Cần xếp hạng di sản để bảo tồn hai công trình tôn giáo ở Thủ Thiêm

LTS: Việc bảo tồn hai công trình Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm thời gian qua có nhiều diễn biến thu hút sự quan tâm của dư luận. Dưới đây xin giới thiệu với bạn đọc bài viết của KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM, xung quanh vấn đề này.

Bảo tồn là sợi dây kết nối quá khứ với hiện tại và tương lai

Tôi làm nghề tư vấn thiết kế kiến trúc đã nhiều năm, đã từng làm nhiều dạng công trình lớn nhỏ, từ nhà ở đến các thể loại công trình công cộng và cả công trình tôn giáo, nghệ thuật. Tôi muốn kể lại chuyện mà tôi đã gặp không chỉ một lần ở các công trình tưởng chừng đơn giản nhất là nhà ở.

Lúc bắt đầu thiết kế, bao giờ tôi cũng hỏi chủ nhà một câu, “khi xây mới, ông bà có muốn mang gì, đưa gì từ nhà cũ vào nhà mới không” thì đa số chủ nhà nói là làm mới cho nó hiện đại, tân tiến. Từ đồ thông dụng đến nội thất, thiết bị, thậm chí cả bàn thờ đều được yêu cầu làm mới để phù hợp với không gian mới.

Nhà thờ trong khuôn viên Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, khánh thành năm 1956. Ảnh: Trung Dũng

Tình trạng đã xảy ra là một số gia chủ cho biết, khách đến chơi ai cũng khen nhà đẹp, hiện đại nhưng chủ nhà sống trong đó lại thấy không ổn, hình như thiếu vắng một cái gì đó.

Tôi giải thích, với một gia đình, khi xây một ngôi nhà mới thậm chí là ở địa chỉ mới, ta dễ tưởng như không có gì liên quan với ngôi nhà cũ nhưng vẫn có quá khứ. Quá khứ đó là lịch sử tồn tại của gia đình, tính ít nhất là ba thế hệ thì cũng đến vài chục năm.

Cái trống vắng trong không gian ở mới chính là sợi dây kết nối với quá khứ.

Tôi hỏi gia chủ còn nhớ ra hoặc giữ được cái gì của quá khứ, ví dụ như một di vật, một đồ vật gợi kỷ niệm, có sự gắn kết với người thân thì gom lại. Nhiệm vụ của kiến trúc sư là sắp xếp, tạo không gian cho một số di vật, đồ vật cũ đó phù hợp với ngôi nhà mới. Chính những vật thể đó tạo ra sợi dây kết nối giữa cái mà ta có thể gọi là di sản của gia đình với hiện tại và tương lai.

Sau điều chỉnh đó, các chủ nhà đều cho biết họ thấy ổn hơn.

Cụm các công trình của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm, trong đó trung tâm của khuôn viên là nhà tập, nhà khấn và nhà thờ. Nhà tập (tòa nhà bên trái) là một dãy nhà khoảng 200 người ở, được Cha bề trên Lambert và bà Nhất Maria Măng cho xây năm 1927. Nhà cơm cũng được tu sửa lại. Năm 1933, xây nhà khấn đối diện với nhà tập (tòa nhà bên phải). Năm 1952, bà Nhất cho xây một bệnh xá khang trang (phía sau nhà tập) để thay thế nhà dưỡng lão trước đây . Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Với nhà ở, quá khứ đã có vai trò quan trọng thì với các công trình lớn, với đô thị, quá khứ càng có vai trò quan trọng hơn. Các công trình văn hóa, tôn giáo, công trình công cộng có quá khứ tồn tại có khi tới hàng trăm năm, gắn bó với nhiều thế hệ dân cư.

Khi xã hội phát triển, công trình cũ không đáp ứng được nhu cầu mới thì người ta phải xây mới nhưng vẫn cần phải kết nối với quá khứ. Vai trò của kiến trúc sư khi quy hoạch, thiết kế là bảo tồn được những di sản có giá trị để kết nối với quá khứ, gìn giữ được lịch sử của công trình, bảo tồn được phần hồn cốt của đô thị.

Thiếu sót trong đề bài quy hoạch, Thủ Thiêm đã bị đối xử như một vùng đất trắng

Với Thủ Thiêm, ta phải thừa nhận một thực tế là đã có thời gian dài, Thủ Thiêm được nhìn nhận như một vùng đất hoang hóa. Từ bờ Sài Gòn nhìn qua chỉ thấy lớn nhất là xưởng đóng tàu Caric.

Các công trình chính có lịch sử kiến trúc lâu đời của Hội Dòng Mến Thánh Giá Thủ Thiêm gồm nhà tập và nhà thờ nhìn từ trên cao. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Thủ Thiêm không hẳn là vùng đất nông nghiệp như dạng đất nông nghiệp ở đồng bằng sông Cửu Long nhưng cũng có nhiều đất tự nhiên toàn lau sậy, cỏ hoang hóa. Một vùng đất trũng, một cái hồ điều tiết của thành phố. Các nhà quy hoạch đã không hình dung rõ, không điều tra xem ở đó có những công trình gì.

Năm 1996, Quyết định 367/TTg về phê duyệt nội dung quy hoạch xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm được ban hành. Một bản quy hoạch thuần túy định hướng đến viễn cảnh tương lai.

Năm 2002, UBND TP.HCM có Quyết định 65/2002/QĐ-UB hướng dẫn nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chi tiết 1/2000 của khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Nhà tập xây năm 1927. Ảnh: Trung Dũng

Sau đó, cuộc thi quốc tế tìm Ý tưởng quy hoạch tổng mặt bằng khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm được tổ chức. Đến thời điểm đó thì đề bài của cuộc thi tức là nhiệm vụ quy hoạch cũng hoàn toàn không đặt vấn đề bảo tồn công trình nào trong khu đô thị này.

Ngày 24.6.2003, Ban quản lý Đầu tư xây dựng khu đô thị mới Thủ Thiêm công bố giải nhì cuộc thi (không có giải nhất) thuộc về công ty Sasaki Associates, Inc - Mỹ. Trên cơ sở đó, Sasaki được giao làm tư vấn thiết kế quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2000 khu trung tâm đô thị mới Thủ Thiêm.

Năm 2005, UBND TP.HCM ban hành Quyết định 6566/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết khu đô thị trung tâm mới Thủ Thiêm tỷ lệ 1/2000 do công ty Sasaki kết hợp với Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập. Những diễn biến tiếp theo có lẽ không cần phải nhắc lại.

Nhà thờ Thủ Thiêm được xây dựng từ năm 1859 đến nay đã nhiều lần trùng tu. Ảnh: Trung Dũng

Ở đây, cần nhấn mạnh rằng, Thủ Thiêm đã bị đối xử như một vùng đất trắng, một vùng đất không có lịch sử, không có quá khứ. Ta đã bỏ hết quá khứ để tin vào viễn cảnh sẽ xây dựng một khu đô thị mới còn hiện đại, đẹp hơn khu đô thị Phú Mỹ Hưng.

Nhưng khi ta làm sạch vùng hoang hóa đầy cỏ sậy đó thì lại thấy nổi lên những công trình kiến trúc có lịch sử, có giá trị. Đó là các công trình tôn giáo. Đáng tiếc là khi phát hiện ra, ta đã không điều chỉnh kịp thời, cứ tiếp tục tiến tới là thiết kế kỹ thuật, hạ tầng và cho xây dựng một loạt các công trình mới.

Chùa Liên Trì đã bị dỡ bỏ năm 2016. Bây giờ còn lại Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá. Dư luận cho rằng phải giữ lại hai công trình này, đó là một phần lịch sử không chỉ của Thủ Thiêm, mà còn là di sản của TP.HCM để minh chứng cho lịch sử hơn 300 năm của thành phố.

Cần xếp hạng di sản và bảo tồn hai công trình tôn giáo

Trong Hội thảo “Di sản kiến trúc đô thị TP.HCM: bảo vệ di sản để phát triển bền vững” do UBND TP.HCM và Hội Kiến trúc sư thành phố tổ chức năm 2012, tôi có đặt vấn đề TP.HCM đã có hơn 300 năm hình thành và phát triển, vậy cái gì là di sản của 300 năm? Có thể nói số lượng công trình kiến trúc có giá trị, có tuổi thọ là rất hiếm.

Những quả chuông đồng được đúc từ năm 1892. Ảnh: Trung Dũng

Theo tôi, muốn có di sản vài trăm năm thì các thế hệ phải tiếp nối nhau góp phần gìn giữ nó ngay từ khi nó mới là di sản vài chục năm. Phải làm như vậy thì mới có di sản.

Nói như thế để thấy hai công trình tôn giáo ở Thủ Thiêm đã tồn tại hơn 100 năm là rất có giá trị. Tôi đã đi thực tế hai công trình này để tìm hiểu về kiến trúc, về không gian. Nhà thờ Thủ Thiêm được xây năm 1859.

Dòng tu Mến Thánh Giá đã có mặt từ năm 1840 nhưng lúc đó Thủ Thiêm còn hoang hóa nên các nữ tu vẫn ở chợ vải Bến Thành và năm 1863 Tu viện Dòng Mến Thánh Giá được xây dựng.

Đến 1960 Dòng Mến Thánh Giá xây thêm ba trường gồm trường Nữ Thủ Thiêm, trường Nam Thủ Thiêm và trường Nữ Thánh Anna.

Cây me hiện diện ở đây từ năm 1840 là chứng tích lịch sử từ ngày đầu Hội Dòng được thành lập. Ảnh: Trung Dũng

Về kiến trúc vật thể, Nhà thờ Thủ Thiêm được xây dựng theo phong cách kiến trúc thuộc địa Pháp truyền thống. Có ba hạng mục còn tồn tại cần được nghiên cứu lập hồ sơ di tích là thánh đường chính, tháp chuông nhà thờ và dãy nhà xứ. Phần thánh đường nhà thờ tiêu biểu cho kiến trúc thập niên 50-60 nhưng xây trên nền tảng tháp chuông có từ 1934.

Cả ba hạng mục trong khuôn viên nhà thờ là minh chứng dẫn dắt cho cả quá trình lịch sử xây dựng ở vùng này.

Tôi rất thú vị với tháp chuông nhà thờ vì trên đó vẫn còn cái mõ bằng gỗ. Có lời giải thích rằng, vào ngày có việc buồn người ta gõ mõ chứ không rung chuông. Nhưng có lẽ từ khi cơ khí còn thô sơ, chưa có chuông thì mõ được dùng thường xuyên.

Sang Tu viện Dòng Mến Thánh Giá thì tôi thấy đây là không gian tuyệt vời cần bảo tồn. Đây là kiến trúc tiêu biểu cho một thời kỳ lịch sử. Sài Gòn - TP.HCM hơn 300 năm thì di sản giá trị kiến trúc của Sài Gòn không chỉ ở trung tâm quận 1 mà nó còn nằm ở vùng lân cận. Đây là vốn rất đáng quý.

Như vậy quan điểm nên gìn giữ và phải bảo tồn đã rõ ràng. Vấn đề giới chuyên môn và dư luận quan tâm là hai công trình này sẽ tồn tại thế nào trong khu đô thị mới hiện đại Thủ Thiêm.

Dãy hành lang của nhà tập. Ảnh: Trung Dũng

Tôi muốn đưa ra thí dụ so sánh. TP.HCM hiện có hai khu vực nhiều người nước ngoài sinh sống, làm việc ở thành phố chọn làm nơi lưu trú. Đó là đô thị Phú Mỹ Hưng (quận 7) và khu Thảo Điền (quận 2).

Phú Mỹ Hưng là đô thị mới hoàn toàn, được xây dựng trên nền đất hoang hóa. Nơi đây có hạ tầng hoàn chỉnh, đồng bộ, được đánh giá là đô thị kiểu mẫu, tiên tiến, văn minh. Phú Mỹ Hưng thu hút số đông cộng đồng cư dân từ các nước châu Á.

Ngược lại, khu Thảo Điền có đông cư dân đã cư trú từ trước. Khu Thảo Điền hạ tầng không đồng bộ, thường xuyên bị kẹt xe, ngập nước. Khu vực này có chùa, nhà thờ, đình, miếu. Khu Thảo Điền thu hút số đông cộng đồng cư dân từ Mỹ và các nước châu Âu. Họ sống chung với cư dân tại chỗ, với các công trình cũ.

Khi được phỏng vấn, các cư dân Thảo Điền cho rằng đô thị đó thật hơn, có hồn hơn so với Phú Mỹ Hưng. Thí dụ trên cho ta thấy mỗi đô thị đều có thế mạnh riêng.

Cụm công trình công giáo của giáo xứ Thủ THiêm, trong đó nổi bật là Nhà thờ Thủ Thiêm. Ảnh: Nguyễn Minh Tú

Với Thủ Thiêm, khi tất cả công trình công cộng, văn hóa giải trí, nhà cửa, hạ tầng xây mới, đồng bộ được hoàn thành lại thêm những công trình lịch sử lâu đời được bảo tồn thì Thủ Thiêm sẽ hội tụ được lợi thế của cả Phú Mỹ Hưng và Thảo Điền như kể trên.

Đến lúc đó Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Dòng Mến Thánh Giá mới phát huy hết giá trị, nó giống như viên kim cương trên vương miện. Không chỉ là kiến trúc vật thể mà nó còn có giá trị di sản - phi vật thể.

Đó là những lý do để chúng ta phải giữ lại Nhà thờ Thủ Thiêm và Tu viện Dòng Mến Thánh Giá.

KTS Nguyễn Trường Lưu, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư TP.HCM

>> Biên niên dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm

>> Tu viện Dòng Mến Thánh giá in dấu bình yên...

>> Bí thư Nguyễn Thiện Nhân chúc Tết Dòng Mến Thánh giá Thủ Thiêm

>> Quy hoạch Thủ Thiêm: Từ bảo tồn đến xóa bỏ Dòng Mến Thánh Giá, Nhà thờ Thủ Thiêm

>> TP.HCM sẽ giữ lại nhà thờ và Dòng mến Thánh giá Thủ Thiêm

Theo Tạp chí Kiến Trúc & Đời Sống số 163

Nguồn Người Đô Thị: http://nguoidothi.net.vn/can-xep-hang-di-san-de-bao-ton-hai-cong-trinh-ton-giao-o-thu-thiem-21718.html