Chiêm ngưỡng cặp long sàng bảo vật quốc gia 'độc nhất vô nhị' ở Ninh Bình

Hai chiếc sập đá được chạm khắc hình rồng, trang trí các họa tiết tinh xảo ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng ở Ninh Bình được xem là độc nhất ở Việt Nam.

Năm 2017, cặp long sàng (sập đá) ở đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng, nằm trong khu di tích Cố đô Hoa Lư, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư (Ninh Bình) được công nhận là bảo vật quốc gia. Đây là 2 tác phẩm nghệ thuật được chạm khắc bằng đá xanh nguyên khối từ thế kỷ XVII.

Long sàng ở sân rồng (trước bái đường) đền thờ vua Đinh Tiên Hoàng do nhân dân Trường Yên công đức, chế tác bằng đá xanh nguyên khối hình hộp chữ nhật, nặng khoảng 2 tấn (dày gần 20cm, dài gần 2m, rộng gần 1,5m).

Long sàng ở sân rồng đền thờ vua Đinh được chế tác bằng đá xanh nguyên khối từ thế kỷ XVII

Ở chính giữa long sàng được chạm khắc một con rồng lớn cuộn tròn trên mặt sập, đầu hướng về phía Đông, nhìn lên đỉnh Mã Yên Sơn. Rồng tượng trưng cho uy quyền của nhà vua, cũng là linh vật mang ước vọng cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, cuộc sống no đủ cho người dân trong vùng.

Dưới bàn tay của các nghệ nhân xưa, rồng được chạm khắc thân lớn, đuôi thẳng, phủ vảy đơn, đao mác lá hỏa, thể hiện tính phóng khoáng. Các chân của rồng khi là móng chim ưng, khi lại được nhân hóa như bàn tay người, đường diềm 4 phía long sàng chạm nổi những họa tiết như mây, cá, tôm, chồn, chuột... mang đậm chất dân gian.

Mặt long sàng hình chữ nhật được chạm khắc hình rồng lớn cuộn tròn

Xung quanh các diềm, thân đế được chạm khắc các họa tiết mang đậm nét dân gian, truyền thống của Việt Nam

Mặt đứng của long sàng chạm khắc các họa tiết hoa cúc, hoa chanh, thiên nga... những họa tiết này tạo nên sự khác biệt cho long sàng đền thờ vua Đinh so với hệ thống sập thờ khác của Việt Nam.

Phần chân đế gồm chín khối đá, có kích thước không đều nhau, vuốt tròn đều, thu lại về phía trên, tạo thế vững chãi đỡ mặt long sàng.

Trước nghi môn ngoại đền thờ vua Đinh cũng có một long sàng tương tự, với cùng một phong cách. Bề mặt long sàng chạm rồng, phần thân bổ ô trang trí các linh vật, phần đế chế tác kiểu chân quỳ dạ cá, chính giữa là hổ phù. Đầu rồng to, miệng đang há ngậm viên ngọc, răng và sừng sắc nhọn.

Trước nghi môn ngoại cũng có một long sàng tương tự

Đông đảo du khách đến tham quan

2 long sàng đều nằm ngoài trời bị ảnh hưởng bởi thiên nhiên nên nhiều chạm khắc, họa tiết bị bào mòn

Bốn chi của rồng được nhân cách hóa. Theo đó, thay vào chi chim ưng với những móng vuốt sắc nhọn thì chi rồng này là hình bàn tay người phụ nữ mềm mại cầm sừng, bờm...

Theo nhiều nhà nghiên cứu, cả hai long sàng đều có bố cục rõ ràng, mang đậm dấu ấn mỹ thuật truyền thống của người Việt. Hai long sàng được đánh giá là đẹp nhất, tiêu biểu nhất trong nghệ thuật điêu khắc sập thờ ở Việt Nam. Đây cũng là những giá trị tiêu biểu về niên đại, mỹ thuật và đặc biệt là tiêu chí hiện vật gốc độc bản.

Đền thờ Đinh Tiên Hoàng là một di tích quan trọng thuộc vùng bảo vệ đặc biệt của quần thể di sản cố đô Hoa Lư. Đền tọa lạc ở xã Trường Yên huyện Hoa Lư tỉnh Ninh Bình, Việt Nam. Vị trí của đền thuộc trung tâm thành Đông của kinh đô Hoa Lư xưa.

Trần Nghị

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/chiem-nguong-cap-long-sang-da-o-den-tho-vua-dinh-tien-hoang-ninh-binh-2247882.html