Cần có hành động mạnh mẽ hơn để bảo vệ trái đất của chúng ta

Nhân Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất năm nay (22/4/2022), Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã nêu bật cuộc khủng hoảng chồng chất mà thế giới cùng lúc phải đối mặt về biến đổi khí hậu, sự biến mất của môi trường tự nhiên và ô nhiễm, để từ đó kêu gọi con người cần có những hành động mạnh mẽ hơn

Trái đất đang đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Getty)

Tổng thư ký Liên hợp quốc nhấn mạnh, ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất hàng năm là dịp để suy nghĩ về cách nhân loại đã đối xử với hành tinh. Và sự thật là chúng ta chỉ là những người trông coi “xao lãng” với ngôi nhà mong manh của chính mình.

"Trái Đất đang phải đối mặt với 3 cuộc khủng hoảng cùng lúc, đó là: Biến đổi khí hậu, sự mất đi của môi trường tự nhiên và đa dạng sinh học, tình trạng ô nhiễm và chất thải. Điều này đang đe dọa hạnh phúc và sự tồn tại của hàng triệu người trên thế giới” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Theo ông Guterres thì hiện "các trụ cột" của cuộc sống hạnh phúc, lành mạnh gồm nước sạch, không khí trong lành, khí hậu ổn định có thể dự đoán đang bị xáo trộn và khiến các Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) bị thách thức.

Hy vọng chưa bị dập tắt, song chúng ta cần hành động nhanh và nhiều hơn nữa

Tuy nhiên, hy vọng chưa phải đã bị dập tắt. Ông Guterres nhắc lại 50 năm trước, thế giới đã cùng tham dự Hội nghị Stockholm và mở ra sự khởi đầu của phong trào môi trường toàn cầu. “Kể từ đó, chúng ta đã được chứng kiến những điều có thể khi chúng ta hành động thống nhất" – người đứng đầu Liên hợp quốc nêu rõ.

Cụ thể, ông Guterres chỉ ra rằng, chúng ta đã thu nhỏ lỗ thủng tầng ozon, mở rộng các biện pháp bảo vệ động vật hoang dã và hệ sinh thái, chấm dứt sử dụng nhiên liệu pha chì, ngăn chặn hàng triệu ca tử vong sớm. Mới tháng trước, một nỗ lực toàn cầu mang tính bước ngoặt nhằm ngăn chặn và chấm dứt ô nhiễm nhựa đã được khởi động. Từ những minh chứng đó, Tổng thư ký Liên hợp quốc tin rằng, con người có thể cùng nhau giải quyết được những thách thức lớn, và đi cùng với đó là sự hình thành của quyền được hưởng một môi trường lành mạnh. Tuy nhiên, chúng ta phải hành động nhiều hơn và nhanh hơn nữa, đặc biệt là để đảo ngược thảm họa khí hậu đang diễn ra.

“Chúng ta phải hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C. Để duy trì được mục tiêu này, các chính phủ phải cắt giảm lượng khí thải 45% vào năm 2030 và trung hòa CO2 vào năm 2050. Các quốc gia phát thải chính phải cắt giảm đáng kể lượng khí thải bắt đầu từ năm nay” – người đứng đầu Liên hợp quốc nói.

Bên cạnh đó, ông Guterres cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy sử dụng năng lượng tái tạo sạch. Ông kêu gọi: “Chúng ta phải nhanh chóng đầu tư cho sự thích ứng và phục hồi, đặc biệt là đối với những người nghèo nhất và dễ bị tổn thương nhất, song lại vốn chỉ đóng vai trò là một phần ít nguyên nhân gây ra khủng hoảng”.

Đề cập tới cuộc họp Stockholm + 50 dự kiến diễn ra vào tháng 6 tới, người đứng đầu Liên hợp quốc nhấn mạnh: “Hãy đảm bảo rằng các nhà lãnh đạo của chúng ta mang theo tham vọng và hành động cần thiết để giải quyết khủng hoảng mà hành tinh đang gặp phải. Bởi vì chúng ta chỉ có một Mẹ Trái Đất. Chúng ta phải làm mọi thứ có thể để bảo vệ Mẹ Trái Đất".

Stockholm + 50 là cuộc họp quốc tế do Đại hội đồng Liên hợp quốc triệu tập, sẽ diễn ra tại Thụy Điển từ ngày 2-3/6. Sự kiện này sẽ mang lại cơ hội cho các quốc gia và các bên hợp tác, chia sẻ chuyên môn và giải quyết các vấn đề phức tạp để hướng tới các hành động khẩn cấp và thay đổi hệ thống lâu dài.

Chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất năm nay là “Đầu tư cho hành tinh của chúng ta”

Chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất năm nay là “Đầu tư cho hành tinh của chúng ta” . (Ảnh: rvasia.org)

Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất lần đầu tiên được tổ chức vào ngày 22/4/1970 theo đề xuất của nhà hoạt động vì hòa bình John Mc Connell nhằm tôn vinh Mẹ Trái Đất và khái niệm hòa bình trong một hội nghị của UNESCO ở San Francisco. Đáng chú ý, trước đó, Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất đã được quyết định tổ chức vào ngày 21/3/1970, là ngày đầu tiên của mùa xuân ở Bắc bán cầu.

Sau đó, Thượng nghị sĩ Mỹ Gaylord Nelson đề xuất tổ chức ngày nâng cao nhận thức về môi trường trên toàn quốc vào ngày 22/4/1970 và sau này được đổi tên thành Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất. Ban đầu, Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất chỉ được chú ý tại Mỹ cho đến khi một tổ chức đã được thành lập bởi Denis Hayes, nguyên là điều phối viên toàn quốc năm 1970, đưa ngày này lên tầm quốc tế vào năm 1990 và tổ chức các sự kiện ở 141 quốc gia.

Ngày Quốc tế Mẹ Trái đất (22/4 hàng năm) là dịp để mọi người nâng cao nhận thức về sự “sức khỏe” của trái đất và khuyến khích mọi người hành động trách nhiệm để bảo vệ môi trường, nhất là khi mà cuộc khủng hoảng khí hậu toàn cầu đang diễn ra ngày càng sâu sắc. Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất năm nay sẽ đánh dấu kỷ niệm 52 năm kể từ khi được thành lập vào năm 1970. Chủ đề của Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất năm 2022 là “Đầu tư cho hành tinh của chúng ta”.

Năm 2021, Giáo hoàng Francis đã kỷ niệm Ngày Quốc tế Mẹ Trái Đất bằng một thông điệp trực tuyến nhằm kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới "hãy can đảm hành động, làm việc với công lý và luôn nói ra sự thật để mọi người biết cách tự bảo vệ mình trước sự hủy diệt của hành tinh cũng như cách bảo vệ hành tinh khỏi sự hủy diệt mà nhiều lần chúng ta gây ra".

Mẹ Trái Đất đang thúc giục chúng ta hành động. Môi trường đang bị ảnh hưởng - các đại dương đang chìm trong rác thải nhựa và đang bị axit hóa ngày càng nghiêm trọng, các đợt nóng cực đoan, cháy rừng và lũ lụt, cùng mùa bão khắc nghiệt ở Đại Tây Dương… Tất cả những điều này ảnh hưởng đến hàng triệu người. Chúng ta đang trên bờ vực của một mối đe dọa hiện hữu.

Trái đất được coi là một thực thể sống và là nơi mang lại sự sống cho con người. Môi trường đang trở nên rất quan trọng vì nó cung cấp cho chúng ta thức ăn và nước uống để duy trì sự sống. Cuộc sống và hạnh phúc của chúng ta phụ thuộc vào chính hành tinh này. Vì lẽ đó, chúng ta có trách nhiệm thiêng liêng là chăm sóc và bảo vệ cho trái đất./.

T.Lan (Theo UN, Xinhua)

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/the-gioi/tin-tuc/can-co-hanh-dong-manh-me-hon-de-bao-ve-trai-dat-cua-chung-ta-608606.html