Chăm sóc lúa và rau màu sau ngập úng

Mưa lớn trên diện rộng những ngày qua tại các tỉnh phía bắc và Bắc Trung Bộ đã gây ngập úng hàng trăm nghìn héc-ta rau màu và lúa mới cấy. Để hạn chế thiệt hại, các địa phương tăng cường hỗ trợ, hướng dẫn người dân thực hiện những biện pháp khôi phục sản xuất sau mưa lũ.

Theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), tính đến ngày 3-8, các tỉnh Hà Nam, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh.. là những địa phương chịu thiệt hại nặng nề, với hơn 37 nghìn héc-ta lúa bị ảnh hưởng do mưa lũ. Trong đó, có gần 23 nghìn héc-ta bị thiệt hại hơn 70%, nặng nhất là Thanh Hóa (hơn 8.618 ha), Nghệ An (khoảng 8.106 ha), Ninh Bình (4.785 ha). Hơn 4.862 ha lúa bị thiệt hại từ 50 đến 70% và khoảng 10.000 ha bị thiệt hại dưới 50%. Ngoài lúa các địa phương còn có tới 7 nghìn héc-ta rau màu bị thiệt hại hơn 70%, và khoảng 633 ha thiệt hại từ 50 đến 70%.

Tại Bắc Ninh, mưa lớn làm úng ngập và đầy nước 8.280 ha lúa mùa, tập trung chủ yếu tại các huyện Thuận Thành (2.900 ha), Lương Tài (hơn 2.000 ha), Tiên Du (hơn 1.500 ha)… Để cứu hàng nghìn héc-ta lúa, Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bắc Ninh Nguyễn Văn Đại cho biết, đã chỉ đạo các Công ty TNHH Một thành viên khai thác công trình thủy lợi Bắc Đuống, Nam Đuống huy động 248 máy bơm tiêu tham gia vận hành tiêu úng, vì vậy tình trạng ngập úng lúa đã được khắc phục kịp thời. Đối với diện tích lúa bị ngập từ 2 đến 4 ngày, thoát nước kịp, có khả năng hồi phục, diện tích chủ yếu trên chân mới gieo, cấy chưa quá 10 ngày, ngành nông nghiệp tỉnh đã hướng dẫn người dân tiêu thoát nước, tạo điều kiện thuận lợi cho cây lúa quang hợp. Đối với diện tích lúa bị chết, mất khoảng, Sở đã hướng dẫn người dân tiến hành tỉa san từ các khóm lúa đẻ nhiều dảnh trên ruộng hoặc sử dụng mạ cùng giống, còn giâm trên ruộng chân cao không bị ngập úng, cấy bù vào những diện tích bị thiệt hại.

Theo dự báo tình hình mưa lũ tiếp tục có nhiều diễn biến phức tạp, trong khi tại nhiều địa phương, những cánh đồng lúa vẫn đang chìm giữa biển nước. Vì vậy, Cục Trồng trọt đề nghị Sở NN và PTNT các tỉnh phía bắc tập trung hướng dẫn người dân huy động mọi nguồn lực để tiêu úng, khơi thông các dòng chảy đối với những diện tích còn bị ngập. Đối với những diện tích ngập nặng, cần sử dụng máy bơm để thoát nước nhanh, tiến hành tiêu triệt để nước vùng đệm, đề phòng xảy ra mưa lớn.

Phó Cục trưởng Trồng trọt (Bộ NN và PTNT) Trần Xuân Định khuyến cáo, đối với diện tích lúa gieo cấy sớm, không bị ngập trắng, người dân cần thực hiện các biện pháp chăm sóc kịp thời bón thúc đợt 2. Đồng thời, phải bám sát đồng ruộng, theo dõi chặt chẽ tình hình phát sinh tiêu cực của các đối tượng sinh vật hại như bệnh lùn sọc đen, rầy nâu, rầy lưng trắng, bệnh bạc lá, sâu cuốn lá, sâu đục thân. Đối với những loại cây rau màu, các địa phương cần khẩn trương thu hoạch khi sản phẩm đạt yêu cầu hoặc tận thu ở ruộng bị ngập nặng. Tháo nước nhanh, kịp thời, vệ sinh đồng ruộng, khơi thông các dòng chảy, không được để nước ngập lâu trong ruộng gây thối cây, thối rễ. Với ruộng ngập thời gian ngắn và cây rau còn nhỏ có khả năng phục hồi, cần phun các loại thuốc phòng trừ nấm, chăm sóc bổ sung, bón thêm phân khi thời tiết thuận lợi, giúp cây nhanh phục hồi. Đối với những diện tích bị ảnh hưởng nặng, không có khả năng cho thu hoạch cần vệ sinh đồng ruộng, chủ động chuẩn bị đất để gieo trồng lại những loại rau ngắn ngày, rau ưa nước để cung cấp nhanh cho thị trường lúc giáp vụ.

Để ổn định sản xuất, đời sống cho nhân dân, các cơ quan chức năng cần khẩn trương hỗ trợ về cây giống, nguồn vốn đối với những địa phương bị thiệt hại nặng, để người dân có điều kiện khôi phục sản xuất. Bên cạnh đó, đối với những diện tích mất trắng, ngành nông nghiệp các địa phương sớm hướng dẫn người dân chuyển đổi qua trồng các loại hoa màu ngắn ngày cho phù hợp.

THƯ SƠN

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/kinhte/item/37279102-cham-soc-lua-va-rau-mau-sau-ngap-ung.html