Cần kiên quyết mạnh tay với 'ma men'

Trong thời gian ngắn, cả nước xảy ra hàng loạt vụ tai nạn giao thông làm nhiều người thương vong. Đáng nói, các vụ tai nạn này đều do 'ma men' cầm lái.

Trong thời gian ngắn, trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông làm nhiều người thương vong. Điều đáng nói, các vụ tai nạn này đều do “ma men” cầm lái. Mới đây nhất, chiều ngày 12/11, tại TP. Hồ Chí Minh xảy ra một vụ tai nạn giao thông trên đường Nguyễn Văn Tăng, TP Thủ Đức khiến 1 người chết, 2 người bị thương.

Kết quả kiểm tra của cảnh sát cho thấy có nồng độ cồn trong máu tài xế điều khiển ô tô gây tai nạn. Làm việc với Công an TP Thủ Đức, tài xế Phạm Cao Trí, 39 tuổi, khai vừa nhậu với các bạn. Trước khi tông vào hàng loạt xe, xe của tài xế này va chạm với một ô tô khác nên không làm chủ được tốc độ.

Trước đó, ngày 15/10, tại Bình Dương, ông Huỳnh Thanh Bàng (49 tuổi) điều khiển ô tô chạy theo hướng đường Lý Thái Tổ đến Võ Văn Kiệt (TP. Thủ Dầu Một, Bình Dương). Khi ngang qua đường Huỳnh Văn Lũy, phường Hòa Phú, ô tô bất ngờ lao lên vỉa hè, tông trúng nhóm người ngồi trên xe máy đợi đón con học thêm.

Cú tông mạnh làm 5 xe máy hư hỏng, nằm la liệt kéo dài một đoạn chừng 20m. Bốn phụ huynh chấn thương ở tay, chân được đưa đi cấp cứu, còn ông Trần Văn Long (60 tuổi) bị húc văng 10m, tử vong tại chỗ.

Một vụ tai nạn do tài xế "ma men" gây ra trong tối 20/11 tại TP. Hồ Chí Minh

Thực tế, từ nhiều năm qua, câu khẩu hiệu gần như đã nằm lòng với người dân Việt Nam khi tham gia lưu thông "Đã uống rượu bia thì không lái xe". Thế nhưng, không phải ai cũng có ý thức về việc này, nhiều người còn cho rằng mình đủ tỉnh táo sau khi uống rượu, bia nên vẫn điều khiển xe trở về cơ quan hay nhà riêng sau cuộc nhậu.

Tại Việt Nam, rượu bia là một trong ba nguyên nhân hàng đầu làm gia tăng tỉ lệ tai nạn giao thông ở nam giới từ 15 - 49 tuổi. Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia năm 2022, khoảng 40% số vụ tai nạn giao thông và 11% số người chết có liên quan rượu bia. Thống kê cũng cho thấy, trong số 100 nạn nhân tử vong do tai nạn giao thông liên quan đến rượu bia thì độ tuổi từ 15 - 29 chiếm gần 60%.

Riêng tại TP. Hồ Chí Minh, trong 9 tháng đầu năm nay Cảnh sát giao thông đã phát hiện 93.507 trường hợp vi phạm nồng độ cồn; trong đó, có 421 xe ô tô và 93.086 xe máy, tước giấy phép hơn 93.500 trường hợp. Đại diện Phòng CSGT Công an TP. Hồ Chí Minh nhấn mạnh, việc điều khiển phương tiện trong trạng thái say xỉn là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, để lại những hậu quả nặng nề, thương tâm.

Một thời, TP. Hồ Chí Minh từng rất mạnh tay trong việc kiểm tra, xử phạt vi phạm về nồng độ cồn. Báo chí và dư luận từng vui mừng khi lực lượng chức năng quyết liệt, xử lý thẳng tay sẽ khiến "ma men" hết hoành hành. Nhiều chủ quán nhậu còn sẵn sàng bố trí phương tiện để đưa các khách nhậu về nhà. Tuy nhiên, tình hình này chỉ tạm lắng xuống trong một thời gian ngắn, rồi nhanh chóng tái diễn. Nhiều người bất chấp, điều khiển ô tô và xe máy mặc dù nồng độ hơi thở vượt ngưỡng cho phép. Tất nhiên cũng có trường hợp bị cảnh sát giao thông kiểm tra, đo nồng độ cồn, xác định lỗi và xử phạt, song số người "lọt lưới" cũng không phải ít.

Mặc dù, tất cả các vụ án say xỉn lái ô tô tông chết người chỉ dừng lại ở mức án rất thấp với tội danh “Vi phạm quy định về tham gia giao thông đường bộ” dù vụ nào cũng gây ra án mạng.

Ví dụ như vụ tai nạn do Nguyễn Thị Nga gây ra làm chết một người và làm bị thương nhiều người ở ngã tư Hàng Xanh, TP. Hồ Chí Minh xảy ra năm 2018, nhưng mức án chỉ 3 năm 6 tháng tù.

Có thể nói rằng, điều khiển xe khi đã uống rượu bia, gây tai nạn là đem đến hậu quả nặng nề cho gia đình và xã hội. Do vậy, để ngăn chặn tình trạng này, cần phải có sự thay đổi, tăng mức chế tài, tăng hình phạt đối với những người uống rượu bia lái xe, kể cả chưa gây ra tai nạn, hoặc gây tai nạn chưa chết người.

Nhiều nước xử rất nặng hành vi này, như Nhật Bản, tài xế say rượu gây tai nạn có thể bị kết án tối đa 20 năm tù giam trong trường hợp gây chết người hoặc 15 năm tù giam trong trường hợp không gây chết người. Từ tháng 4/2019, Thái Lan đã yêu cầu cảnh sát buộc tội giết người đối với các tài xế say rượu gây tai nạn chết người. Theo luật hình sự Thái Lan, tội giết người có thể đối mặt với án tử hình, chung thân hoặc 15-20 năm tù.

Bên cạnh chế tài xử lý của cơ quan chức năng, mỗi người dân cần nâng cao ý thức khi tham gia giao thông, chấp hành nghiêm túc việc đã uống rượu bia thì không lái xe để góp phần đẩy lùi tình trạng “ma men” gây tai nạn giao thông.

Hà Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/can-kien-quyet-manh-tay-voi-ma-men-287515.html