Cầu nối kết nghĩa khu dân cư

Hoạt động kết nghĩa giữa khu dân cư (KDC) ở địa phương này với KDC ở địa phương khác do MTTQ huyện Bố Trạch (Quảng Bình) kết nối là nét mới trong hoạt động của Mặt trận ở cơ sở. Việc làm trên đã trở thành cầu nối, khơi dậy tinh thần cộng đồng, góp sức để cùng nhau xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.

Ðại diện khu dân cư thôn Nội Hải, xã Hải Trạch trao quà tặng hộ nghèo thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch (Quảng Bình).

Hoạt động kết nghĩa giữa khu dân cư (KDC) ở địa phương này với KDC ở địa phương khác do MTTQ huyện Bố Trạch (Quảng Bình) kết nối là nét mới trong hoạt động của Mặt trận ở cơ sở. Việc làm trên đã trở thành cầu nối, khơi dậy tinh thần cộng đồng, góp sức để cùng nhau xây dựng nông thôn ngày càng đổi mới.

Gắn kết và sẻ chia

Dẫn chúng tôi đi thăm nhà văn hóa thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch, huyện Bố Trạch, đồng chí Cao Viết Thanh, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban Công tác Mặt trận (CTMT) thôn, chia sẻ: nhà văn hóa làm xong nhưng chưa có kinh phí để mua bàn ghế và âm thanh loa máy. Thực hiện chương trình kết nghĩa giữa các KDC, thôn Thanh Bình 3 được người dân làng biển Nội Hải, xã Hải Trạch lên thăm, tặng những món quà ý nghĩa để giúp người dân thuận lợi hơn trong các sinh hoạt cộng đồng. "Gặp nhau trong ngày kết nghĩa, những người phụ nữ thôn Nội Hải không giấu được cảm xúc, khi nhớ lại 30, 40 năm trước họ gồng gánh cá, mắm lên vùng đồi này đổi lương thực. Bây giờ đời sống người dân vùng biển Hải Trạch khấm khá hơn, họ trở lại thăm, tặng quà và kết nghĩa với nhau. Bà con hát chung bài ca kết đoàn giữa người miền xuôi và miền núi, giữa đồng bào công giáo và người không theo đạo, ý nghĩa lắm" - đồng chí Thanh bộc bạch.

Ðồng chí Hoàng Khánh Hòa, Bí thư Chi bộ, Trưởng ban CTMT thôn Nội Hải cho biết thêm, để việc kết nghĩa, hỗ trợ nhau mang lại hiệu quả, ban CTMT hai thôn đã khảo sát tình hình, bàn cách làm trên tinh thần, bên nào đời sống khá hơn thì giúp, chia sẻ với bên còn khó khăn hơn. Sau đó, ban CTMT thôn Nội Hải thông qua mạng xã hội để kết nối, kêu gọi con em sinh sống, làm việc xa quê có điều kiện ủng hộ về vật chất để tặng người dân thôn Thanh Bình 3. Tại buổi kết nghĩa, người dân thôn Nội Hải, xã Hải Trạch đã tặng thôn Thanh Bình 3, xã Hưng Trạch bàn ghế và bộ khánh tiết treo ở nhà văn hóa, cùng nhiều suất quà trị giá hơn 50 triệu đồng. Sau kết nghĩa, theo định kỳ, ban CTMT hai thôn trao đổi thông tin, kinh nghiệm vận động, tập hợp quần chúng nhân dân, chia sẻ cách làm hay trong xây dựng nông thôn mới. Ngày hội đại đoàn kết dân tộc, Ban cán sự thôn Thanh Bình 3 đến thăm, chúc mừng thôn Nội Hải. Ngược lại, dịp Giáng sinh, thôn Nội Hải lên chúc mừng bà con giáo dân thôn Thanh Bình 3, trao hàng chục suất quà Tết tặng các hộ nghèo.

Cùng với tinh thần đoàn kết, tương thân tương ái, việc kết nghĩa giữa KDC Bắc Hồng, xã Nhân Trạch và thôn 1 Phúc Khê, xã Phúc Trạch cũng chứa chan ân tình. Trong ngày hội vui, họ chia sẻ những lời ca, tiếng hát và những món quà ý nghĩa. Những thiết bị phục vụ ở Nhà văn hóa thôn 1 Phúc Khê như: quạt điện, bàn, ghế, tủ sách pháp luật... được người dân thôn Bắc Hồng mang lên tặng. Hai KDC thường xuyên liên lạc thăm hỏi, động viên lẫn nhau, trao đổi về kinh nghiệm xóa đói, giảm nghèo, cách vận động bà con tìm việc làm phù hợp bản thân và gia đình; chia sẻ cách vận động các cặp vợ chồng trẻ sinh con thứ ba. Các ngày hội, lễ, Tết, ban cán sự thôn và ban CTMT đều đến thăm nhau, trao nhiều suất quà tặng các gia đình có hoàn cảnh khó khăn để động viên họ vươn lên trong cuộc sống.

Cầu nối đoàn kết

Từ trước đến nay, việc tổ chức kết nghĩa, giao lưu giữa các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang với trường học, cơ quan, doanh nghiệp thường xuyên diễn ra trên địa bàn huyện Bố Trạch, song hoạt động kết nghĩa giữa KDC các vùng miền, giữa người công giáo và người không theo đạo thì chưa có. Từ thực tế đó, để thực hiện công tác dân vận khéo ở vùng đồng bào công giáo, Ban Thường trực MTTQ huyện xây dựng chương trình kết nghĩa giữa các KDC. Chủ tịch MTTQ huyện Lê Duy Hưng, cho biết: Lúc đầu triển khai thực hiện mô hình kết nghĩa KDC ở huyện Bố Trạch gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, với phương châm "mưa dầm thấm lâu", Ban Thường trực đã cử Phó Chủ tịch MTTQ huyện Hoàng Thị Minh về bốn xã là Hải Trạch, Nhân Trạch, Hưng Trạch và Phúc Trạch đặt vấn đề, giải thích nội dung, ý nghĩa của mô hình kết nghĩa. Tiếp đó, MTTQ huyện đã gửi kế hoạch xây dựng mô hình kết nghĩa KDC tới đảng ủy, UBND, MTTQ của bốn địa phương để chọn KDC làm mô hình điểm. Từ mô hình kết nghĩa đầu tiên được thực hiện cuối năm 2017, đến nay huyện Bố Trạch đã có 16 đơn vị mặt trận cơ sở kết nghĩa với nhau. Cách làm nêu trên đã giúp đội ngũ làm công tác mặt trận ở cơ sở nâng cao nhận thức, kỹ năng tuyên truyền, vận động nhân dân. Mặt khác, việc tổ chức kết nghĩa đã vận động được các KDC có điều kiện hỗ trợ, giúp đỡ về vật chất đối với các KDC còn khó khăn, qua đó động viên nhân dân khơi dậy ý chí, vươn lên xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no.

Theo Chủ tịch MTTQ xã Phúc Trạch Từ Như Luật, mô hình kết nghĩa giữa các KDC miền xuôi và miền núi, hay giữa bà con lương - giáo là mô hình đầy tính nhân văn, tạo điều kiện cho đồng bào lương - giáo ngày càng hiểu nhau và gắn kết hơn. Từ sau khi tổ chức lễ kết nghĩa, ý thức của người dân thôn 1 Phúc Khê, Phúc Trạch có nhiều thay đổi rõ nét. Người dân tự nguyện hiến đất mở rộng đường, đóng góp xây dựng đường bê-tông, hàng rào nhà văn hóa... hưởng ứng tích cực cuộc vận động xây dựng nông thôn mới.

Có thể nói, hoạt động giao lưu kết nghĩa giữa các KDC ở Bố Trạch, do MTTQ huyện làm cầu nối đã để lại trong lòng cán bộ, nhân dân các KDC tình cảm sâu sắc, qua đó vận động nhân dân thực hiện có hiệu quả cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh" gắn với thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững ở địa phương. Chủ tịch MTTQ huyện Bố Trạch Lê Duy Hưng chia sẻ, để hoạt động kết nghĩa KDC có hiệu quả, chất lượng, trước hết cấp ủy, chính quyền, mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương phải nắm vững chủ trương, đường lối của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, công tác dân tộc, tôn giáo và phong tục tập quán, đời sống của người dân. Quá trình triển khai, cấp ủy, chính quyền, mặt trận phải gần dân, hiểu được tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của người dân để làm tốt công tác phát động quần chúng, xây dựng mối quan hệ gần gũi, chăm lo đời sống người dân bằng những việc làm thiết thực. Việc tổ chức kết nghĩa cần hiệu quả và hoạt động lâu dài trên cơ sở hỗ trợ, gắn kết lẫn nhau vì mục tiêu nâng cao đời sống cho người dân.

Bài và ảnh: HƯƠNG GIANG, THI XUÂN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/chinhtri/tin-tuc-su-kien/item/42039302-cau-noi-ket-nghia-khu-dan-cu.html