Căng thẳng Ba Lan-Ukraine: Warsaw quyết không xuống thang, đồng lòng cùng 4 thành viên EU không 'nhân nhượng' ngũ cốc từ Kiev

Ba Lan xác nhận, lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi nào có cơ chế bảo hộ từ cấp Liên minh châu Âu (EU), bất chấp việc EC đã chính thức đình chỉ hạn ngạch nhập khẩu và hải quan vào năm ngoái.

Ukraine hiện phụ thuộc rất nhiều vào các tuyến đường quá cảnh qua Ba Lan, Slovakia, Hungary và Romania. (Nguồn: DW)

Sau khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra (tháng 2/2022), ngũ cốc trở thành nguyên nhân gây căng thẳng hiếm hoi giữa Kiev và các nước láng giềng EU - khi Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia trở thành tuyến trung chuyển thay thế cho ngũ cốc Ukraine, nhằm giúp bù đắp cho hoạt động xuất khẩu chậm chạp của nước này qua các cảng ở Biển Đen.

Do Ba Lan, Hungary và Slovakia đơn phương công bố các biện pháp hạn chế riêng đối với nhập khẩu ngũ cốc Ukraine, sau khi EU chấm dứt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ ngày 15/9, Kiev đã đệ đơn kiện 3 nước này lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), coi những hạn chế trên là vi phạm nghĩa vụ quốc tế của các nước thành viên EU.

Trong động thái mới nhất, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Ba Lan đã xác nhận, lệnh cấm nhập khẩu từ Ukraine sẽ vẫn có hiệu lực cho đến khi các cơ chế bảo vệ thích hợp được phát triển ở cấp EU.

Liên quan thông tin chưa được xác minh trên các phương tiện truyền thông về dòng ngũ cốc Ukraine tràn vào Ba Lan, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn nước này đã xác nhận bằng một thông báo, “lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc từ Ukraine vẫn có hiệu lực”, Bộ trên đăng tuyên bố trên mạng xã hội X.

Tuyên bố cho biết, lệnh cấm sẽ được giữ nguyên cho đến khi các cơ chế thích hợp được phát triển ở cấp EU đủ để đảm bảo bảo vệ thị trường địa phương.

Bộ này còn ra khuyến nghị, những ai có thông tin về dòng ngũ cốc từ Ukraine tràn vào thị trường nước này cần báo cáo sự việc cho các cơ quan thực thi pháp luật Ba Lan.

Theo Báo cáo của cơ quan này, Bộ trưởng Nông nghiệp Ba Lan Czesław Siekierski gần đây cho biết, do Ủy ban châu Âu (EC) từ chối yêu cầu của Ba Lan áp thuế đối với các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine, Warsaw muốn đưa ra các cơ chế khu vực nhằm tự bảo vệ trước dòng hàng hóa Ukraine tràn vào thị trường.

Bộ trưởng Czesław Siekierski cho biết, EC đang chuẩn bị dự thảo quy định nhằm gia hạn dòng thương mại miễn thuế với Ukraine cho đến tháng 6/2025. Vì vậy, nhân dịp này, Bộ Nông nghiệp Ba Lan đưa ra yêu cầu sửa đổi một số nội dung của quy định - động thái sẽ giúp đẩy nhanh việc thực hiện các cơ chế bảo vệ ở cấp khu vực, nếu vấn đề thị trường không ảnh hưởng đến toàn bộ EU mà chỉ ảnh hưởng đến một quốc gia hoặc một số thành viên cụ thể.

Theo vị Bộ trưởng này, phía Ba Lan muốn tự bảo vệ mình trước những hậu quả tiêu cực đến từ làn sóng hàng nông sản Ukraine tràn vào thị trường nội địa. Ba Lan cũng đang tiến hành tham vấn nội bộ về việc cấp giấy phép xuất khẩu hàng nông sản – một thủ tục do phía Ukraine đề xuất”.

Ngoài ra, Bộ trưởng Czesław Siekierski cũng cho biết, Warsaw có ý chí chính trị trong việc phát triển cơ sở hạ tầng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa Ukraine sang các nước thứ ba. Theo đó, Ba Lan sẽ nỗ lực phát triển cơ sở hạ tầng cảng.

Vào ngày 15/9/2023, chính phủ Ba Lan tiền nhiệm đã đơn phương áp đặt lệnh cấm nhập khẩu ngũ cốc Ukraine (bao gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu, hướng dương) sau khi EC từ chối gia hạn lệnh cấm ở cấp EU. Hiện tại, chính phủ mới của tân Thủ tướng Donald Tusk cũng đã quyết định không dỡ bỏ lệnh cấm vận vào lúc này.

Ngày 6/1 vừa qua, chính phủ Ba Lan đã đồng ý với các nông dân đang chặn đường gần trạm kiểm soát Medyka-Shehyni ở biên giới Ba Lan-Ukraine nhằm đình chỉ cuộc biểu tình ở nơi này và đáp ứng mọi yêu cầu của họ. Theo đó, nông dân Ba Lan yêu cầu trợ cấp cho việc mua ngô, giữ nguyên thuế nông nghiệp năm nay ở mức 2023 và tiếp tục khả năng vay vốn để đảm bảo thanh khoản.

Đồng thời, ngày 15/1, các quốc gia phía Đông EU trong đó có Ba Lan đã gửi thư tới EC yêu cầu áp thuế nhập khẩu với ngũ cốc Ukraine với lý do cạnh tranh không công bằng, theo Bộ Nông nghiệp Hungary. Bộ này cho biết, các bộ trưởng nông nghiệp Ba Lan, Bulgaria, Hungary, Romania và Slovakia đã cùng ký bức thư gửi tới EC cho rằng, sản phẩm nông nghiệp giá rẻ từ Ukraine đang “ăn mòn” thị trường xuất khẩu của họ.

Các bộ trưởng cho biết, 5 quốc gia trên nằm trong số 6 thành viên EU sản xuất nhiều lúa mì và ngô hơn mức họ cần, đây là chìa khóa cho an toàn thực phẩm châu Âu và chủ quyền chiến lược của EU. Bộ trưởng Nông nghiệp Hungary Istvan Nagy cho biết: “Đây là lý do tại sao Brussels cần đưa ra các biện pháp bảo vệ thị trường của các quốc gia thành viên giáp Ukraine, đồng thời giúp họ tận dụng tối đa tiềm năng xuất khẩu của mình”.

Theo các bộ trưởng, quy mô trang trại lớn hơn của Ukraine khiến xuất khẩu ngũ cốc của nước này rẻ hơn và điều đó đang đẩy nông dân EU ra khỏi thị trường xuất khẩu truyền thống của họ. Họ khẳng định, nông dân Bulgaria, Ba Lan, Hungary, Romania và Slovakia “đã chịu thiệt hại đáng kể” kể từ khi EU đình chỉ hạn ngạch nhập khẩu và hải quan đối với ngũ cốc từ Ukraine vào năm ngoái.

(theo Ukrinform, Reuters)

Minh Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/cang-thang-ba-lan-ukraine-warsaw-quyet-khong-xuong-thang-dong-long-cung-4-thanh-vien-eu-khong-nhan-nhuong-ngu-coc-tu-kiev-258163.html