Cảnh báo biến chứng cô đặc máu khi mắc sốt xuất huyết

Tình hình dịch sốt xuất huyết ở Hà Nội vẫn có dấu hiệu gia tăng, các chuyên gia y tế cảnh báo cô đặc máu là một trong hai biến chứng thường gặp nhất khi mắc sốt xuất huyết. Trong trường hợp bệnh nhân không được phát hiện kịp thời để đưa tới các cơ sở y tế điều trị, có thể dẫn tới nguy cơ tử vong.

Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, từ ngày 27/10 đến 03/11, trên địa bàn thành phố ghi nhận 2.590 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 30 quận, huyện, thị xã (tăng hơn 10 ca so với tuần trước đó). Cũng trong tuần này, thành phố ghi nhận thêm 107 ổ dịch tại 25 quận, huyện, thị xã (tăng 7 ổ dịch so với tuần trước đó). Như vậy, tổng số ổ dịch từ đầu năm đến nay là 1.661, hiện còn 231 ổ dịch đang hoạt động tại 28 quận, huyện, thị xã; trong đó một số ổ dịch kéo dài và ghi nhận nhiều bệnh nhân như: Xã Phùng Xá, huyện Thạch Thất; xã Hữu Bằng, huyện Thạch Thất; thôn Đống, xã Cao Viên, huyện Thanh Oai; xã Châu Can, huyện Phú Xuyên.

Tiếp nhận điều trị cho nhiều ca bệnh sốt xuất huyết trong thời gian gần đây, PGS.TS Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới (Bệnh viện Bạch Mai) lưu ý, nhiều bệnh nhân khi mắc sốt xuất huyết lo sợ tiểu cầu tụt thấp, hoặc đề nghị cho truyền tiểu cầu. Tuy nhiên, trong công thức máu, chỉ số Hematocrit (Hct) mới là quan trọng để phản ánh mức độ cô đặc máu.

Cô đặc máu được hiểu là mất một lượng nước trong máu dẫn đến tình trạng máu đặc, nếu không điều trị kịp thời và đúng cách có thể dẫn đến những biến chứng nguy hiểm hơn , nếu không bù lượng nước đúng, đủ, kịp thời có thể dẫn tới giảm lượng máu tưới mô dẫn tới suy đa tạng, nặng hơn có thể gây sốc giảm thể tích.

Bác sĩ khuyến cáo, để xác định người bệnh có bị biến chứng cô đặc máu hay không, cần phải vào viện kiểm tra mới có thể biết chính xác. Khi nghi ngờ bị sốt xuất huyết, người bệnh cần được thăm khám ở cơ sở y tế đảm báo chất lượng để được điều trị kịp thời.

Lưu ý không tự ý truyền dịch và không dùng kháng sinh hay thuốc corticoid. Cần đặc biệt lưu ý từ ngày thứ 4 - 5 trở đi sẽ có hiện tượng máu cô đặc nếu không bù đủ dịch. Xét nghiệm công thức máu nếu thấy chỉ số Hematocrite tăng trên 20% so với ban đầu tức là máu bị cô đặc, phải hết sức lưu ý trong vấn đề truyền dịch.

Nếu qua ngày thứ 5-6 của sốt xuất huyết mà người bệnh không có cô đặc máu, không chảy máu, thể trạng tỉnh táo thì dù tiểu cầu thấp thế nào cũng không cần phải truyền tiểu cầu, bác sĩ sẽ cho xuất viện theo dõi tại nhà, để tránh quá tải bệnh viện và giảm áp lực cho các trung tâm huyết học./.

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/canh-bao-bien-chung-co-dac-mau-khi-mac-sot-xuat-huyet-201907.htm