Chất lượng văn bằng, bao giờ cho thật yên tâm?

Luật GDĐH sửa đổi đã chính thức có hiệu lực từ 1-7-2019, theo quy định các loại hình đào tạo ĐH có giá trị như nhau, trên các văn bằng không còn ghi loại hình đào tạo chính quy hay tại chức. Điều này đồng nghĩa với văn bằng 2 cũng không có sự phân biệt. Nhưng cứ nhìn vào sự việc trường ĐH Đông Đô đào tạo chui văn bằng 2 vừa qua mới thấy, chất lượng các hệ văn bằng của giáo dục ĐH còn nhiều vấn đề khó mà yên tâm.

Theo quy định trong Quyết định số 22/QĐ-BGDĐT ngày 22-6-2001 của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quy định về đào tạo để cấp văn bằng tốt nghiệp ĐH thứ hai (gọi tắt là văn bằng 2), việc đào tạo văn bằng 2 chỉ được thực hiện ở những cơ sở đào tạo được cho phép của Bộ GD&ĐT ở những ngành đã được phép đào tạo hệ chính quy sau khi có ít nhất hai khóa sinh viên chính quy của ngành đó tốt nghiệp. Theo đó, cơ sở đào tạo phải có văn bản đề nghị với Bộ GD&ĐT về việc cho phép đào tạo văn bằng 2.

Năm 2017 trường ĐH Đông Đô công khai tuyển sinh đến 17 ngành đào tạo văn bằng 2 gồm: Công nghệ kỹ thuật môi trường; Công nghệ sinh học; Công nghệ thông tin; Kỹ thuật điện tử truyền thông; Kỹ thuật xây dựng; Kiến trúc; Công nghệ kỹ thuật ô tô; Quản trị kinh doanh; Tài chính ngân hàng; Quan hệ quốc tế; Luật kinh tế; Việt Nam học; Ngôn ngữ Anh; Ngôn ngữ Trung; Thông tin học; Kế toán; Quản lý Nhà nước. Năm 2018, trường ĐH Đông Đô có đưa ra thông báo về tuyển sinh văn bằng 2 ở ngành Ngôn ngữ Anh và Ngôn ngữ Trung. Nhưng tất cả đều… chưa xin phép, chưa được cấp phép.

Chất lượng văn bằng của các loại hình đào tạo ĐH vẫn còn nhiều vấn đề để nói. Ảnh minh họa

Vì sao một trường ở ngay giữa Hà Nội đào tạo chui mà không bị phát hiện? Câu trả lời từ phía Bộ GD&ĐT về trường hợp này là: Chưa nhận được bất cứ văn bản đề nghị nào liên quan đến việc cho phép đào tạo văn bằng 2 của trường này. Do vậy, Bộ chưa có văn bản cho phép trường này được đào tạo văn bằng 2. Theo đó, từ năm 2016 đến năm 2018, Trường ĐH Đông Đô có thực hiện báo cáo thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy theo quy định của Quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy. Tuy nhiên, trong báo cáo kết quả tuyển sinh các năm từ 2016 đến 2018 gửi về Vụ Giáo dục ĐH của trường không có thông tin về việc đào tạo văn bằng 2. Do trường ĐH Đông Đô không gửi hồ sơ xin phép đào tạo văn bằng 2 do vậy Bộ cũng không yêu cầu trường báo cáo (theo quy định tại Quyết định số 22/2001/QĐ-BGDĐT).

Tuy nhiên, thực tế, trong 3 năm liên tiếp, Vụ Kế hoạch - tài chính của Bộ GD&ĐT vẫn xác nhận chỉ tiêu đào tạo văn bằng 2 cho trường ĐH Đông Đô. Chưa báo cáo nhưng vẫn được xác nhận chỉ tiêu, đây có phải là một lỗi trong hệ thống quản lý hay không? Vì không báo cáo nên không kiểm tra, liệu có trường hợp nào khác tương tự nhưng chưa bị phát hiện nữa hay không?

Và từ trường hợp đào tạo chui của ĐH Đông Đô, chất lượng văn bằng của GDĐH lại được nhắc tới lần nữa. Trên thực tế, hệ thống GDĐH đang tồn tại nhiều hệ đào tạo, từ chính quy đến tại chức, văn bằng 2, liên thông, từ xa. Theo Luật GDĐH sửa đổi, sự phân biệt về bằng cấp giữa các hình thức đào tạo ĐH đã không còn. Nhưng độ chênh lệch về chất lượng vẫn chưa được xóa bỏ. Không những chênh lệch về chất lượng đầu vào, chương trình, thời gian đào tạo mà nếu có trường hợp đào tạo chui, thì văn bằng có tính pháp lý không? Sinh viên đang học dang dở có được cấp bằng không vẫn chưa có câu trả lời.

Quy định các văn bằng giá trị ngang nhau là chính sách tiến bộ, tạo nền giáo dục mở, mang lại cơ hội cho người có động cơ học tập đúng đắn. Tuy nhiên, giá trị các loại văn bằng của nhiều hình thức đào tạo vẫn chưa thật yên tâm. Nhất là khi, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát của Bộ chủ quản vẫn còn chưa sâu sát.

Phan Thủy

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/chat-luong-van-bang-bao-gio-cho-that-yen-tam-160550.html