Cần xây dựng thương hiệu và hướng tiêu thụ ổn định cho rau xà lách xoong Gio An

Được mệnh danh là loại rau đặc sản ở miền di sản giếng cổ Gio An (huyện Gio Linh) thế nhưng thị trường đầu ra của rau xà lách xoong vẫn nhỏ lẻ và gặp nhiều khó khăn. Xây dựng thương hiệu và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm là trăn trở của người dân và chính quyền địa phương trong nhiều năm qua.

Cánh đồng trồng rau xà lách xoong sẽ là địa điểm trải nghiệm thú vị cho khách du lịch - Ảnh: M.L

Chưa bao giờ người trồng rau xà lách xoong ở xã Gio An lại lâm vào cảnh ế ẩm như hiện nay. Dù đã gần kết thúc mùa vụ thu hoạch rau xà lách xoong nhưng một số gia đình thu không đủ bù chi. Bà Võ Thị Xuân, thành viên HTX nông sản an toàn Hảo Sơn cho biết: “Những năm trước mỗi vụ rau gia đình tôi thu 40 - 50 triệu đồng, năm nay chưa tới 10 triệu đồng. Gia đình tôi chủ yếu trồng rau giống nhưng năm 2020, thời tiết khắc nghiệt ảnh hưởng lớn đến các vườn ươm rau xà lách xoong giống. Mùa hè thì nắng hạn khiến nhiều diện tích rau cháy vì thiếu nước; chưa kịp phục hồi thì đến những trận lũ liên tiếp trong tháng 10/2020 đã cuốn trôi tương đối lớn nguồn rau giống của địa phương. Chính vì thế, đến vụ trồng rau, nguồn giống khan hiếm và đắt đỏ khiến chi phí đầu tư cao”.

Theo tính toán của người dân địa phương, một gánh rau giống có giá 800 ngàn đồng, đủ cấy trên diện tích chưa tới 50 m2 , tương đương thu hoạch chưa tới 100 bó rau/lứa. Nhiều người đầu tư hàng chục triệu đồng mua rau giống để trồng nên rất khó thu hồi vốn vì khi đến vụ thu hoạch thì rau xà lách xoong bắt đầu rớt giá, từ cuối tháng 12/2020 đến nay chỉ còn 2.000 đồng/bó. Một số người không đầu tư tiền giống một lần mà chỉ mua một vài gánh rồi về tiếp tục ươm giống để trồng tiếp thì cũng chỉ đủ bù chi phí đầu tư và công chăm sóc chứ không lãi. Nguyên nhân khiến nhiều người trồng rau ở Gio An giảm thu nữa là do ảnh hưởng thời tiết nên mùa vụ trồng rau xà lách xoong bị rút ngắn. Theo kinh nghiệm trồng loại rau này của người dân ở đây, những năm trước khoảng từ giữa tháng 9 là đã bắt đầu trồng rau, tuy nhiên năm nay phải đến giữa tháng 11/2020 mới trồng được rau (trồng chậm hơn bình thường 2 tháng). Trong khi đó, thời điểm đầu vụ, rau được giá thì thời tiết rét đậm, rét hại kéo dài nên cây sinh trưởng kém, không có rau để bán. Đến khi có rau thu hoạch đại trà thì giá xuống quá thấp. Hiện thị trường tiêu thụ rau xà lách xoong chủ yếu nhỏ lẻ ở chợ và phụ thuộc vào thương lái nên người trồng rau xà lách xoong ở Gio An rất bị động.

Trước đây, tranh thủ nguồn hỗ trợ của dự án KOICA (Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc tại Việt Nam) với số tiền 986 triệu đồng, Tổ hợp tác nông sản an toàn Hảo Sơn (sau này là HTX nông sản an toàn Hảo Sơn) đã đầu tư mua sắm máy móc, phương tiện vận chuyển, phục vụ sản xuất, tiêu thụ rau. Hội Nông dân xã Gio An cũng tranh thủ các nguồn hỗ trợ xây dựng nhãn mác với thương hiệu “rau xà lách xoong Gio An - vì sức khỏe cộng đồng” để dùng chung cho các vùng trồng rau xà lách xoong trong xã, trong đó trọng điểm là thôn Hảo Sơn - nơi chiếm 10/12 ha rau xà lách xoong trong toàn xã. Từ đây, HTX mua xe vận tải, đứng ra thu mua sản phẩm rau tươi tại ruộng cho các thành viên rồi đưa đi tiêu thụ ở thị trường trong tỉnh và tỉnh Thừa Thiên Huế. Tuy nhiên, do thành viên HTX vốn là nông dân, không quen với việc phát triển thị trường trong kinh doanh, không cạnh tranh được với tư thương, do vậy HTX trực tiếp đứng ra tiêu thụ rau cho xã viên chỉ duy trì được một thời gian ngắn, sau đó HTX bán xe hoàn trả lại vốn KOICA hỗ trợ qua Ngân hàng Chính sách xã hội để làm nguồn vốn cho vay theo các chương trình tín dụng chính sách xã hội.

Trao đổi về vấn đề này, ông Lê Phước Hiếu, Phó Chủ tịch UBND xã Gio An cho hay, thị trường rau hiện nay rất đa dạng, phong phú nên người tiêu dùng có nhiều sự lựa chọn chứ không như trước đây, trong khi người trồng rau xà lách xoong của địa phương vẫn quen với kiểu canh tác rồi trông chờ tư thương đến thu mua tận ruộng nên phụ thuộc và bị động. Trước đây, xã cũng đã thông qua tổ chức và nhiều kênh hỗ trợ để xây dựng thương hiệu, nhãn mác sản phẩm rau xà lách xoong với mong muốn tìm kiếm mở rộng thị trường cao cấp hơn như siêu thị, nhà hàng ở thành phố lớn… Tuy nhiên, kênh tiêu thụ này đòi hỏi phải dày công khảo sát, giới thiệu, quảng bá nhưng người dân không đủ sự kiên trì để phối hợp nên rất khó thực hiện. Định hướng thời gian tới, chính quyền xã sẽ cải tổ HTX nông sản sạch Hảo Sơn, có thể sẽ trở về lại mô hình tổ hợp tác như trước vì HTX hiện tại không đủ năng lực, kinh phí hoạt động. Đối với vấn đề mở rộng thị trường rau xà lách xoong cho người dân, xã đang động viên, khuyến khích người dân các vùng trồng rau xà lách xoong trên địa bàn duy trì ổn định diện tích trồng rau với phương thức canh tác sạch, dựa vào tự nhiên chứ tuyệt đối không sử dụng hóa chất, phân bón để thể hiện rõ sản phẩm đặc trưng. Hiện tour du lịch cộng đồng Gio An bắt đầu hình thành thì đây sẽ là sản phẩm đặc trưng để kết hợp làm du lịch nông nghiệp. Đó là phát triển các cánh đồng trồng rau xà lách xoong trở thành một trong những hoạt động trải nghiệm của khách du lịch khi đến Gio An, từ đó lan tỏa, quảng bá thêm sản phẩm đặc trưng này.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=155648