Cần chính sách đặc thù cho doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, an ninh, động viên công nghiệp - Bài 1: Những người thợ già và ước mơ vào quân ngũ

Doanh nghiệp quốc phòng, an ninh (QPAN), động viên công nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hết sức đặc thù nên cần có những quy định chính sách đặc biệt mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển, hội nhập và bảo vệ Tổ quốc trong mọi tình huống. Nhân dịp Quốc hội khóa XV chuẩn bị xem xét dự án Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp, Báo Quân đội nhân dân đã khảo sát ý kiến từ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này.

Trong bối cảnh hiện nay, các doanh nghiệp cạnh tranh ngày càng khốc liệt trong việc thu hút người giỏi, kể cả cán bộ điều hành, lao động trình độ cao và công nhân lành nghề. Doanh nghiệp công nghiệp QPAN thường hoạt động trong lĩnh vực độc hại, nguy hiểm; địa bàn hoạt động ở vùng sâu, vùng xa; chế độ bảo đảm chưa tương xứng và có sự khác biệt dù cùng vị trí việc làm, đang cần có những chính sách đột phá để giữ chân và thu hút người giỏi...

Lực lượng lao động đang ngày càng già hóa

Đến Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) trong ngày nắng cao điểm, dưới mái che nhà xưởng, những người thợ đeo mặt nạ phòng độc kín mít đang xoèn xoẹt hàn; mồ hôi ướt đẫm quần áo. Nhưng qua bàn tay họ, bộ khung vỏ của con tàu mới, cỡ lớn đang dần thành hình.

Đóng tàu là ngành nghề nặng nhọc, độc hại (Ảnh chụp tại Nhà máy Z189). Ảnh: CHIẾN THẮNG

“Nóng quá, anh nhỉ?", tôi hỏi người thợ hàn người bịt kín quần áo bảo hộ, trong tiếng máy ồn ào. Anh chia sẻ: “Hôm nay trời vẫn còn mát chán. Vào cao điểm nắng nóng mùa hè, đứng ở đây chẳng khác đứng bên một chiếc bếp khổng lồ khi nhiệt độ ngoài trời cao, cộng với nhiệt độ từ những mũi hàn vừa tỏa ra, lưu lại trên vật liệu thép thì còn kinh khủng hơn nhiều”. "Ngoài trang bị mặt nạ, thợ hàn ở đây còn phải mặc đồ bảo hộ lao động rất dày để chống nóng", Đại úy Nguyễn Văn Tới, Phó chủ nhiệm Chính trị Nhà máy Z173 đi cùng chúng tôi giải thích.

Nhưng những công nhân hàn vỏ này vẫn còn đỡ nóng hơn so với những công nhân đang làm việc trong khoang tàu, giữa trời nắng gắt ngay giữa sân nhà máy. Nhiệt độ trong khoang lúc này lên tới 40-50 độ C. Đại tá Trần Thế Sơn, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Đóng tàu Hồng Hà (Nhà máy Z173) cho biết, đóng tàu là ngành nghề vừa nặng nhọc vừa độc hại, trong khi thu nhập và tiền lương chưa thực sự hấp dẫn.

Do đặc thù ngành nghề nên có những lúc thợ hàn phải làm việc tăng ca để hàn xong vỏ tàu cho kịp tiến độ. Hiện quanh nhà máy có rất nhiều doanh nghiệp lớn với điều kiện làm việc tốt hơn, thu nhập cao và ổn định hơn. Vì thế, cạnh tranh nguồn nhân lực giữa nhà máy với các doanh nghiệp này rất khốc liệt, việc giữ chân lao động tại nhà máy hiện đang rất khó khăn.

Trong năm 2023 đã có khoảng 20 lao động của nhà máy xin chuyển việc ra ngoài. Không những khó thu hút lao động trẻ vào làm để kế cận, thay thế lao động chuẩn bị nghỉ hưu mà quân số hiện nay của nhà máy đã giảm tới 40% so với thời điểm nhà máy đông quân số nhất. Trong đó, đoàn viên, thanh niên nhà máy ngày càng ít, lực lượng lao động đang ngày càng già hóa.

Công nhân lao động nặng nhọc nên bước sang tuổi 40, sức khỏe bắt đầu giảm sút. Người lao động khi đã không còn đủ sức khỏe thì dù lòng nhiệt huyết của họ cao đến đâu cũng không thể kham nổi công việc như thời trai trẻ. Đó là một thách thức rất lớn với nhà máy hiện nay.

Khắc khoải những ước mong được vào quân ngũ

Gỡ xuống chiếc mặt nạ và chiếc mũ bảo hộ trùm kín từ đầu xuống cổ, trừ đôi mắt, anh Vũ Văn Quân (công nhân bậc 6/7, Nhà máy Z173) cho biết đã gắn bó với Nhà máy Z173 ngót 20 năm và luôn dành trọn tâm huyết với nhà máy. Ước mơ lớn nhất của anh là sớm được tuyển chọn làm công nhân, viên chức quốc phòng. Vì thế, dù bên ngoài đang có những lời mời gọi rất hấp dẫn về chế độ đãi ngộ nhưng anh vẫn quyết định gắn bó với Nhà máy 173, chờ một ngày ước mơ của mình sẽ trở thành hiện thực.

20 năm qua, anh Quân luôn ấp ủ ước mơ trở thành công nhân, viên chức quốc phòng. Còn những người đã trở thành công nhân, viên chức quốc phòng trong nhà máy lại ước ao và luôn nỗ lực phấn đấu để được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp, được chính thức “đeo sao, đội mũ”. Ước mơ nối tiếp ước mơ, hoài bão nối tiếp hoài bão, những lớp người lao động trong các doanh nghiệp quốc phòng vẫn tiếp nối nhau một tình yêu vô bờ với màu áo xanh của người lính thợ, với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận công nghiệp - kinh tế.

Công nhân cơ khí tại Nhà máy Z117. Ảnh: CHIẾN THẮNG

Tình yêu của họ như thế, nhưng quyền lợi của họ đang có sự khác biệt không nhỏ với những người được chuyển thành công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp. Đây là nỗi trăn trở lớn nhất của tất cả lãnh đạo, chỉ huy các công ty, nhà máy mà đoàn chúng tôi đến khảo sát thực tế, cũng là nỗi khắc khoải lớn nhất của hàng vạn công nhân, người lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng.

Trong điều kiện bình thường, cùng một vị trí việc làm nhưng chế độ, chính sách dành cho lao động hợp đồng khác rất nhiều với công nhân, viên chức quốc phòng, càng khác nhiều so với quân nhân chuyên nghiệp, từ đơn giá tiền lương cho tới chế độ về bảo hiểm y tế (bảo hiểm cho bản thân và bảo hiểm cho người thân), bảo hiểm xã hội...

Đại tá Lý Thanh Minh, Phó giám đốc sản xuất Công ty TNHH MTV Cơ khí hóa chất 13 (Nhà máy Z113) cho biết, vì chỉ tiêu tuyển chọn công nhân, viên chức quốc phòng, quân nhân chuyên nghiệp rất ít, mỗi năm chỉ được vài người, nên tiêu chí tuyển chọn rất cao. Nhà máy vừa có đợt tuyển chọn theo định biên 7 đồng chí từ hàng nghìn lao động hợp đồng dài hạn thành công nhân, viên chức quốc phòng.

Vì thế, tiêu chí của đợt tuyển chọn này là công nhân có trình độ thợ bậc 7, có 10 năm đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua hoặc đạt danh hiệu thợ giỏi toàn quân. Với tiêu chí rất cao như thế, có người cống hiến tại nhà máy 20-30 năm mới được tuyển chọn trở thành công nhân, viên chức quốc phòng.

Bên cạnh chế độ định biên, các doanh nghiệp quốc phòng cũng đều bày tỏ mong muốn có cơ chế đặc thù trong việc chi trả lương, thưởng cho người lao động. Đại tá Nguyễn Phi Trường, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Công ty TNHH MTV Cơ khí chính xác 29 (Nhà máy Z129) kể với chúng tôi về nỗi tiếc nuối đầy day dứt khi không giữ nổi một cán bộ trẻ được Quân đội cử đi học và đã tốt nghiệp đại học bách khoa loại giỏi.

"Sau khi ra trường, về đơn vị nhận nhiệm vụ, cậu kỹ sư ấy bị “sốc” trước điều kiện lao động trong doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng, thu nhập lại không cao nên đã rời đơn vị để ra ngoài làm việc. Cậu ấy để lại bức thư xin lỗi Quân đội, xin lỗi chỉ huy đơn vị bởi không thể tiếp tục ở lại cống hiến. Vì hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, cậu ấy cần một công việc có mức thu nhập đủ cao để trang trải cho gia đình. “Trong thư, cậu ấy hứa nếu không may đất nước xảy ra chiến tranh, cậu ấy sẽ xin được quay trở lại phục vụ Quân đội, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc”, Đại tá Nguyễn Phi Trường cho biết.

Đơn giá tiền lương của thợ bậc 4/7 chỉ có 217.000 đồng/ngày công, trong khi cũng lao động ấy ở doanh nghiệp ngoài có thể được trả gấp 3-4 lần. Hay một kỹ sư mới ra trường dẫu được phong ngay quân hàm trung úy cũng chỉ có mức lương khoảng 8 triệu đồng/tháng, trong khi nếu làm việc cho doanh nghiệp bên ngoài, họ có thể nhận mức lương vài chục đến hàng trăm triệu đồng. Đây là những ví dụ rất thực tế cho thấy nếu không có cơ chế đặc thù về chính sách tiền lương, các doanh nghiệp công nghiệp quốc phòng sẽ không thể thu hút và giữ chân người giỏi.

Thực tế cho thấy đã xuất hiện bất cập trong chính sách thu hút, giữ chân người giỏi tại các doanh nghiệp công nghiệp QPAN. Các doanh nghiệp QPAN đang trông chờ sẽ có những chính sách đặc thù khi Quốc hội xem xét, ban hành Luật Công nghiệp QPAN và động viên công nghiệp để họ có thể hóa giải được khó khăn, giúp cho cuộc sống, chế độ của đội ngũ công nhân được cải thiện...

(còn nữa)

GIA MINH - CHIẾN THẮNG

----------

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/can-chinh-sach-dac-thu-cho-doanh-nghiep-cong-nghiep-quoc-phong-an-ninh-dong-vien-cong-nghiep-bai-1-nhung-nguoi-tho-gia-va-uoc-mo-vao-quan-ngu-750336