CẦN HIỆN THỰC HÓA CÁC CHÍNH SÁCH BẢO VỆ SỨC KHỎE TÂM THẦN TRẺ EM TRONG BỐI CẢNH DỊCH BỆNH

Dịch bệnh Covid-19 để lại nhiều tác động lên toàn xã hội, đặc biệt đã làm ảnh hưởng đến tâm lý của đối tượng trẻ em khi thời gian dài phải học trực tuyến, ít được tiếp xúc xã hội. Nhiều đại biểu Quốc hội và chuyên gia cho rằng cần nhận thức rõ vấn đề và có các giải pháp tổng thể, toàn diện để hiện thực hóa chính sách bảo vệ tâm thần trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh.

Cần có các giải pháp tổng thể, toàn diện để hiện thực hóa chính sách bảo vệ tâm thần trẻ em trong bối cảnh dịch bệnh

Dịch bệnh Covid-19 để lại nhiều tác động lên toàn xã hội, không chỉ gây ra những mất mát rõ ràng về người và của, mà còn làm trầm trọng thêm gánh nặng tinh thần và các vấn đề tâm lý của nhiều người, đặc biệt với đối tượng là trẻ em khi đời sống sinh hoạt, giao tiếp xã hội của các em không được tiến hành trong môi trường bình thường. Vấn đề tâm lý học đường hiện nay đang gặp thách thức lớn trong bối cảnh dịch bệnh, tuy nhiên trong thực tế, công tác chăm sóc tâm lý mới chỉ dừng ở mức độ “quan tâm”. Nguồn lực, sự đầu tư chưa đủ khiến cho các công tác chăm sóc tâm lý học đường còn hình thức, chưa hiệu quả.

Chia sẻ về những chính sách liên quan đến vấn đề này, đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ cho biết, Chính phủ đã có Nghị định 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường học tập lành mạnh, phòng chống bạo lực họ đường; Thông tư 31/2017/TT-BGDĐT về công tác tư vấn tâm lý học đường cho học sinh Trung học phổ thông; Thông tư 33/2018/TT-BGDĐT hướng dẫn về công tác giáo dục trong nhà trường. Tuy vậy, theo đại biểu, việc triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trên chưa đạt được hiệu quả mang tính toàn diện. Hầu như các trường đều có tổ tư vấn học đường do một người trong ban giám hiệu phụ trách, nhưng khả năng tư vấn học đường của các thầy cô còn hạn chế vì hầu như các thầy cô không được đào tạo về chuyên ngành tâm lý. Hơn nữa trong hoàn cảnh dịch bệnh, môi trường học đường trở nên phức tạp, việc dạy trực tuyến xen lẫn dạy online khiến các thầy, cô giáo bị quá tải công việc, khiến công tác tư vấn tâm lý không hiệu quả. Ngoài ra, kinh phí ở các nhà trường chi cho những hoạt động này còn hạn chế, trong khi việc tư vấn học đường là vấn đề phức tạp, cần sự hỗ trợ của các chuyên gia.

Bàn về việc giải quyết các vấn đề tâm lý cho đối tượng trẻ nhỏ từ 6-7 tuổi, đại biểu Hà Ánh Phượng nhấn mạnh đây là giai đoạn đặc biệt quan trọng khi trẻ vừa rời trường Mẫu giáo, bắt đầu học phép tắc, nội quy. Đại biểu cho rằng gia đình, cha mẹ nên đồng hành thấu hiểu con, dành nhiều thời gian cho con hơn, cùng với đó, trường học nên giảm bớt yêu cầu về thành tích với các bé.

Đại biểu Hà Ánh Phượng - Đoàn ĐBQH tỉnh Phú Thọ

Đại biểu Hà Ánh Phượng chỉ rõ các nhóm giải pháp để giải quyết vấn đề tâm lý cho trẻ, bao gồm xây dựng môi trường lành mạnh hạnh phúc, chống bạo lực học đường, tạo nhiều cơ hội để các em được học, thực hành nhiều hơn về kỹ năng sống, đặc biệt trong bối cảnh học online, khi nhiều bạn nhỏ trở nên ngại giao tiếp. Bên cạnh đó, cần nâng cao kỹ năng chuyên môn về tư vấn học đường cho đội ngũ giáo viên, hoặc có cán bộ chuyên về tư vấn tâmm lý học đường để giúp các em vượt qua các khó khăn tâm lý trong hoàn cảnh đặc biệt này.

Cùng chia sẻ quan điểm trên, Chuyên gia tâm lý Đỗ Thùy Dương, Trung tâm TalentPool cho rằng công tác tư vấn tâm lý học đường vẫn còn gặp nhiều vướng mắc và chưa được quan tâm đúng mức. Các em ngại bước chân vào phòng tư vấn tâm lý, không dễ mở lòng với các chuyên gia hay thậm chí là thầy, cô chủ nhiệm. Theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý, do ảnh hưởng của việc học online và sử dụng thiết bị công nghệ hàng ngày, thời gian dành cho gia đình và dành cho công nghệ bị mất cân bằng. Ngay cả trẻ tiểu học cũng đã bị thiếu vắng đi trí tuệ cảm xúc do các em ít được kết nối bằng cảm xúc với gia đình. Quan trọng hơn, trẻ tiểu học không nhận diện được những dấu hiệu của sức khỏe tinh thần, và vấn đề này cũng không được các bậc phụ huynh chú trọng.

Chuyên gia tâm lý Đỗ Thùy Dương cho rằng cần nghiên cứu vấn đề từ nhiều khía cạnh để tạo ra sự thay đổi tích cực. Cụ thể, gia đình cần cho các em tình yêu thương, sự trải nghiệm nhận biết thế nào là sức khỏe tinh thần; Nhà trường cần chuẩn bị sẵn sàng cho các em sự hỗ trợ về mặt tư vấn; Cộng đồng cần bớt phán xét các em dựa trên các thành tích học tập.

Theo Chuyên gia tâm lý Đỗ Thùy Dương, cần có xây dựng tổng thể các giải pháp dành cho nhà trường như: khung năng lực dành cho giáo viên, sổ tay tư vấn tâm lý học đường. Cùng với nhà trường, các tổ chức xã hội cần cung cấp cho phụ huynh đủ thông tin và nhận thức để các bậc cha mẹ biết được cơ sở hỗ trợ khi gặp vấn đề với con trẻ. Ngoài ra, cần khuyến khích học sinh chủ động liên hệ khi gặp những vấn đề về tâm lý học đường thông qua những ấn phẩm truyền thông, để giúp các em vượt qua thách thức và các vấn đề tâm lý khi dịch bệnh còn có diễn biến phức tạp./.

Minh Hùng

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=63370