Canh tác cà phê bền vững

Hướng tới phát triển cà phê đặc sản, cà phê chất lượng cao, nhiều doanh nghiệp, HTX và các hộ nông dân trên địa bàn tỉnh đã chú trọng canh tác cà phê bền vững theo tiêu chuẩn Rainforest Alliance, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng thu nhập cho người sản xuất cà phê, doanh nghiệp và giải quyết vấn đề về môi trường.

Nhân dân xã Chiềng Cọ, Thành phố được hướng dẫn cách phòng trừ sâu bệnh hại trên cây cà phê.

Bà Phạm Thị Lan, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và PTNT, thông tin: Tiêu chuẩn Rainforest Alliance (RA) được xem là thước đo tiêu chuẩn nông nghiệp bền vững, đảm bảo việc truy xuất thông tin từ trang trại đến sản phẩm; nguồn nguyên liệu canh tác theo hướng an toàn, không tồn dư các hóa chất nông nghiệp. Tiêu chuẩn này bao gồm những yêu cầu liên quan đến kỹ thuật canh tác và luân canh cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, thực hiện tiêu chuẩn RA còn hạn chế sử dụng thuốc diệt cỏ, thuốc trừ sâu, thuốc trừ nấm bệnh hóa học, giảm lượng phân bón hóa học. Khuyến khích nông dân trồng ghép cà phê theo hình thức nông lâm kết hợp, đảm bảo không ảnh hưởng đến rừng, bảo vệ tài nguyên nước, phục hồi dần hệ sinh thái tự nhiên và bảo tồn đa dạng sinh học trong khu vực canh tác.

Từ đầu năm đến nay, Sở Nông nghiệp và PTNT đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ) tổ chức tập huấn cho 90 học viên làm giảng viên tập huấn cho nông dân về sản xuất cà phê chè bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Tây Bắc.

Đồng thời, tập huấn cho 1.718 lượt nông dân về canh tác cà phê thích ứng với biến đổi khí hậu, các kỹ năng khuyến nông, đánh giá chuỗi giá trị và thương thảo hợp đồng theo dự án “Tăng cường khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu của các nhóm nghèo sản xuất cà phê tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên, xem xét các tác động của dịch Covid-19” sử dụng vốn ODA không hoàn lại của Chính phủ Đức trên địa bàn tỉnh Sơn La.

Hiện nay, toàn tỉnh có trên 19.200 ha cà phê (6.000 ha trồng xen cây ăn quả làm cây che bóng) tập trung ở các huyện Thuận Châu, Mai Sơn và Thành phố. Sản lượng cà phê xuất khẩu đạt 36.000 tấn, chủ yếu sang thị trường EU.

Trên 18.500 ha cà phê được các tổ chức cấp chứng nhận bền vững và tương đương, trong đó, 12.100 ha đạt tiêu chuẩn RA. Gồm: Công ty TNHH xuất nhập khẩu cà phê Minh Tiến - Chi nhánh Sơn La 3.100 ha; Công ty TNHH sản xuất và thương mại Cát Quế, Chi nhánh Sơn La 7.000 ha; Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La 2.000 ha. Năng suất bình quân từ 12-15 tấn/ha, cao hơn so với diện tích sản xuất truyền thống khoảng 2 tấn/ha. Sản phẩm đảm bảo an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng; môi trường được bảo vệ do không sử dụng các loại hóa chất trong sản xuất.

Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La hiện đang liên kết với 1.626 hộ dân các xã: Chiềng Ban, Chiềng Dong, Chiềng Chung, Chiềng Ve, Nà Ớt, Mường Bằng, huyện Mai Sơn và xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La, sản xuất trên 2.000 ha cà phê có chứng nhận RA.

Hàng năm, đội ngũ nhân viên kỹ thuật của công ty đến từng vùng nguyên liệu kiểm tra, hướng dẫn kỹ thuật, giúp nông dân hiểu về quy trình sản xuất; cách sử dụng hóa chất nông nghiệp; kiểm soát côn trùng dịch hại tổng hợp (IPM); cách sổ ghi chép trong quá trình canh tác...; định kỳ đánh giá mức độ tuân thủ tiêu chuẩn của các nông hộ; hỗ trợ nông dân thực hiện tốt tiêu chuẩn.

Ông Vũ Ngọc Huy, Trưởng phòng Vùng nguyên liệu, Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, thông tin: Từ đầu năm đến nay, Công ty đã tổ chức 37 lớp tập huấn kỹ thuật sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA cho trên 2.000 nông dân trồng cà phê của các khu vực. Phối hợp với HTX nông nghiệp dịch vụ du lịch bản Củ thu gom trên 3 tấn rác, vỏ bao thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng; khơi thông cống rãnh, phát cỏ dọc 2 bên đường nội bản, vườn cà phê, tổng chiều dài hơn 4,5 km tại bản Củ, xã Chiềng Ban. Vụ cà phê năm nay, Công ty dự kiến thu mua trên 20.000 tấn cà phê có chứng nhận RA của các nông hộ, theo giá thị trường cộng thêm giá thưởng 400 đồng/kg cà phê nhân.

Là một trong những hộ dân tham gia liên kết sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn RA với Công ty cổ phần Phúc Sinh Sơn La, ông Cà Văn Nghiệp, bản Nà Lo, xã Chiềng Ngần, Thành phố, cho biết: Thực hiện canh tác theo tiêu chuẩn RA mang lại nhiều lợi ích, năng suất, chất lượng cà phê nâng lên. Sản phẩm cà phê được Công ty thu mua với giá ổn định và có thêm phần tiền thưởng vào cuối vụ. Vụ cà phê năm nay, 2 ha cà phê của gia đình dự kiến đạt sản lượng 25 tấn quả tươi, ước thu nhập trên 300 triệu đồng.

Ngày 16/5/2023, Nghị viện châu Âu đã thông qua Quy định Chống phá rừng châu Âu (EUDR), theo đó, cà phê khi nhập khẩu vào thị trường này phải có thông tin định vị GPS đến từng vườn, dựa trên đó xác nhận về nguy cơ gây mất rừng bằng các hệ thống giám sát viễn thám.

Tuân thủ canh tác theo tiêu chuẩn RA giúp phát triển bền vững và phù hợp với các yêu cầu của thị trường châu Âu, góp phần nâng cao thu nhập cho người trồng cà phê.

Bài, ảnh: Lò Thái

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/canh-tac-ca-phe-ben-vung-PcdBxy34R.html