Cần lắm đạo đức công vụ

Bộ Nội vụ đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Nghị định của Chính phủ ban hành Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ. Một trong những nội dung được nhiều người quan tâm, đó là: 'Là cơ sở thực hiện việc giám sát, đánh giá đạo đức của cán bộ, công chức, viên chức; là căn cứ để cơ quan, người có thẩm quyền xem xét, quyết định việc đánh giá, xếp loại, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật'.

Trong thời gian qua, Chính phủ đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng văn hóa công vụ, tạo ra đội ngũ cán bộ, công chức trung thành với nhà nước, tôn trọng, tận tụy phục vụ nhân dân. Tuy nhiên, khái niệm đạo đức công vụ vẫn là một cái gì đó xa xôi, mơ hồ chưa được quy định cụ thể.

Nhiều địa phương đã xây dựng thí điểm mô hình chính quyền thân thiện, vì nhân dân phục vụ và tự xây dựng các tiêu chí để thực hiện như 5 biết: "Biết nghe dân nói; Biết nói dân hiểu; Biết làm dân tin; Biết xin lỗi; Biết cảm ơn". 3 không: "Không phiền hà, sách nhiễu; Không né tránh trách nhiệm; Không trễ hẹn trong quá trình xử lý công việc". 4 thể hiện: "Tôn trọng trong giao tiếp; Văn minh, văn hóa, lịch sự trong giải quyết công việc; Lắng nghe đầy đủ, hướng dẫn tận tình quy trình xử lý công việc; Gần gũi, giải thích cặn kẽ những thắc mắc của người dân".

Lực lượng Công an luôn chú trọng nâng cao học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Trong ảnh: cán bộ Công an Quảng Ninh tiếp dân.

Bộ phận một cửa được tập trung nâng cao chất lượng, xây dựng nụ cười công sở, tiếp đón niềm nở, giải thích tận tình cho người dân về những quy định khi tới làm các thủ tục hành chính nhanh, gọn; xây dựng hòm thư góp ý để những việc làm tốt tiếp tục được phát huy, những hạn chế, yếu kém được khắc phục kịp thời, đã tạo được những bước chuyển biến tích cực, không để người dân, tổ chức và doanh nghiệp phải chờ đợi lâu. Điều này đã được đông đảo người dân đồng tình và đánh giá cao.

Mặc dù đây là những hành vi giao tiếp, ứng xử thông thường, nhưng nó đã thể hiện được sự trọng thị đối với người dân, đã từng bước rút ngắn được khoảng cách giữa chính quyền với nhân dân. Như vậy, chính quyền không chỉ cần thân thiện mà còn phải vì mục đích, lợi ích của người dân mà phục vụ và cán bộ, công chức hình thành được tính chuyên nghiệp, trách nhiệm trong thực thi công vụ và ý thức được rằng, mỗi hành vi, việc làm của mình đều phải vì người dân.

Tuy nhiên, ở một số nơi, khi có việc cần phải giải quyết mà phải đến các cơ quan công quyền thì người dân, tổ chức, doanh nghiệp vẫn liên tục vấp phải những lực cản vô hình từ sự thiếu chuyên nghiệp của cán bộ, công chức, viên chức trong quá trình tiếp xúc, giải quyết công việc, sự yếu kém trong giao tiếp, ứng xử, thờ ơ, vô cảm, thiếu tận tình hướng dẫn về quy trình xử lý công việc gây ra ức chế, ấm ức, thậm chí còn gây bức xúc với người dân và doanh nghiệp, không đúng với tinh thần "Cán bộ là công bộc của dân", gây ảnh hưởng đến uy tín của chính quyền và tạo hiệu ứng xấu trong cộng đồng, xã hội mà những hậu quả, thiệt hại không thể đo, đếm được.

Trong công tác đánh giá cán bộ, công chức, viên chức hàng năm, tỷ lệ 99% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Không thiếu trường hợp vẫn hồn nhiên nhận Bằng khen, danh hiệu "Chiến sĩ thi đua", rồi ngay sau đó bị kỷ luật, có người còn bị cơ quan chức năng khởi tố điều tra về hành vi vi phạm pháp luật trong khi thi hành công vụ. Cần phải đổi mới toàn diện lề lối làm việc của chính quyền các cấp bắt đầu từ việc xây dựng, hình thành phong cách trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân như một yêu cầu tất yếu đối với cán bộ, công chức. Với những tiêu chuẩn cụ thể, minh bạch được nêu trong dự thảo Bộ Quy tắc Đạo đức công vụ sẽ là cơ sở để đánh giá và điều chỉnh ứng xử của cán bộ, công chức được tốt hơn.

Để có chính quyền thân thiện thì phải có đội ngũ cán bộ thân thiện. Cán bộ, công chức chỉ cần nghiêm túc thực hiện các quy định thì chắc chắn sẽ tạo nên một bước chuyển cho nền hành chính, khắc phục tình trạng bình bầu, đánh giá công chức chung chung, kết luận số đông hoàn thành công việc trong khi công việc còn nợ; doanh nghiệp, nhân dân còn kêu ca, phàn nàn.

Chính quyền của ta là "của dân, do dân và vì dân", đó là lời của Bác Hồ khi nói về chính quyền. Cán bộ của ta là công bộc của dân, là đầy tớ của nhân dân... đó là những ngôn từ tốt đẹp thể hiện niềm tin yêu, quý trọng của nhân dân dành cho cán bộ, công chức - những người hết lòng vì nhân dân phục vụ.

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/dien-dan-van-nghe-cong-an/can-lam-dao-duc-cong-vu-i687421/