Cân nhắc bổ sung hình thức khen thưởng 'Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang'

Đây là vấn đề nhận được nhiều sự quan tâm của các đại biểu tại phiên họp thứ 7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Luật Thi đua khen thưởng (sửa đổi), sáng 18/1.

Trình bày Báo cáo một số nội dung lớn xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc tiếp thu, giải trình và chỉnh lý Dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi), liên quan đến việc bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh cho biết, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề nghị không bổ sung hình thức khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang”. Một số ý kiến đồng ý bổ sung hình thức khen thưởng này như quy định trong dự thảo Luật. Có ý kiến đồng ý với dự thảo luật Chính phủ trình và đề nghị bổ sung hình thức khen thưởng phù hợp với những nhóm đối tượng khác cũng tham gia kháng chiến (du kích, dân công hỏa tuyến). Có một số ý kiến đồng ý bổ sung “Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang” nhưng chỉ áp dụng đối với đối tượng đã tham gia các cuộc kháng chiến.

Theo bà Nguyễn Thúy Anh, trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật theo ý kiến của ĐBQH, ý kiến góp ý của các chuyên gia, cơ quan, tổ chức có liên quan, Thường trực Ủy ban đề nghị cân nhắc phương án không quy định hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang".

Đưa ra lý giải, Ủy ban Xã hội cho rằng: Quan điểm chỉ đạo của Bộ Chính trị nêu tại Thông báo số 120-TB/TW ngày 18/01/2013 về Đề án đổi mới công tác thi đua-khen thưởng. Theo đó cần “giảm bớt các hình thức khen thưởng cấp nhà nước”.

 Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. (Ảnh: Lâm Hiển)

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày báo cáo. (Ảnh: Lâm Hiển)

Ngoài ra, sẽ thấy cần cân nhắc bổ sung riêng hình thức khen thưởng này nếu đối chiếu với nguyên tắc của khen thưởng “không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được”; tính công bằng với việc khen thưởng các lực lượng khác tham gia kháng chiến, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc (có hoặc chưa có hình thức khen thưởng tương tự), với các hình thức khen thưởng huy chương khác; cũng như, tính khả thi của chính sách này.

Tuy nhiên, Trưởng Ban Công tác đại biểu cho rằng, các thành tích, công lao của lực lượng thanh niên xung phong được Đảng, Nhà nước và Nhân dân ghi nhận, khẳng định trong nhiều báo cáo. Và, dù có nhiều lý giải khác nhau về vấn đề này, song Trưởng Ban Công tác đại biểu lưu ý, việc xét trao tặng "Huy chương thanh niên xung phong vẻ vang" thực hiện với những đối tượng còn tồn đọng, thiếu sót, chưa được bổ sung kịp thời trong thời gian qua.

Dẫn quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh “cái gì có lợi cho dân chúng ta cố gắng làm”, Trưởng ban Công tác đại biểu cho rằng, không nên để hàng vạn thanh niên xung phong đã 70 tuổi trở lên có tâm trạng, sự phân tâm như hiện nay. Việc khen thưởng huy chương này còn giúp giáo dục truyền thống cách mạng, mang lại vẻ vang cho gia đình các thanh niên xung phong… Nói cách khác, giá trị và kết quả mang lại sẽ lớn hơn nhiều nếu không bổ sung một số quy định về khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Đồng quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho rằng nên có hình thức khen thưởng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" nhưng điều chỉnh đối tượng phạm vi hẹp lại, tiêu chuẩn cao hơn để phân biệt với hình thức kỷ niệm chương.

Cho rằng lực lượng thanh niên xung phong hiện nay chưa được nhận được "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" là còn bất cập, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh cho hay, thực tế đây là lực lượng có nhiều cống hiến trong thời kỳ kháng chiến. Ở góc độ lập pháp, nếu chúng ta có huy chương cho lực lượng thanh niên xung phong trong thời kỳ kháng chiến là thỏa đáng.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Nguyễn Phú Cường, việc bổ sung thêm đối tượng được xét trao tặng "Huy chương Thanh niên xung phong vẻ vang" sẽ giúp bao quát hết các đối tượng tham gia kháng chiến, tránh khi thấy "nhu cầu nổi lên" trong thực tiễn lại tiếp tục sửa đổi Luật Thi đua, khen thưởng.

Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, Ủy ban Xã hội cần thận trọng, phải lắng nghe ý kiến nhiều chiều vì vấn đề thi đua khen thưởng có ý nghĩa chính trị rất lớn. Do đó nên đưa ra 2 phương án để thảo luận. Cái gì lợi cho dân, có ý nghĩa chính trị, ý nghĩa xã hội rất lớn là cần cân nhắc kỹ./.

Vy Thảo

Nguồn ĐCSVN: https://dangcongsan.vn/phap-luat/can-nhac-bo-sung-hinh-thuc-khen-thuong-huy-chuong-thanh-nien-xung-phong-ve-vang-602387.html