệu đồng hiện nay.

“Huyện Đức Trọng đặt mục tiêu đến năm 2025 đạt tiêu chí đô thị loại 4 và tiêu chuẩn thị xã. Phấn đấu đến năm 2025, Đức Trọng có ít nhất từ 1-2 xã NTM kiểu mẫu, 100% xã ngoài đô thị đạt NTM nâng cao; xây dựng ở mỗi xã có ít nhất 1 khu dân cư kiểu mẫu và huyện Đức Trọng được công nhận đạt chuẩn NTM trong quá trình đô thị hóa theo Quyết định 676/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Ngay từ những tháng cuối năm 2020 và đầu năm 2021, huyện Đức Trọng chủ động bắt tay thiết kế chương trình, kế hoạch xây dựng NTM theo hướng rõ mục tiêu, rõ việc, gắn sát với điều kiện thực tiễn của địa phương”, ông Cường cho hay.

Liên kết để phát triển

Hiện nay, toàn huyện có hơn 40 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Các HTX nông nghiệp trên địa bàn huyện đã có nhiều nỗ lực trong liên doanh, liên kết với các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp trong và ngoài huyện nhằm phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao thu nhập của các thành viên, giải quyết tốt mối quan hệ giữa HTX với hộ gia đình, là chỗ dựa cho các thành viên tham gia HTX. Một số tổ hợp tác hoạt động có sự liên kết hỗ trợ, tạo được sự liên kết chặt chẽ cùng phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập.

Điển hình như HTX Nông nghiệp Tiến Huy, thôn Định An, xã Hiệp An. Hiện, HTX sản xuất rau VietGAP trên diện tích hơn 11 ha, đưa sản phẩm tiêu thụ vào hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại.

Đến nay, HTX Nông nghiệp Tiến Huy liên kết sản xuất với hơn 40 hộ dân, với tổng diện tích đất sản xuất trên 45 ha. Những hộ dân liên kết với HTX đều nhận được kế hoạch sản xuất cụ thể để bảo đảm nguồn cung cấp rau, củ, quả liên tục cho các bạn hàng đối tác. HTX Tiến Huy cũng đã xây dựng thành công mô hình phối kiểm theo chuỗi thực phẩm an toàn trong sản xuất, sơ chế; được cấp chứng nhận VietGAP.

Mô hình liên kết chủ yếu tập trung ở Đà Lạt, Đức Trọng và Đơn Dương… canh tác trong nhà kính và nhà lưới, không chỉ sản xuất ớt ngọt mà còn sản xuất nhiều loại giống rau, quả cao cấp khác: cà chua, bông cải xanh baby, dưa leo baby, đậu côve, xà lách các loại…

Theo Giám đốc Võ Tiến Huy, HTX đang liên kết với người dân sản xuất theo hướng bảo hộ, nghĩa là thành viên HTX sẽ trực tiếp làm việc, hướng dẫn người nông dân sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Người trồng cũng phải cam kết thực hiện đúng quy trình chăm sóc cây trồng, quy định về sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Các quy trình canh tác của HTX phải được kiểm tra, giám sát nghiêm ngặt, bảo đảm sản phẩm sạch và tuyệt đối an toàn cho người tiêu dùng.

“HTX đạt được những thành tích sản xuất, kinh doanh như vậy là nhờ có sự quan tâm, hỗ trợ tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và các cơ quan, ban, ngành của tỉnh Lâm Đồng và huyện Đức Trọng. Đặc biệt, đã tạo điều kiện cho lãnh đạo, nhân viên HTX thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tập trung nghiên cứu thị trường để chủ động tìm kiếm đối tác, giải quyết đầu ra sản phẩm rau, củ, quả ổn định, đảm bảo đời sống thu nhập cho thành viên và người lao động, góp phần quan trong vào tiêu chí thu nhập trong xây dựng NTM”, ông Huy cho hay.

Đoàn Huyền

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//mo-hinh/buoc-tien-moi-trong-tien-trinh-xay-dung-nong-thon-moi-nang-cao-1091339.html