Ứng phó nắng nóng cho gia súc, gia cầm

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện, sở đang triển khai khẩn cấp các biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn gia sức gia cầm (GSGC) đến tận các địa phương, hộ chăn nuôi. Đáng chú ý là các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho GSGC và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Nuôi nhốt chuồng, kết hợp tăng cường thức ăn xanh

Tại các trang trại vùng rú cát Quảng Điền, Phú Vang hay vùng núi Nam Đông, A Lưới... chủ trang trại đang tích cực triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn GSGC. Ngoài sửa chữa chuồng trại, mở toang tất cả các cửa chuồng, nhiều chủ trang trại còn tắm mát thường xuyên, những lúc nóng cao điểm còn gắn thêm quạt điện cho đàn vật nuôi.

Ông Nguyễn Thuận, chủ trang trại trên rú cát Quảng Điền bảo, nắng nóng gay gắt có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe của đàn lợn, gà. Khi sức khỏe giảm, không ổn định thì đàn GSGC có khả năng xảy ra dịch bệnh, chết. Chuồng trại lợn, gà của ông Thuận luôn dự trữ đầy đủ nguồn thức ăn dinh dưỡng như cám, bột ngô, các loại thức ăn chất lượng, vitamin… Ông Thuận sẵn sàng trích kinh phí để mua thêm quạt điện dự phòng làm mát cho đàn lợn, gà khi nắng nóng gay gắt.

Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quảng Điền, ông Phan Văn Lự thông tin, từ đầu mùa nắng nóng đến nay, ngành nông nghiệp huyện phối hợp với các địa phương tích cực tuyên truyền, hướng dẫn nông dân các biện pháp ứng phó nắng nóng cho đàn GSGC. Trong đó, lưu ý các hộ chăn nuôi luôn cảnh giác, không chủ quan lơ là với nắng nóng, cảnh báo nguy cơ GSGC ốm chết, dịch bệnh bất cứ lúc nào. Từ đó, giúp người dân nâng cao nhận thức, triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng cho đàn GSGC một cách bài bản, theo quy định.

Thời điểm nắng nóng gay gắt, các hộ nuôi lùa đàn trâu, bò về chuồng, hoặc những nơi có bóng mát tránh nắng, kèm theo dự trữ nguồn thức ăn xanh, giàu dinh dưỡng. Tuy nhiên, ngành nông nghiệp huyện Quảng Điền vẫn không chủ quan, lơ là mà luôn chủ động, tích cực kiểm tra, bám cơ sở để giúp dân triển khai các biện pháp ứng phó với nắng nóng. Mục tiêu không để thiệt hại đến đàn vật nuôi do nắng nóng gay ra.

Theo dự báo của Trung tâm Khí tượng Thủy văn Quốc gia, tình hình thời tiết nắng nóng đã và đang diễn biến phức tạp có nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sản xuất chăn nuôi. Thời gian tới, thời tiết tiếp tục có nắng nóng đặc biệt gay gắt với nhiệt độ cao nhất phổ biến từ 39-420C, có nơi trên 420C, độ ẩm tương đối thấp nhất phổ biến từ 30-40%. Đây là điều kiện bất lợi làm giảm sức đề kháng cho vật nuôi và có thể bị chết do cảm nắng, cảm nóng, gây thiệt hại về kinh tế cho sản xuất chăn nuôi.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, từ đầu tháng 5, sở đã triển khai các biện pháp phòng, chống nắng nóng và dịch bệnh cho đàn GSGC đến tận các địa phương, hộ chăn nuôi. Đáng chú ý là các biện pháp, kỹ thuật chữa cảm nắng, cảm nóng cho GSGC và đảm bảo an toàn dịch bệnh cho đàn vật nuôi.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh phân công cán bộ kiểm tra, hướng dẫn chủ hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp phòng, chống nắng nóng, tiêm vắc-xin bổ sung cho đàn GSGC mới, hoặc chưa được tiêm trong vụ xuân. Các địa phương, hộ nuôi chủ động triển khai vệ sinh, tiêu độc khử trùng định kỳ hàng tháng, trong đó tăng cường thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường chăn nuôi, các cơ sở giết mổ, nơi chôn hủy động vật mắc bệnh và những nơi có nguy cơ dịch bệnh cao.

Cán bộ thú y tổ chức kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y đảm bảo cung cấp thực phẩm an toàn cho người tiêu dùng. Đồng thời, kiểm tra, giám sát tình hình dịch bệnh, đặc biệt chú ý đối với các bệnh nguy hiểm như dịch tả lợn châu Phi, lở mồm long móng, viêm da nổi cục trâu, bò và cúm gia cầm để chủ động phát hiện và xử lý kịp thời, không để lây lan ra diện rộng.

Trong điều kiện nắng nóng gay gắt như hiện nay, ngành chăn nuôi - thú y đang tích cực tổ chức hướng dẫn các cơ sở chăn nuôi GSGC áp dụng biện pháp làm mát khu vực chăn nuôi, chuồng trại được sửa chữa, xây dựng cao thoáng, sạch sẽ, che hướng nắng. Khi nhiệt độ cao trên 36oC phải có quạt mát, hoặc phun nước lên mái chuồng để hạ bớt nhiệt, kết hợp giảm mật độ nuôi.

Các hộ nuôi phải chế biến, dự trữ thức ăn để cho ăn bổ sung, tăng cường khẩu phần thức ăn xanh và các loại thức ăn giàu vitamin, giàu đạm. Trong khi đó, cần giảm tinh bột, mỡ, đường, áp dụng khẩu phần ăn làm giảm tăng nhiệt cơ thể cho vật nuôi. Tại chuồng nuôi luôn cung cấp đủ nước sạch, mát có bổ sung chất điện giải và bổ sung các loại vitamin, đặc biệt là vitamin C cho GSGC uống để tăng sức đề kháng và giải nhiệt.

Đối với các trang trại, cơ sở nuôi quy mô lớn phải lắp các thiết bị van nước tự động để luôn cấp đủ nước sạch cho GSGC uống nếu có điều kiện. Đối với trâu, bò, dê nên chăn thả vào buổi sáng từ 6-9 giờ sáng, buổi chiều chăn thả muộn từ 16-18 giờ chiều. Những ngày nắng nóng, thời điểm nhiệt độ thường cao nhất là từ 12 giờ đến 16 giờ trong ngày thì không chăn thả và cho trâu, bò nghỉ làm việc, mà phải nhốt tại chuồng, hoặc tại các khu vực có bóng mát, cây xanh và có nước uống sạch…

Bài, ảnh: Thế Sửu

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://baothuathienhue.vn/kinh-te/ung-pho-nang-nong-cho-gia-suc-gia-cam-140658.html