Chiếc bút kim tinh của người anh hùng liệt sĩ

19 tuổi lên đường đánh giặc và chỉ khoảng 2 tháng vào chiến trường, ông đã 'mỉm cười gối đầu trên cỏ mềm để giấc ngủ bình yên' sau những loạt đạn bom tàn khốc của kẻ thù.

Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Thường hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc năm 1979

Em phải ra đi!

Đó là lời nói của ông Trần Trọng Thường với chị dâu trước khi nhập ngũ năm 1977, lúc ông Thường 19 tuổi. Hai anh em ruột đi khám tuyển, nhưng ông Thường quả quyết lên đường, vì khi ấy ông chưa vướng bận gia đình, để nhường anh ruột đã có vợ con ở lại cùng cha mẹ, thôn Tráng Liệt, xã Thanh Sơn (Thanh Hà).

Chị dâu ông Thường, cũng sinh năm 1957, cùng quê nên biết rõ ông từ nhỏ. "Chú ấy trắng trẻo, má lúm đồng tiền. Cả làng ai cũng khen đẹp lắm. Huấn luyện xong, chú về chào nhà rồi đi ngay một mạch cho đến lúc có người báo chú ấy đã hy sinh", bà Đoàn Thị Dưng, chị dâu ông Thường nhớ lại.

Huấn luyện xong ở Bắc Giang, năm 1979, ông Thường cùng đơn vị hành quân lên biên giới, khi cuộc chiến tranh với Trung Quốc nổ ra. Gia đình chỉ biết ông thuộc biên chế của sư đoàn bộ binh chính quy (Sư đoàn Sao Vàng). Và chỉ chừng 2 tháng trên chiến trường, ông đã cùng đồng đội đẩy lùi nhiều cuộc tấn công ồ ạt của quân thù, góp phần vào chiến thắng cuối cùng trên suốt rẻo biên cương phía Bắc.

Ngày 4.3.1979, 13 ngày trước khi Trung Quốc rút quân, ông đã ngã xuống, khi trên mình vẫn mặc chiếc áo len mẹ mua cho trước lúc lên đường và túi áo vẫn gài chiếc bút kim tinh mà người anh trai kỷ niệm. Ngày 20.12.1979, liệt sĩ Trần Trọng Thường được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Chỉ chừng 2 tháng trên chiến trường nhưng những gì thuộc về người liệt sĩ anh hùng Trần Trọng Thường là cả một câu chuyện dài, dù chỉ là những thông tin chắp vá nhưng cũng đủ thấy khí thế cuộn trào của một thế hệ anh hùng, sẵn sàng "Một xanh cỏ - hai đỏ ngực" trước bất cứ kẻ thù nào. Những con người của thế hệ anh hùng ấy, dù bất cứ đang làm công việc gì nhưng đều sẵn sàng xếp lại mọi dự định để lên đường đánh giặc.

Ông Trần Trung Bình, anh ruột liệt sĩ Thường kể, đang học lớp 10 thì ông Thường đi bộ đội. Ông là người ham học nhưng sẵn sàng gác lại để đi làm nhiệm vụ với mong muốn trở về học tiếp khi đất nước hòa bình.

Lúc em trai huấn luyện ở Bắc Giang, một số lần ông Bình đạp xe lên thăm. Theo chiếc xe đạp ấy là lỉnh kỉnh quà quê mẹ gửi, khi là chút gạo nếp, khi là những chùm vải thiều đỏ mọng. Ngày ông Thường vào quân ngũ, ông Bình biết, em vẫn chỉ là một chàng trai quê mới lớn, chưa biết cầm tay con gái, nhưng ý chí lên đường thì luôn sôi sục. Trong các cuộc trò chuyện với nhau, ông Thường luôn bày tỏ với anh trai về ý định đi bộ đội. Dù đất nước vừa giải phóng nhưng nếu đi cũng chưa biết sống chết thế nào. Song em vẫn phải ra đi.

Sau gần 2 năm huấn luyện, ông Thường được giữ lại đi học hạ sĩ quan rồi cùng đơn vị hành quân lên biên giới. Trước lúc ra chiến trường, ông Thường được về thăm bố mẹ và anh chị đúng một ngày. Là em út lại phải xa gia đình đi lính nên ông được anh trai dồn nhiều tình cảm. Chiếc bút kim tinh đang dùng đi học, chiếc đồng hồ Poljot đang đeo cũng là của anh trai tháo tặng. Anh em cách nhau 3 tuổi nên như những người bạn, rất hiểu và hợp ý nhau. Hôm sau em trở lại đơn vị để lên biên giới, 2 anh em chở nhau bằng xe đạp từ sáng tờ mờ đất, đến Bắc Giang thì trời đã tối. Hành trang của ông Thường ngoài chiếc bút kim tinh, chiếc đồng hồ anh tặng còn là tấm áo len mẹ mới mua ngoài chợ. Khi đó đang mùa đông rét mướt. Những kỷ vật ấy được ông nâng niu, mang bên mình suốt chiến trường cho đến khi nằm xuống. Chở em đến đơn vị, ông Bình đứng ở cổng nhìn em khuất sau các dãy nhà rồi mới quay trở lại. Đó cũng là lần cuối cùng ông gặp em trai.

Chiếc bút kim tinh của Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Thường đang trưng bày tại Bảo tàng tỉnh Hải Dương như một biểu trưng cho tinh thần của một thế hệ trẻ anh hùng sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường đánh giặc

Đóng quân ở Lạng Sơn đúng vào những ngày đầu cuộc chiến tranh biên giới, chiến trường khốc liệt nhưng những lá thư vẫn được ông Thường đều đặn gửi về. Những lá thư được viết bằng chiếc bút kim tinh người anh trai kỷ niệm mà ông luôn gài trong túi áo. Trong những bức thư ấy là chiến trận, là bom rơi đạn nổ, là những người đồng đội ngã xuống bên mâm pháo. Những bức thư ấy còn là cảnh những đoàn người sơ tán về xuôi, là kẻ thù hung hãn và những người lính trẻ Việt Nam giương lưỡi lê sáng quắc lao ra trận quần thảo với kẻ thù.

Những tư liệu về anh hùng liệt sĩ Trần Trọng Thường hiện chỉ còn chắp vá, gia đình cũng không lưu giữ hồ sơ khi ông được truy tặng danh hiệu anh hùng. Nhưng bằng một số thông tin ít ỏi của Bảo tàng tỉnh, cho thấy từ ngày 17-23.2.1979, đơn vị của ông Thường ở Đông Bắc (Đồng Đăng, Lạng Sơn) phải đối đầu với biển người của Trung Quốc đang được pháo binh yểm trợ. Ông Thường cùng tiểu đội của mình đã đẩy lùi nhiều cuộc tấn công. Ông nổ súng diệt 7 tên địch và chỉ huy tiểu đội diệt nhiều tên khác, bảo vệ thành công trận địa. Từ ngày 25-28.2.1979, địch sử dụng lực lượng lớn đánh phá vào trận địa, ông Thường tiêu diệt 39 tên, thu 1 súng. Ngày 2.3.1979, sau khi súng hết đạn, ông Thường dùng báng súng chống trả và thoát khỏi vòng vây của địch.

Ông Trần Trung Bình kể, những thông tin này của em trai ông cũng đã đọc trên một tờ báo do người em rể là Vũ Đình Tánh, khi đó đóng quân ở Tiền Giang mang về cho gia đình. Khi ấy nhà chỉ biết ông vẫn ở chiến trường chứ chưa biết ông đã hy sinh vào ngày 4.3.1979.

"Trở về" với mẹ

Một ngày năm 1979, có người báo tin ông Thường đã hy sinh, cả gia đình chỉ mong đó là nhầm lẫn. Nhưng trước đó, những lá thư gửi về từ chiến trường thưa thớt rồi ngừng hẳn đã khiến gia đình buộc phải dần tin đó là sự thật. Người mẹ của ông Thường như ngây dại suốt nhiều ngày. Dẫu biết con hy sinh vì nước, nhưng mất con thì người mẹ nào cũng vậy và ở thời nào cũng thế.

Một năm sau ngày em mất, biết được thông tin em nằm lại nghĩa trang cầu Khánh Khê (huyện Văn Lãng, Lạng Sơn), ông Bình cùng mẹ lên thăm. Ông Bình kể, năm 1980 để đến được Lạng Sơn là cả một hành trình dài và là quyết tâm cao của mẹ. Khi ông Thường hy sinh, mẹ ông luôn thầm khóc thương người con út hiếu thuận, cả xã chỉ có một mình lên biên giới vào năm ấy rồi nằm lại ở đây.

Biết được nơi người con út nằm lại, người mẹ đã được an ủi phần nào nhưng mang con về quê là mong mỏi lớn nhất của bà. Ước mong của mẹ giống như trách nhiệm và mệnh lệnh, khiến ông Trần Trọng Bình thấp thỏm không yên. Để rồi một năm sau đó, ông Bình cùng một người anh trong họ mang theo xe đạp, đèn pin, cuốc xẻng xuôi tàu đến Lạng Sơn. Tình hình biên giới chưa yên nên từ ga Lạng Sơn đến nghĩa trang nơi em trai nằm lại, ông Bình phải đi qua khoảng 10 chốt kiểm soát. Đến nơi thì đã đêm, cũng may có đơn vị pháo binh bên cạnh đón vào. Hai anh em bày tỏ ý định sẽ đưa hài cốt của em lên ngay trong đêm để mai về sớm, nhưng các chiến sĩ pháo binh ngăn lại. Họ cho biết ban đêm ở đây dễ bị pháo binh Trung Quốc bắn sang. Tối hôm đó, anh em ông Bình được bộ đội đưa vào sâu trong làng ngủ nhờ nhà của một người dân. Thời điểm đó, người Lạng Sơn đã sơ tán về xuôi, chỉ để mỗi nhà 1 người ở lại. Làng xóm im lìm, hoang lạnh, mong muốn đón em trở về khiến ông không chợp mắt để chờ trời sáng.

Hửng sáng, đơn vị pháo binh hỗ trợ anh em ông Bình đưa liệt sĩ Thường về quê. Khi ấy, ông vẫn mặc tấm áo len của mẹ, bên ngoài là quân phục. Phía trước ngực, chiếc bút kim tinh vẫn còn trong túi. Cả chiếc đồng hồ Poljot ông Bình tặng em vẫn còn ở đó. Ở vành bụng của liệt sĩ vẫn còn nguyên băng đạn. Phần nắp bút bị xuyên thủng, là dấu vết của viên đạn đã tước đi tuổi thanh xuân của người liệt sĩ anh hùng.

Tàu rời Lạng Sơn, ông Bình ôm chặt người em trong lòng, ngồi gần cửa sổ, để em có thể một lần cuối cùng nhìn lại mảnh đất đang hồi sinh từ bãi chiến trường - nơi máu xương của các liệt sĩ đổ xuống không hề uổng phí.

Theo lời ông Bình, năm 1980 khi lên Lạng Sơn, một số bộ đội ở khu vực xung quanh kể, giai đoạn ác liệt nhất của cuộc chiến, họ dùng ống nhòm quan sát, phát hiện tiểu đội của ông Thường đã hy sinh hết. Chỉ còn mình ông ở lại chiến đấu cho đến ngày cuối cùng.

Ngày 12.7.1995, chiếc bút kim tinh của liệt sĩ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Trọng Thường đã được gia đình trao tặng cho Bảo tàng tỉnh Hải Dương lưu giữ. Chiếc bút kim tinh bị thủng nắp, vỡ thân đang được trân trọng lưu giữ tại bảo tàng như minh chứng cho sự khốc liệt mà chiến tranh mang đến, là biểu trưng cho tinh thần của một thế hệ trẻ anh hùng sẵn sàng xếp bút nghiên lên đường đánh giặc.

TIẾN HUY

Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/chinh-tri/chiec-but-kim-tinh-cua-nguoi-anh-hung-liet-si-211728