Bước vào thế giới của những kẻ mộng mơ

Với quan điểm không quá nặng nề trong việc định hình phong cách, họa sĩ Phạm Anh luôn chú ý vào sự 'tìm' trong quá trình lao động nghệ thuật, chiêm nghiệm, học hỏi, sáng tạo trau dồi về cả tư duy lẫn kỹ thuật....

Sau hơn 8 năm kể từ triển lãm cá nhân đầu tiên mang tên Tâm lành (2014), họa sĩ Phạm Anh sẽ trở lại với Kẻ mộng mơ. Triển lãm gồm 30 tác phẩm, ghi lại quá trình tám năm tìm tòi và sáng tạo nghệ thuật không ngừng nghỉ của họa sĩ Phạm Anh.

Chia sẻ về thông điệp của triển lãm, họa sĩ Phạm Anh cho rằng mỗi chúng ta từ trong sâu thẳm ai cũng có những mộng mơ. Nhưng cuộc sống thì luôn vận động và đầy biến cố.

Có những ước mơ là phép nhiệm màu, nhưng cũng có những ước mơ lại khiến chúng ta mất rất nhiều thứ, thậm chí đó là sự đánh đổi bản thân, thời gian, kinh nghiệm, vật chất... Và rồi thời gian chữa lành tất cả nhưng cũng hằn lên trong sâu thẳm của tâm hồn những vết sẹo đầy thương tích.

Họa sĩ Phạm Anh (bên trái) cùng chiêm ngưỡng tác phẩm với bạn bè.

Có những lúc chúng ta quằn quại như là ẩn náu chính mình, co quắp trong sự bí bách ràng buộc bởi cuộc sống, hay những giáo điều định sẵn. Cũng chính những lúc ấy lại khiến chúng ta càng muốn bứt phá để thoát ra khỏi thực tại, vươn lên và trỗi dậy một cách mạnh mẽ và đầy hy vọng. Hay có những lúc biến cố ập đến khiến chúng ta bất ngờ choáng váng. Đó là lúc chúng ta tìm cách nương náu, bấu víu hay đổ lỗi...

Nhưng với quan điểm của họa sĩ, chúng ta hãy đứng thẳng tĩnh tại để đối diện, tôi luyện bản lĩnh trước mọi tình huống, chấp nhận mọi điều có thể xảy ra. Ước mơ thì luôn đi với thách thức, và nếu chúng ta không vượt qua từng ngưỡng khó khăn trong cuộc sống, hay là sự trăn trở thậm chí đánh đổi của bản thân, thì sẽ không giấc mơ nào thành hiện thực.

Triển lãm Kẻ mộng mơ hình tượng hóa ước mơ, khát khao và hoài bão của con người trước những biến động và thử thách từ thế giới xung quanh. Các bức tranh lấy con người làm trung tâm. Giữa không gian tối giản, ngôn ngữ cơ thể được thể hiện rõ nét với bố cục đối xứng, qua đó tạo sự kịch tính song vẫn hài hòa, lãng mạn trong mỗi bức họa.

Một số tác phẩm tại triển lãm.

Các tác phẩm của họa sĩ Phạm Anh được lấy cảm hứng từ những câu chuyện cá nhân, những biến cố thăng trầm trong cuộc sống mà bản thân anh đã trải qua, cho đến những câu chuyện mang hơi thở truyền thuyết, giai thoại. Tất cả được mang vào tác phẩm một cách rất “đời”, gần gũi và chân phương.

Dù bút pháp và phong cách hội họa có sự dịch chuyển qua từng thời kỳ, hầu hết các tác phẩm của anh là sự kết hợp hài hòa giữa hai chủ nghĩa Siêu thực và Biểu hiện. Nghĩa là trong thời kỳ Biểu hiện đã có những mầm mống của Siêu thực và ngược lại trong Siêu thực có những yếu tố kết hợp với Biểu hiện. Đây cũng là một trong những trào lưu phổ biến của nghệ thuật đương đại trên thế giới.

Một tác phẩm tại triển lãm.

Không gian triển lãm tại V-Art Space.

Thế giới của những Kẻ mộng mơ đã chính thức khai mạc từ ngày 10.9 tại không gian của V-Art Space tại tầng 1 Ciputra Club (Khu đô thị Ciputra, Bắc Từ Liêm, Hà Nội) và diễn ra đến hết ngày 31.10. Đến với triển lãm, khán giả sẽ có cơ hội đắm mình vào những suy tư cùng với họa sĩ.

Họa sĩ Phạm Anh, sinh năm 1989. Anh tốt nghiệp cử nhân Hội họa, Trường Đại Học Nghệ thuật Huế. Kể từ đó, Phạm Anh chuyên tâm với sự nghiệp sáng tạo hội họa. Từ năm 2013 tới nay, họa sĩ đã tham dự hơn 10 triển lãm nghệ thuật cá nhân và tập thể tại Hà Nội và TP.HCM.

Tài năng và sự bền bỉ đã giúp Phạm Anh đạt được 2 giải thưởng danh giá: “Tác phẩm xuất sắc thường niên” của Hội Mỹ thuật Huế (2014) và giải thưởng vinh danh dành cho Nghệ sĩ của VCCA (2023).

Bài và ảnh: Mộc Trà

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/buoc-vao-the-gioi-cua-nhung-ke-mong-mo-40928.html