Các nhân chứng lịch sử bồi hồi nhớ lại quãng đường ký kết và thực thi Hiệp định Paris

Tại Lễ kỷ niệm 50 năm ký Hiệp định Paris, những nhân chứng đi qua thời kỳ bước ngoặt của lịch sử Việt Nam đã chia sẻ với Báo Thế giới & Việt Nam những câu chuyện đáng nhớ.

Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra ngày 17/1. (Ảnh: Tuấn Anh)

Lễ kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam diễn ra ngày 17/1. (Ảnh: Tuấn Anh)

Ngày 17/1, Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày ký Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam (27/01/1973-27/01/2023) do Bộ Ngoại giao tổ chức đã diễn ra tại Hà Nội. Buổi lễ kỷ niệm là dịp để tri ân và ghi nhớ sự cống hiến to lớn của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã trực tiếp chỉ đạo đàm phán, ký kết Hiệp định Paris, các thành viên đoàn đàm phán và đội ngũ cán bộ tham gia mặt trận đấu tranh ngoại giao và thực thi Hiệp định Paris; là sự ghi nhớ và biết ơn chân thành các nước xã hội chủ nghĩa, bạn bè quốc tế và nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới đã sát cánh ủng hộ, giúp đỡ nhân dân Việt Nam trong suốt cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Trả lời phỏng vấn bên lề sự kiện, bà Hélène Luc, Thượng nghị sĩ danh sự, Chủ tịch danh dự Hội Hữu nghị Pháp-Việt bày tỏ sự cảm động và vinh dự khi được gặp bà Nguyễn Thị Bình - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng phái đoàn Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam tại Hội nghị Paris.

Bà Hélène Luc chia sẻ: “Bà Nguyễn Thị Bình đã để lại những kỷ niệm không bao giờ phai tại Pháp… Bà nổi tiếng với tính cách nhẹ nhàng và dịu dàng, nhưng lại cứng rắn trước các đối thủ, đặc biệt là những người đến từ Mỹ… Lúc đầu, Mỹ không công nhận bà là đại diện cho Mặt trận Giải phóng miền Nam Việt Nam, nhưng bà đã phải chiến đấu để có được vị trí đó trên bàn đàm phán”.

Nhớ lại quãng thời gian ấy, bà Hélène Luc cho biết, bà Nguyễn Thị Bình cùng ông Xuân Thủy và ông Lê Đức Thọ đã kiên trì đấu tranh để có 4 bên ký kết trong bản Hiệp định. Theo bà Hélène Luc, các bên đã có thể ký hiệp định sớm hơn vào năm 1969 và 1971 nhưng do Mỹ “lật lọng” nên đã không đạt được thỏa thuận.

“Vào tháng 1/1972, khi quay lại Paris, ông Lê Đức Thọ rất tức giận về chuyện Mỹ ném bom vào Hà Nội (miền Bắc). Ngay lập tức, ông yêu cầu phía Mỹ phải ký Hiệp định Paris và một tháng sau, hiệp định đã được ký kết. Đây là một chiến thắng tuyệt vời của các chiến sĩ trên mặt trận, và cũng là chiến thắng của những người dân Việt Nam”, bà Hélène Luc nói.

Ông Huỳnh Văn Trình, nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả lời phỏng vấn của Báo Thế giới & Việt Nam tại Lễ kỷ niệm.

Ông Huỳnh Văn Trình, nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả lời phỏng vấn của Báo Thế giới & Việt Nam tại Lễ kỷ niệm.

Cũng tham dự trong buổi lễ sáng nay, ông Huỳnh Văn Trình, nguyên Vụ trưởng, nguyên thành viên Đoàn đàm phán Việt Nam Dân chủ Cộng hòa chia sẻ: “Tham dự sự kiện hôm nay tôi rất vui và hạnh phúc, dù tuổi già sức yếu nhưng vẫn cố gắng có mặt”.

Ông khẳng định, việc ký kết Hiệp định Paris là “thành quả của cuộc cách mạng lớn lao” bởi không có hiệp định này thì không có giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, cũng như không có hòa bình cho dân tộc Việt Nam. Ông cũng cho biết thêm, sự kiện này giúp củng cố lòng tin của các dân tộc, tin vào quyền tự quyết để giải phóng dân tộc mình.

Bên lề buổi lễ, ông Đinh Quốc Kỳ - nguyên sĩ quan liên lạc của Đoàn đại biểu quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, chia sẻ: “Sau khi ký Hiệp định Paris, thực hiện được mục tiêu 'đánh cho Mỹ cút', những người lính như chúng tôi đã đến làm nhiệm vụ thi hành Hiệp định tại Trại Davis, Tân Sơn Nhất, Sài Gòn để tiếp tục 'đánh cho ngụy nhào'”.

Tự hào về cột mốc lịch sử đáng nhớ của Việt Nam, ông Kỳ nhấn mạnh, Hiệp định Paris là một thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam sau nhiều năm chống Mỹ cứu nước. Ông cũng tỏ lòng biết ơn khi Bộ Ngoại giao tổ chức lễ kỷ niệm lần này, để ông có dịp được hội ngộ cùng đồng đội đã “kề vai sát cánh” năm xưa và ôn lại những kỷ niệm khó phai.

“Nhớ như in những năm tháng ấy”, ông Trương Việt Cường, thành viên Phái đoàn Liên hiệp quân sự bốn bên Trung ương thi hành Hiệp định Paris cho biết: “Những ngày sống trong Trại Davis, chống lại sự o ép từ phía Mỹ và chính quyền Sài Gòn, chúng tôi đã nỗ lực nhằm đảm bảo thi hành Hiệp định Paris một cách tốt nhất. Việc ký và thi hành Hiệp định Paris là dấu mốc quan trọng nhất giúp chúng ta tiến tới tổng tiến công, giải phóng miền Nam thống nhất đất nước”.

“Hôm nay tôi rất vui mừng khi được tham dự sự kiện để kỷ niệm mốc son lịch sử đã giúp Việt Nam giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước… Tôi mong người dân cả nước, nhất là các bạn trẻ, có thể tiếp nối truyền thống anh hùng của dân tộc, để giúp đất nước ngày càng phát triển, với niềm tin và khát vọng”, ông Trương Việt Cường chia sẻ.

Ông Phạm Vân Nghinh kể lại về quãng đường thực thi Hiệp định Paris đầy ý nghĩa cùng đồng đội. (Ảnh: Nguyễn Việt)

Ông Phạm Vân Nghinh kể lại về quãng đường thực thi Hiệp định Paris đầy ý nghĩa cùng đồng đội. (Ảnh: Nguyễn Việt)

Ông Phạm Vân Nghinh - quân y sĩ phụ trách bảo vệ sức khỏe của đoàn A Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ở Trại Davis, năm nay đã 84 tuổi vẫn một mình “lặn lội đường xa” từ Ninh Bình đến dự Lễ kỷ niệm.

Với niềm tự hào, ông cho biết: “Không có lời nào có thể tả cảm xúc của tôi… Đúng như lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã nói, chỉ có dân tộc Việt Nam anh hùng mới đánh thắng được mấy đế quốc… Nếu không ký được Hiệp định Paris thì chắc chắn đất nước mình không có được ngày hôm nay”.

Ông cũng hãnh diện khi khẳng định, Việt Nam từ một đất nước nghèo khó, “gạo không có mà ăn”, thì đến nay đã rất phát triển, thậm chí bây giờ đã có thể sản xuất được loại gạo ngon nhất thế giới. Ông bày tỏ sự tin tưởng, dưới sự lãnh đạo đúng đắn và sáng suốt của Đảng, Việt Nam sẽ tiến bước trên con đường phát triển.

Hạnh Lê

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cac-nhan-chung-lich-su-boi-hoi-nho-lai-quang-duong-ky-ket-va-thuc-thi-hiep-dinh-paris-213770.html