Châu Âu bắt đầu nhận ra hậu quả thảm khốc khi tuyến ống Nord Stream bị phá hủy

Tuyến ống Nord Stream bị phá hủy gây hậu quả tai hại cho Liên minh châu Âu, khi EU nhận thấy mình đã phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ.

Sau khi tuyến ống dẫn khí đốt Nord Stream bị nổ, châu Âu đã cảm thấy vị thế của mình như "cá nằm trên thớt" trong mối quan hệ với Mỹ và các nhà chức trách EU bây giờ mới bắt đầu nhận ra điều này.

Quan điểm trên đã được các nhà phân tích đến từ tờ báo Sohu của Trung Quốc bày tỏ, họ đã có một bài đánh giá những tác động đối với Liên minh châu Âu sau sự kiện mang tính bước ngoặt vừa diễn ra.

Như các tác giả của tờ Sohu đã lưu ý, các cường quốc châu Âu thực sự hy vọng rằng nước Mỹ sẽ coi họ như đồng minh và giúp EU đối phó với tình trạng thiếu hụt năng lượng khi nguồn cung từ Nga sụt giảm.

Tuy nhiên, các đại diện của Liên minh châu Âu đã không đạt được thỏa thuận với người Mỹ: Washington chỉ đồng ý cung cấp cho họ khí đốt với giá đắt gấp 4 lần so với mức mà người dân thuộc khối EU có thể mua được.

Bài báo viết: “Và châu Âu không có một cơ hội thương lượng nào với Mỹ ngay bây giờ”. Tờ Sohu nhấn mạnh rằng sau khi đường ống Nord Stream bị phá hủy, châu Âu không còn lựa chọn nào khác ngoài việc mua khí tự nhiên hóa lỏng đắt đỏ từ Mỹ.

Đương nhiên điều này sẽ phá hủy nền kinh tế của các quốc gia hàng đầu trong khối EU, bởi vì ngành công nghiệp châu Âu được xây dựng kế hoạch tăng trưởng với kỳ vọng về khí đốt giá rẻ mua từ Liên bang Nga.

“Cho đến nay, châu Âu vẫn chưa từ bỏ cuộc chiến vì tương lai của mình. Ví dụ, Đức đang tích cực kêu gọi các nhà nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn như Hàn Quốc và Nhật Bản, với yêu cầu thành lập liên minh và gây áp lực lên Mỹ để giảm giá năng lượng".

"Nhưng ý tưởng này là ngây thơ, bởi vì những gã khổng lồ năng lượng của Mỹ sẽ không bao giờ chịu xuống thang. Mỹ quyết tâm trở thành nhà cung cấp khí đốt lớn nhất cho EU nhằm kiếm lợi nhuận cao từ các đồng minh của mình”, tờ Sohu viết.

Ấn phẩm tiếng Trung lưu ý rằng chỉ bây giờ Liên minh châu Âu mới bắt đầu nhận ra hậu quả của việc phá hoại Dòng chảy Phương Bắc sẽ thảm khốc như thế nào.

“Nền kinh tế châu Âu đã rơi vào tay Mỹ, và điều duy nhất mà EU có thể làm là nhắc nhở Washington về đạo đức và các mối quan hệ đồng minh. Nhưng điều này là vô ích”, ấn phẩm Sohu nhấn mạnh.

Nhưng bên cạnh đó, cũng có ý kiến khác cho rằng kể cả khi tuyến đường ống Nord Stream không bị phá hủy thì thực tế nó cũng không còn tác dụng, bởi Nga đã cho dừng nhánh NS-1 vô thời hạn "để sửa chữa", trong khi NS-2 chưa từng đưa vào vận hành.

Châu Âu sẽ tận dụng sự kiện này để đẩy nhanh việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo, đồng thời thi hành chính sách tránh việc phụ thuộc vào đối thủ lớn nhất đó chính là Liên bang Nga.

Về phần Moskva, họ cũng chịu hậu quả to lớn thậm chí còn hơn cả Liên minh châu Âu, khi công cụ gần như là duy nhất đủ sức nặng gây áp lực lên EU vào thời điểm hiện nay đã không còn.

Khi tuyến đường ống Dòng chảy phương Bắc bị phá hủy, dễ dàng nhận thấy Mỹ là bên hưởng lợi nhiều nhất, bởi vậy không khó hiểu tại sao Nga luôn bóng gió Washington đã đứng sau sự việc nói trên.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chau-au-bat-dau-nhan-ra-hau-qua-tham-khoc-khi-tuyen-ong-nord-stream-bi-pha-huy-post519718.antd