Cây xương rồng của con

Khi bà con cô bác ra về, mẹ giục tôi lên giường đi ngủ để sáng mai lên đường sớm. Sau hai mươi năm gắn bó với mái tranh nghèo, cuộc đời tôi bước sang trang mới, trở thành người chiến sĩ trong hàng ngũ Quân đội nhân dân Việt Nam. Tôi vặn nhỏ ngọn đèn dầu, mơ màng nghĩ về chặng đường sắp tới, lòng xốn xang bao cảm xúc lẫn lộn. Rét Nàng Bân thông thốc từng đợt lùa qua phên liếp. Cha kéo chăn trùm cho tôi…

Tôi đang mơ màng trong giấc chiêm bao thì mẹ lay tôi dậy. Gần 4 giờ sáng. Gà gáy râm ran khắp xóm. Trời rét căm căm. Bếp lửa mẹ nhen từ lúc nào, rần rật củi than. Mẹ bới cơm giục tôi ăn. Nồi thịt kho dậy mùi thơm nức. Mẹ hơ lá chuối trên bếp lửa hồng, nắm cơm cho tôi. Tôi ngồi ăn, nước mắt lưng tròng. Mẹ ngồi bên. Im lặng. Mắt đỏ hoe…

Trời tang tảng sáng, cha mẹ, chú ruột và em trai tiễn tôi đến điểm tập trung. Tôi bước lên xe ô tô, cùng những thanh niên đồng trang lứa mà từ đây, tôi được gọi họ là đồng chí, vẫy tay chào tạm biệt người thân. Nắm cơm nếp mẹ gói trong ba lô tỏa hơi nóng sau lưng, thấm qua từng lớp vải lan tỏa vào cơ thể. Tôi cảm nhận được hơi ấm của mẹ, tình yêu và nỗi lo lắng của mẹ! Đoàn xe lăn bánh. Hình ảnh quê hương khốn khó loang loáng lướt ngoài ô cửa xe…

Thấm thoắt, đã hơn 30 năm trôi qua. Cuộc đời quân ngũ của tôi trưởng thành từ chàng binh nhì đến sĩ quan cao cấp. Chuỗi tháng năm dằng dặc, trải qua biết bao vất vả, khó khăn gian khổ, nhưng mỗi khi nhớ về bữa cơm ngày nhập ngũ, cứ ngỡ như vừa mới hôm qua.

Sau này tôi mới biết, để có được bữa cơm nếp thịt kho hôm ấy, mẹ đã phải vay hai cô giáo cùng trường mấy nghìn đồng mới mua được miếng thịt ngon nấu cho tôi ăn.

Đến bây giờ, đi qua bao vùng đất, ăn đủ đặc sản các vùng quê, có khi được mời dự những bữa tiệc sang trọng trong nhà hàng, khách sạn 5 sao, nhưng không có mâm cỗ nào đậm vị tình thân như bữa cơm mẹ nấu tiễn tôi vào quân ngũ.

Tôi nhập ngũ ngày 21-3-1991. Thời ấy, đời sống còn khó khăn lắm. Làng tôi nhà nào cũng nghèo. Tuổi thơ tôi là chuỗi ngày tháng đói kém triền miên. Người làng quanh năm trông chờ vào một vụ thóc. Năm nào giời thương cho được mùa còn có cái để mà bưng bát. Năm nào thiên tai lụt lội, mất mùa, cả làng phải túa lên rừng, xuống bể, lặn lội khắp nơi tìm kiếm cái ăn. Nhà tôi đông anh em nên từ lúc lọt lòng mẹ, tôi ở với ông bà nội. Lên 8 tuổi, tôi vác cuốc theo ông nội lên núi đào đá trồng khoai. Làm quần quật nhưng đến tháng ba ngày tám là nhà hết gạo. Bà tôi lại tất tả mang đấu đi vay, đến mùa thu hoạch lại trả. Cái vòng vay - trả luẩn quẩn kéo theo cái đói, cái nghèo lê thê hết năm này qua năm khác. Cha mẹ tôi đi làm xa, mỗi năm gia đình chỉ có hai lần sum họp vào dịp hè và ngày tết. Lớn lên trong gian khó, thiếu thốn hơi ấm mẹ cha, tôi hay tủi phận. Nhiều khi thấy tương lai mờ mịt, bế tắc…

Mẹ tôi tính nóng như lửa, gặp chuyện không ưng là phản ứng tức thì. Mẹ mâu thuẫn với hầu hết các thành viên trong đại gia đình bởi đường ăn nết ở thiếu sự dịu dàng, khôn khéo. Dù ít có thời gian sống với mẹ cha, nhưng mỗi dịp sum họp gia đình, tôi nhận về mình những lời la mắng, dạy dỗ nhiều hơn là sự vỗ về yêu thương. Không ít lần tôi oán trách mẹ cha rồi lại tự ti với hoàn cảnh của mình…

Thế nhưng từ bữa cơm hôm ấy, bữa cơm mà mẹ đã vét những đồng tiền lương còm cõi của một giáo viên để mua được đấu gạo nếp; Bữa cơm mà mẹ phải đi vay đồng nghiệp để có tiền mua nửa ký thịt heo nấu cho tôi ăn; Bữa cơm mà suốt chuỗi ngày tháng khó khăn đói kém, mẹ biết tôi là đứa thèm thịt kho, nuốt nước bọt đến mòn cả họng mỗi khi ngửi thấy mùi thịt kho của nhà hàng xóm… tôi biết học cách thương mẹ.

Càng trưởng thành tôi càng thấm hơn nỗi khổ cực và những góc khuất trong tâm can của mẹ. Cái vòng luẩn quẩn cơm áo gạo tiền và những lần mang nặng đẻ đau, một mình vượt cạn sinh tôi dưới tầm bom B.52 của Mỹ; cái vòng luẩn quẩn của mối quan hệ gia đình sau lũy tre làng… đã gieo vào lòng mẹ những ý nghĩ cực đoan. Mẹ phải căng mình ra để sống, phải gồng mình lên để đương đầu với khó khăn. Mẹ như cây xương rồng tủa hết gai góc ra bên ngoài, nhưng bên trong thì rất đỗi yếu mềm. Tôi thường nghĩ về mẹ bằng những gì thấy bên ngoài. Khi đã làm cha của hai đứa con, đến tuổi tóc sương sa, tôi mới đặt được những dấu chân vào thế giới nội tâm của mẹ. Tuổi thơ và quãng thanh xuân dữ dội, tôi đã trách nhầm mẹ. Nhiều người trách nhầm mẹ. Lẽ ra khi mẹ như ngọn lửa hừng hực cháy, sẵn sàng thiêu đốt mọi thứ xung quanh, cuộc sống cần nhất là những dòng nước mát lành làm dịu đi những xung đột. Đằng này, chúng ta lại thường chọn cách quạt cho lửa bùng lên, thậm chí là đổ dầu vào lửa.

Tôi đi nhiều, tiếp xúc nhiều. Dọc dài đất nước biết bao thế hệ người mẹ đã nếm trải trăm ngàn vất vả, gian khổ, hy sinh…, có bao nhiêu bà mẹ như mẹ tôi? Nhiều! Nhiều lắm! Rất nhiều… Và chúng ta, đã bao giờ đi từ tâm lửa để dặn lòng mình hãy làm một dòng nước mát, hay chỉ quen oán trách, than thân, tủi phận? Trong mọi cái khổ của cuộc sống gia đình, mẹ là người cuối cùng nhận về tất cả.

Mẹ tôi giờ đã vào ngưỡng 90. Ơn giời mẹ vẫn khỏe! Tính mẹ vẫn nóng như lửa, nhưng lại mau nước mắt, cứ khóc hu hu như một đứa trẻ mỗi khi tôi về quê, dang tay ôm mẹ hay mỗi lần tôi bước lên xe trở lại đơn vị. Nhiều lần mẹ nói, mẹ xin lỗi vì thời còn sức khỏe, mẹ không lo được cho các con cuộc sống đủ đầy, lại hay quát mắng. Giờ mẹ già yếu, muốn làm nhiều việc bù đắp cho các con mà lực bất tòng tâm. Rồi mẹ lại khóc!

Mẹ ơi! Mẹ đừng nói lời xin lỗi, mẹ đừng khóc mà xót lòng con. Đắng cay gian khó qua rồi, chỉ mong mẹ mạnh khỏe sống lâu, bởi rồi cũng sẽ đến cái ngày, dù con cháu có mang cả núi công danh, tiền tài, địa vị để đổi lấy, dù chỉ một giây thôi, nghe mẹ la mắng như thuở xưa, cũng là điều không tưởng.

Cây xương rồng cần có gai mới sống được trên cát bỏng chang chang. Xương rồng mang trong mình nguồn nhựa sống dạt dào. Chỉ khi cảm thấu nhựa xương rồng là nguồn dược liệu quý của y học, mới biết trân quý vẹn tròn tình mẹ.

Yêu mẹ nhiều, cây xương rồng của con!

Đức Giang

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/142027/cay-xuong-rong-cua-con