Cần sự hỗ trợ lớn hơn từ Trung ương

Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) đã triển khai được 10 năm tại khu vực miền núi phía Bắc (MNPB). Tuy nhiên, kết quả vẫn còn khá khiêm tốn so với các vùng khác của cả nước. Để thúc đẩy xây dựng NTM ở vùng này bền vững và theo kịp tiến trình của cả nước, ngoài việc phát huy tính tự lực, tự cường, tiềm năng, lợi thế sẵn có của vùng, rất cần sự hỗ trợ lớn từ ngân sách Nhà nước.

Hệ thống giao thông là một trong những tiêu chí khó nhất đối các xã vùng MNPB. Ảnh: Bích Nguyên

Khu vực MNPB bao gồm 14 tỉnh, với diện tích chiếm 28,75% của cả nước; dân số chiếm khoảng 12,93% cả nước, có trên 30 dân tộc cùng sinh sống. Đây là khu vực có vị trí đặc biệt quan trọng về kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng của cả nước; có tiềm năng, lợi thế về nông, lâm nghiệp, thủy điện, khoáng sản và kinh tế cửa khẩu.

Một số điểm sáng

Trên cơ sở điều kiện thực tế, các địa phương khu vực MNPB đã nghiên cứu, đề xuất các cơ chế đặc thù hỗ trợ triển khai xây dựng NTM như: Hỗ trợ xi măng xây dựng cơ sở hạ tầng, triển khai Quỹ phát triển cộng đồng (Hà Giang), hỗ trợ xây dựng NTM cấp thôn, bản (Hà Giang, Lào Cai, Thái Nguyên)... Để khắc phục những khó khăn, hạn chế của giai đoạn 1 và hỗ trợ các địa phương khó khăn xây dựng NTM, Thủ tướng Chính đã phê duyệt 4 Đề án xây dựng nông thôn vùng đặc thù (Đề án của 3 tỉnh: Điện Biên, Lào Cai, Bắc Kạn và Đề án tổng thể hỗ trợ các thôn, bản khó khăn xây dựng NTM).

Đến tháng 6-2019, có 7/29 xã biên giới thuộc Đề án của tỉnh Điện Biên đã hoàn thành 19 tiêu chí NTM (trước 18 tháng so với mục tiêu); 10 thôn, bản thuộc Đề án của tỉnh Lào Cai được công nhận đạt chuẩn và 3 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Tỉnh Bắc Kạn tập trung vào hỗ trợ sinh kế thông qua triển khai Đề án Mỗi xã một sản phẩm của 29 xã.

Triển khai xây dựng NTM, các địa phương đã đổi mới các loại hình tổ chức sản xuất được cho là phù hợp, hiệu quả hơn. Kinh tế hộ tiếp tục được hỗ trợ và tổ chức theo hướng quy mô lớn hơn, dần thích nghi với cơ chế thị trường. Trong 2 năm vừa qua, số hợp tác xã vùng miền núi và đồng bào dân tộc thiểu số đã tăng mạnh về số lượng và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Đến hết năm 2018, toàn vùng có 3.371 hợp tác xã nông nghiệp (tăng 115% so với năm 2013). Các hợp tác xã dịch vụ tổng hợp chiếm 39,57%, còn lại 60,43% là các hợp tác xã hoạt động theo lĩnh vực chuyên ngành (trồng trọt, chăn nuôi, lâm nghiệp, thủy sản) cao hơn 25% cả nước. Đây là hướng chuyển dịch tích cực gắn chặt chẽ hoạt động của hợp tác xã với sản xuất và tiêu thụ sản phẩm chuyên ngành theo chuỗi giá trị.

Kết quả chênh lệch khá lớn so với các vùng khác

Thực tế cho thấy, việc xây dựng NTM ở các xã vùng MNPB chưa được như mong muốn. Có thể lấy xã Pá Mỳ, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên làm ví dụ. Bước vào xây dựng NTM với xuất phát điểm thấp (cơ sở hạ tầng thiếu thốn; đời sống của người dân còn nhiều hạn chế), đến tháng 3-2019, xã Pá Mỳ mới hoàn thành được 6 tiêu chí xây dựng NTM. Việc thực hiện các tiêu chí còn lại gặp rất nhiều khó khăn, nhất là tiêu chí về đường giao thông, y tế, giáo dục, nhà ở, thu nhập.

Tương tự, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh, Hà Giang mới chỉ hoàn thành chưa được một nửa trong số 19 tiêu chí xây dựng NTM. Đích đến của Sủng Cháng là hết năm 2019 phải hoàn thành được 9/19 tiêu chí trong xây dựng NTM. Tuy nhiên, mục tiêu này đã không thể hoàn thành do toàn xã Sủng Cháng có hơn 600 hộ dân, thuộc 8 thành phần dân tộc, trong đó, đông nhất là dân tộc Mông. Địa hình phức tạp, đồi dốc lớn, chia cắt, giao thông đi lại khó khăn, đời sống của người dân thấp khiến cho việc triển khai xây dựng NTM gặp nhiều cản trở. Đặc biệt là việc thực hiện tiêu chí thu nhập. Hiện, thu nhập bình quân của xã Sủng Cháng đạt 12 triệu đồng/người/năm, còn cách xa mức đạt trong bộ tiêu chí NTM.

Các loại nông sản sạch là thế mạnh của vùng MNPB. Ảnh: Bích Nguyên

Với rất nhiều nỗ lực, sau gần 10 năm xây dựng NTM, xã Pải Lủng, huyện Mèo Vạc, Hà Giang đã hoàn thành được 10/19 tiêu chí. Để cán đích NTM, chặng đường sắp tới đối với Pải Lủng còn nhiều khó khăn, thách thức cần vượt qua. Bài toán khó nhất đối với xã vùng cao này là thực hiện các tiêu chí về thu nhập và hộ nghèo.

Đến hết tháng 8-2019, khu vực này có 714/2.667 xã (26,64%) được công nhận đạt chuẩn NTM, thấp hơn so với mức đạt chuẩn của cả nước (50,8%). Bình quân đạt 12,37 tiêu chí/xã, thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,26 tiêu chí/xã. Một số tỉnh đạt bình quân tiêu chí/xã rất thấp như Cao Bằng 9,8 tiêu chí, Bắc Kạn 10,9 tiêu chí, Điện Biên 8,6 tiêu chí, Sơn La 10,3 tiêu chí, Hà Giang 10,58 tiêu chí. Cả vùng có 7 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM (cả nước có 91 đơn vị).

Thu nhập bình quân khu vực nông thôn của các tỉnh MNPB năm 2018 đạt khoảng 28 triệu đồng, thấp hơn so với mặt bằng chung của cả nước (khoảng 35-38 triệu đồng). Tốc độ giảm tỉ lệ hộ nghèo bình quân hàng năm khoảng 4%, trong đó, huyện nghèo giảm 5%. Đến năm 2018, tỉ lệ hộ nghèo trong vùng còn 17,07% (theo chuẩn nghèo mới), cao nhất trong các vùng cả nước.

Thực tế, nhu cầu xây dựng NTM của các tỉnh MNPB là rất lớn, đặc biệt là cơ sở hạ tầng nhưng khả năng huy động nguồn lực còn rất hạn chế vì vùng này chủ yếu là xã nghèo, xuất phát điểm thấp. Do đó, rất cần sự hỗ trợ lớn hơn nữa của Trung ương, trong đó, cần có chính sách đột phá, ưu tiên nguồn lực hỗ trợ hoàn thiện cơ sở hạ tầng trên địa bàn những xã đặc biệt khó khăn. Đồng thời, chú trọng đầu tư cho các công trình cấp thôn, bản nhằm cải thiện trực tiếp điều kiện sinh hoạt và sản xuất của người dân, từng bước hoàn thiện các tiêu chí xã NTM, ứng phó với thiên tai và biến đổi khí hậu.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tuy có nhiều tiềm năng, lợi thế, nhưng khu vực MNPB là vùng có địa hình tự nhiên rất phức tạp, bị chia cắt và chủ yếu là đồi núi, kết cấu hạ tầng kỹ thuật thấp kém, kinh tế, xã hội chậm phát triển. Do đó, sau 10 năm triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng NTM, kết quả đạt được của các địa phương vùng MNPB vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức so với các vùng khác của cả nước.

Xuân Hương

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/can-su-ho-tro-lon-hon-tu-trung-uong/