Chiến thắng Thượng Lào 1953: Biểu tượng của tình đoàn kết chiến đấu Việt - Lào

Nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Thượng Lào (1953-2023), sáng 13-4, tại TP Sơn La, tỉnh Sơn La, Bộ Quốc phòng chủ trì, phối hợp với tỉnh Sơn La tổ chức Hội thảo khoa học cấp Bộ Quốc phòng với chủ đề: 'Chiến thắng Thượng Lào 1953 - Ý nghĩa lịch sử và bài học kinh nghiệm'.

Dự hội thảo có đồng chí Tòng Thị Phóng, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó chủ tịch Thường trực Quốc hội.

Đoàn chủ tịch Hội thảo gồm các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng: Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Trưởng ban chỉ đạo hội thảo; Nguyễn Hữu Đông, Bí thư Tỉnh ủy Sơn La, đồng Trưởng ban chỉ đạo hội thảo. Tham gia đoàn chủ tịch còn có Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Hồng Chương, Tư lệnh Quân khu 2 và Thiếu tướng Nguyễn Hoàng Nhiên, Viện trưởng Viện Lịch sử Quân sự.

Thượng tướng Lê Huy Vịnh phát biểu khai mạc Hội thảo. Ảnh: CHÍ PHAN

Đoàn chủ tịch Hội thảo. Ảnh: CHÍ PHAN

Ban tổ chức hội thảo đã nhận được gần 80 tham luận của các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, các nhà khoa học trong, ngoài Quân đội và các nhân chứng lịch sử. Đặc biệt, tại hội thảo, các đại biểu đã đi sâu phân tích, luận giải, làm rõ từng nội dung cụ thể, góp phần làm sáng tỏ, sâu sắc nhiều vấn đề lý luận và thực tiễn của Chiến thắng Thượng Lào 1953.

Tầm nhìn chiến lược và sự thống nhất cao về chủ trương

Sau thất bại ở Tây Bắc năm 1952, Bộ chỉ huy Pháp ở Đông Dương nhận thấy nguy cơ có thể mất Thượng Lào, nên đầu năm 1953, quân Pháp tăng cường củng cố thế phòng ngự nơi đây, trong đó tập trung xây dựng Sầm Nưa, cửa ngõ của Thượng Lào thành một tập đoàn cứ điểm gồm 11 vị trí do 3 tiểu đoàn trấn giữ...

Báo cáo đề dẫn, Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn nêu rõ: "Trước âm mưu và hoạt động của địch, cuối tháng 1-1953, tại Hội nghị lần thứ 4 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Cho đến nay, chúng ta giúp kháng chiến Miên - Lào chưa đúng mức. Từ nay chúng ta phải cố gắng giúp hơn nữa. Ta phải nhận rõ rằng: Hai dân tộc anh em Miên - Lào được giải phóng, thì nước ta mới được giải phóng thật sự và hoàn toàn”.

Đồng chí Tòng Thị Phóng và Thượng tướng Lê Huy Vịnh tại Hội thảo. Ảnh: CHÍ PHAN

Các đại biểu dự Hội thảo. Ảnh: CHÍ PHAN

Trước tình hình đó, đầu tháng 2-1953, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ kháng chiến Lào quyết định phối hợp mở Chiến dịch Thượng Lào nhằm tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, giải phóng một phần đất đai, xây dựng và mở rộng khu căn cứ địa, tạo lập hậu phương kháng chiến, thúc đẩy cuộc kháng chiến của Lào và phá thế bố trí chiến lược của địch ở Bắc Đông Dương.

Trình bày tham luận tại hội thảo, PGS, TS Trần Trọng Thơ, Phó viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng: Kể từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, đây là lần đầu tiên Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào mở một chiến dịch quy mô lớn. Bộ Chỉ huy Chiến dịch có sự tham gia của những đồng chí lãnh đạo cao cấp của Đảng, Chính phủ và quân đội hai nước, thể hiện rõ nét tình đoàn kết đặc biệt Việt Nam - Lào, Lào - Việt Nam.

Nghệ thuật chuẩn bị chiến dịch bài bản, chặt chẽ

Tại hội thảo, nhiều đại biểu nhận định, một trong những thành công lớn của Chiến dịch Thượng Lào 1953 là công tác chuẩn bị chiến dịch. Đầu tháng 3-1953, Tổng Quân ủy triệu tập hội nghị cán bộ từ trung đoàn trở lên, thảo luận, thống nhất nguyên tắc, cách đánh tập đoàn cứ điểm. Các đại đoàn cũng tổ chức hội nghị cán bộ từ cấp đại đội, phổ biến chủ trương, thống nhất nhận thức, quyết tâm cho đội ngũ cán bộ, chỉ huy. Tại các đơn vị, các đợt chỉnh huấn được tổ chức, cơ quan chính trị các cấp đẩy mạnh giáo dục chính trị tư tưởng, xây dựng cho bộ đội quyết tâm chiến đấu, ý thức chấp hành chính sách đoàn kết Việt - Lào, chính sách dân vận khi chiến đấu trên nước bạn.

Thượng tướng Phùng Sĩ Tấn trình bày báo cáo đề dẫn. Ảnh: CHÍ PHAN

Trước khi bộ đội hành quân sang nước Bạn, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi Thư động viên cán bộ, chiến sĩ tham gia chiến dịch; cơ quan chính trị chiến dịch ra chỉ thị về “Công tác chính trị Chiến dịch X”. Khi bộ đội đang trên đường hành quân sang nước bạn, Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra lời kêu gọi gửi bộ đội chủ lực, bộ đội tình nguyện Việt Nam nhấn mạnh nhiệm vụ vẻ vang của quân đội ta khi chiến đấu giúp cách mạng Lào.

Đặc biệt, vấn đề cung cấp được đánh giá là khó khăn nhất. Làm rõ vấn đề này, trong tham luận với tựa đề “Công tác hậu cần trong Chiến dịch Thượng Lào 1953”, Thiếu tướng Hà Như Lợi, Phó chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần, phân tích: Do bộ đội hành quân và đánh địch trên ba hướng cách xa nhau, khối lượng vận chuyển lớn, cự ly xa, đường sá khó khăn và bị địch đánh phá ác liệt... ta thực hiện vận tải thô sơ là chủ yếu, đồng thời tranh thủ cơ giới; huy động thuyền nan, thuyền gỗ để vận chuyển. Nhằm thống nhất chỉ huy các lực lượng trên từng khu vực, từ hậu phương đến mặt trận, Tổng cục Cung cấp tiền phương tổ chức các “tuyến hậu cần”; hiệp đồng chặt chẽ giữa Tổng cục Cung cấp tiền phương và Hội đồng Cung cấp mặt trận về thời gian và địa điểm giao nhận vật chất.

Các đại biểu chụp ảnh lưu niệm. Ảnh: CHÍ PHAN

Thượng tướng Lê Huy Vịnh và các đại biểu tham quan sản phẩm nông sản nổi bật của tỉnh Sơn La trưng bày tại Hội thảo. Ảnh: CHÍ PHAN

Linh hoạt trong tác chiến

Tại hội thảo, một số đại biểu: Trung tướng Lê Xuân Thành, Phó giám đốc Học viện Quốc phòng; Đại tá Trịnh Ca, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 304, Quân đoàn 2; Thượng tá Chu Văn Thành, Sư đoàn trưởng Sư đoàn 316, Quân khu 2… đều khẳng định: Chiến thắng Thượng Lào là thắng lợi do nhiều nhân tố tạo thành, trong đó có vai trò quyết định trong tổ chức và điều hành chiến dịch, nhanh chóng chuyển hóa thế trận của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh và Bộ chỉ huy chiến dịch. Với việc nắm chắc tình hình, nhạy bén trong xử trí tình huống, trưa 13-4-1953, khi phát hiện địch rút chạy khỏi Sầm Nưa, để kịp thời truy kích địch, Tổng Quân ủy hạ quyết tâm, ra lệnh cho các đơn vị không kể ngày đêm, gấp rút đuổi và tiêu diệt địch.

Trong quá trình truy kích, sức mạnh chính trị tinh thần, bản lĩnh, ý chí quyết tâm luôn được củng cố, đã tạo ra sức mạnh mới trên chặng đường dài 270km để tiêu diệt địch. Đêm 13-4, trên hướng chủ yếu, quân ta đã đuổi kịp bộ phận cuối đội hình rút chạy của địch, đánh tan 2 tiểu đoàn, sáng hôm sau đánh tan 4 đại đội khác của địch. Trên hướng thứ yếu, Đại đoàn 304, chặn và tiêu diệt tàn binh chạy từ các ngả về, phần lớn địch bị ta tiêu diệt. Trên hướng phối hợp, Trung đoàn 148 kịp thời tiến công tiêu diệt địch ở lưu vực sông Nậm Hu, giải phóng một vùng đất đai...

Dấu son trong lịch sử đoàn kết chiến đấu keo sơn Việt - Lào

Có thể khẳng định, sức mạnh chính trị, tinh thần, bản lĩnh, ý chí quyết tâm giành thắng lợi, tinh thần đoàn kết quốc tế của quân và dân hai nước Việt Nam, Lào chính là cội nguồn sức mạnh to lớn làm nên Chiến thắng Thượng Lào 1953.

Tiết mục văn nghệ biểu diễn tại Hội thảo. Ảnh: CHÍ PHAN

Phát biểu tại hội thảo, Thượng tướng Lê Huy Vịnh khẳng định: Chiến thắng Thượng Lào năm 1953 góp phần mở rộng địa bàn đứng chân cho lực lượng kháng chiến Lào, nối liền vùng giải phóng và tạo thế chiến lược có lợi cho cách mạng Việt Nam và Lào, củng cố khối đoàn kết thống nhất và liên minh đoàn kết chiến đấu ba nước Đông Dương, đẩy thực dân Pháp ngày càng lâm vào thế bị động, lúng túng, mất quyền chủ động chiến lược.

Thắng lợi của Chiến dịch Thượng Lào là thành quả của việc hiện thực hóa phương châm đoàn kết quốc tế “Giúp nhân dân nước bạn tức là mình tự giúp mình” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời đánh dấu bước phát triển mới về nghệ thuật chiến dịch của Quân đội và lực lượng vũ trang cách mạng hai nước. Đây là lần đầu tiên kể từ ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Quân đội nhân dân Việt Nam phối hợp với lực lượng vũ trang cách mạng Lào thực hiện thành công một chiến dịch dài ngày và lớn nhất trên chiến trường Lào và giành thắng lợi.

“Chiến thắng đó mãi là mốc son trong tiến trình cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, là biểu tượng sinh động của tình hữu nghị thủy chung và liên minh chiến đấu Việt Nam - Lào; thể hiện tầm nhìn chiến lược, sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, tài tình, sáng tạo của Tổng Quân ủy, Bộ Tổng tư lệnh, Bộ chỉ huy chiến dịch”, Thượng tướng Lê Huy Vịnh nhấn mạnh.

SƠN BÌNH (tổng thuật)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/tin-tuc/chien-thang-thuong-lao-1953-bieu-tuong-cua-tinh-doan-ket-chien-dau-viet-lao-724849