Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia: Việt Nam rộng đường tiếp cận thị trường vốn quốc tế

Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức 'Đầu tư', đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody's) hoặc BBB- (đối với S&P và Fitch). Phóng viên TBTCVN đã có cuộc trao đổi với ông Trương Hùng Long - Cục trưởng Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính), xung quanh đề án này.

PV: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) là đơn vị được giao xây dựng và triển khai thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm (XHTN) quốc gia. Ông nhận định thế nào về nhiệm vụ này, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình, sẽ dần phụ thuộc nhiều hơn vào vay thương mại, việc nâng bậc xếp hạng tín nhiệm quốc gia là thông điệp có ý nghĩa hết sức tích cực.

Ông Trương Hùng Long

Từ năm 2013 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án nâng cao định mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia, đồng thời ban hành quyết định về việc cung cấp thông tin và phối hợp thực hiện công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Trong hơn 8 năm triển khai đề án, Bộ Tài chính đã thay mặt Chính phủ phát triển quan hệ hợp tác giữa Việt Nam và cả 3 tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế lớn nhất là Moody’s, S&P và Fitch ngày càng tin cậy và bền vững hơn. Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước và quốc tế nhiều biến động và thách thức, hiệu quả công tác XHTN quốc gia liên tục được tăng cường, hệ số tín nhiệm và triển vọng xếp hạng của Việt Nam có nhiều cải thiện qua các năm.

Tính đến hết năm 2021, kết quả XHTN quốc gia của Việt Nam đối với tổ chức Moody’s ở mức Ba3 triển vọng Tích cực, nâng hai bậc; tổ chức Fitch ở mức BB triển vọng Tích cực, nâng hai bậc; tổ chức S&P nâng một bậc so với năm 2013, lên BB.

Trong giai đoạn tới, xét bối cảnh Việt Nam đã trở thành nước thu nhập trung bình và sẽ dần phụ thuộc nhiều hơn vào vay thương mại nước ngoài, việc cải thiện XHTN quốc gia sẽ giúp Chính phủ, doanh nghiệp, định chế tài chính và các tổ chức tín dụng đạt hiệu quả chi phí cao hơn khi huy động vốn vay hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường vốn quốc tế. Thực hiện mục tiêu tổng quát của Đảng và Nhà nước tại Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030 về việc “nâng cao vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế”, việc Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Nguồn: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) Đồ họa: Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại

Đề án đã đề ra mục tiêu, định hướng phấn đấu cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, qua đó được kỳ vọng sẽ tạo động lực tích cực theo từng ngành, lĩnh vực, tạo triển vọng cho việc cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong trung và dài hạn.

PV: Ông có thể cho biết những giải pháp trong việc cải thiện chỉ số XHTN quốc gia của Việt Nam đã xác định tại đề án này?

Ông Trương Hùng Long: Một số nhóm giải pháp chính nhằm hướng tới mức xếp hạng “Đầu tư” bao gồm: cải thiện chất lượng thể chế, quản trị, tăng cường công khai, minh bạch dữ liệu phù hợp với thông lệ quốc tế; xây dựng nền tài chính công vững mạnh, mở rộng cơ sở thu bền vững để cải thiện các chỉ số nợ và thúc đẩy củng cố tài khóa; cải thiện cơ cấu và chất lượng của khu vực ngân hàng và doanh nghiệp nhà nước để giảm rủi ro nghĩa vụ nợ dự phòng đối với ngân sách nhà nước.

Đề án còn đề ra giải pháp nhằm tăng cường hiệu quả, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xếp hạng tín nhiệm quốc gia, tăng cường hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm và các tổ chức quốc tế.

Cần cải thiện các yếu tố trọng tâm theo từng ngành, lĩnh vực

“Giai đoạn 10 năm tới đây, theo Bộ Tài chính, các bộ, ngành cần cải thiện các yếu tố trọng tâm theo từng ngành, lĩnh vực, tác động tích cực lên hệ số tín nhiệm quốc gia của Việt Nam, tạo triển vọng cho việc cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia, phù hợp với yêu cầu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ trong trung và dài hạn.” - Cục Trưởng Trương Hùng Long

Như vậy, để đạt được mục tiêu cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia lên mức “Đầu tư” cần có sự tham gia tích cực, phối hợp chặt chẽ của toàn bộ các ngành, lĩnh vực, phủ rộng các hoạt động về kinh tế, tài chính – tiền tệ, an sinh xã hội, chất lượng thể chế, quản trị, môi trường…

PV: Trong bối cảnh hiện nay, ngoài sức ép cạnh tranh từ các quốc gia đồng hạng khác, những biến động tiêu cực từ tình hình thế giới có tác động như thế nào đến chiến lược, mục tiêu nâng mức xếp hạng “Đầu tư” của Việt Nam, thưa ông?

Ông Trương Hùng Long: Trong bối cảnh kinh tế thế giới có nhiều biến động bất lợi, đại dịch Covid-19 và xung đột địa chính trị gây tác động tiêu cực tới kinh tế thế giới, làm gia tăng rủi ro và tiếp tục gây áp lực gián đoạn chuỗi cung ứng. Tăng trưởng kinh tế thế giới và thương mại, đầu tư quốc tế có xu hướng giảm; nợ công toàn cầu tăng, làm trầm trọng thêm rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế. Việc triển khai các gói cứu trợ với quy mô lớn, thông qua nới lỏng chính sách tài khóa, tiền tệ ở nhiều nước đang tạo ra áp lực lạm phát, bong bóng tài sản và nguy cơ bất ổn đối với các thị trường tài chính, bất động sản.

Đối với Việt Nam, việc duy trì môi trường hòa bình, ổn định chính trị, đảm bảo các cân đối vĩ mô trong giai đoạn vừa qua vẫn là những yếu tố thuận lợi căn bản, tạo niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp và người dân.

Mục tiêu nâng cao hệ số XHTN quốc gia là một quá trình thường xuyên, liên tục với tầm nhìn dài hạn nhằm giảm được chi phí huy động vốn, tăng cường uy tín quốc gia trên trường quốc tế và đáp ứng tốt hơn yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới. Vì vậy, Việt Nam vẫn kiên trì theo đuổi các chiến lược, mục tiêu đã đề ra tại Đề án cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

PV: Xin cảm ơn ông!

Mục tiêu cải thiện chỉ số xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam

Mục tiêu tổng quát của đề án là phấn đấu đến năm 2030 nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia lên mức “Đầu tư”, góp phần giảm chi phí huy động vốn, giảm mức rủi ro tín dụng quốc gia. Mục tiêu cụ thể tới năm 2030 đạt mức xếp hạng tín nhiệm từ Baa3 (đối với Moody’s) hoặc BBB - (đối với S&P và Fitch) trở lên.

Qua nghiên cứu phương pháp luận của các tổ chức XHTN, cả 3 tổ chức Moody’s, S&P và Fitch đều xem xét xếp hạng tín nhiệm quốc gia ở bốn nhân tố chính gồm có: năng lực thể chế (tỷ trọng từ 17 - 25%), hiệu quả hoạt động kinh tế và tiền tệ (tỷ trọng từ 22 - 42%), tài chính công gồm tài khóa và nợ công (tỷ trọng 18 - 30%) và tài chính đối ngoại (tỷ trọng 18 - 24%). Các nhân tố này được đánh giá trên phương diện định lượng và định tính, chấm điểm hồ sơ tín dụng để đưa ra mức xếp hạng tín nhiệm quốc gia.

Như vậy, để đạt được mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 Việt Nam đạt mức xếp hạng tín nhiệm “Đầu tư”, đề án đã đề xuất các chỉ tiêu cụ thể về tài khóa, tiền tệ, ngân hàng, xã hội, môi trường để cải thiện các nhân tố chính trong hồ sơ tín dụng.

Việc đạt định mức xếp hạng “Đầu tư” của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào việc tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ để hỗ trợ các chỉ số kinh tế và mở rộng cơ sở thu ngân sách bền vững nhằm hỗ trợ nền tảng tài khóa của Việt Nam. Trong thời gian tới, cải thiện hệ số tín nhiệm quốc gia hướng tới định mức “Đầu tư” nhiều khả năng sẽ phụ thuộc vào tốc độ cải thiện GDP bình quân đầu người so với các nước cùng mức xếp hạng; duy trì thành quả hiện tại trong việc bồi đắp tiềm năng tăng trưởng và duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định trong 5 - 10 năm tới.

Đức Minh (thực hiện)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/cai-thien-xep-hang-tin-nhiem-quoc-gia-viet-nam-rong-duong-tiep-can-thi-truong-von-quoc-te-104630.html