Chủ động phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi

Hiện đang là thời điểm giao mùa, nhiệt độ, độ ẩm biến động mạnh, làm cho sức đề kháng của vật nuôi suy giảm. Đây cũng là giai đoạn các dịch bệnh nguy hiểm, như: Cúm gia cầm, lở mồm long móng gia súc, tai xanh ở lợn... dễ phát sinh và lây lan thành dịch. Vì vậy, các cơ quan chuyên môn của huyện Yên Châu đã và đang triển khai tích cực các biện pháp, hướng dẫn các hộ dân chăm sóc, bảo vệ vật nuôi.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu hướng dẫn người dân kỹ thuật nhỏ vắc xin phòng bệnh cho đàn gà

Huyện Yên Châu hiện có 7.540 con trâu, trên 20.780 con bò, 42.390 con lợn, trên 203.200 con gia cầm. Chủ động phòng, chống dịch bệnh trên đàn vật nuôi, huyện đã cử 14 đoàn công tác xuống cơ sở, trực tiếp chỉ đạo, vận động người dân nuôi nhốt gia súc, che chắn chuồng nuôi bằng các vật liệu sẵn có, đốt lửa sưởi ấm khi cần thiết; đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn các hộ chăn nuôi hiểu đúng, hiểu rõ về tình hình dịch bệnh; thường xuyên theo dõi, kiểm tra sức khỏe đàn gia súc, gia cầm, chủ động thực hiện các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, biết cách nhận biết để sớm phát hiện, khai báo tình hình dịch bệnh và có phương án chữa trị kịp thời.

Cùng với đó, vận động người dân thực hiện tốt việc đảm bảo vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại, chủ động tiêm phòng vắc xin, đặc biệt là quan tâm chế độ chăm sóc vật nuôi. Tuyên truyền, vận động các hộ chăn nuôi trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để dự trữ và ủ chua làm thức ăn. Đến thời điểm này, đàn vật nuôi của huyện sinh trưởng, phát triển tốt, không bị dịch bệnh.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Châu tiêm phòng vắc xin viêm da nổi cục cho bò tại xã Chiềng Pằn

Ông Vũ Hải Yến, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Yên Châu, cho hay: Đơn vị đã chú trọng triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh kịp thời, hiệu quả, như triển khai đồng bộ các biện pháp ngăn chặn và phòng, chống bệnh; phối hợp với UBND các xã, thị trấn chỉ đạo thú y cơ sở triển khai tiêm phòng các loại vắc xin vụ xuân - hè theo kế hoạch năm. Trong đó, đã tiêm 10.561 liều vắc xin viêm da nổi cục trâu, bò; cấp 215 lít hóa chất, 2.240 kg vôi bột tại các xã: Phiêng Khoài, Lóng Phiêng, Yên Sơn, Chiềng Pằn, Tú Nang. Tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển động vật và các sản phẩm của động vật; kiểm tra vệ sinh thú y, kiểm soát giết mổ trên địa bàn; phát hiện và xử lý nghiêm các đối tượng vận chuyển, tập kết, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chưa qua kiểm dịch thú y.

Cán bộ nông dân xã Lóng Phiêng hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc đàn lợn

Bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trong thời điểm này, UBND huyện chỉ đạo các cơ quan chức năng, các xã triển khai các biện pháp phòng, chống đói rét cho đàn vật nuôi. Gia đình ông Lừ Văn Dương, bản Tủm, xã Chiềng Khoi, nuôi 15 con bò vỗ béo, 13 con dê, gần 200 con gia cầm. Những ngày này, ông Dương đưa đàn vật nuôi về chuồng, cắt cỏ tươi làm thức ăn. Trước đó, ông đã triển khai tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho cho đàn vật nuôi; gia cố, che chắn lại chuồng trại để tránh mưa tạt, gió lùa. Để tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi, ông Dương còn tích cực bổ sung thêm thức ăn là tinh bột và muối.

Nông dân xã Chiềng Khoi nuôi bò nhốt chuồng phòng, chống rét.

Lóng Phiêng là địa phương có đàn lợn nhiều nhất huyện với hơn 80.000 con; trong đó, 30 hộ nuôi lợn trang trại, gia trại từ 100-1.000 con. Các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ đàn vật nuôi được chỉ đạo tuyên truyền, phổ biến cụ thể đến từng bản, từng nông hộ, gia trại, trang trại. Ông Trần Thế Quang, Chủ tịch UBND xã Lóng Phiêng, cho biết: Biện pháp bảo vệ đàn vật nuôi đang được xã đẩy mạnh, vận động nhân dân chấp hành nghiêm việc tiêm các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia súc, gia cầm. Đến nay, toàn xã đã đạt tỷ lệ bao phủ hơn 90% các loại vắc xin cho gia súc, gia cầm. Đối với đàn đại gia súc, chính quyền xã cũng chỉ đạo các bản tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân trồng cỏ, tận dụng phụ phẩm từ nông nghiệp để dự trữ, ủ chua làm thức ăn cho vật nuôi; hạn chế chăn thả trong thời tiết giá rét; triển khai tới các hộ chăn nuôi ký cam kết thực hiện tốt các biện pháp phòng, chống đói, rét cho vật nuôi với mục tiêu không để gia súc bị đói, rét, dịch bệnh trong mùa đông.

Chị Lê Thị Thắm, bản Noong Đúc, xã Lóng Phiêng, là người có tiếng “mát tay” trong nuôi lợn. Chị thường xuyên duy trì 30 con lợn nái, 100 con lợn thịt; bình quân mỗi năm bán gần 1.000 con lợn giống, 10 tấn thịt lợn thương phẩm với tổng thu nhập hơn 800 triệu đồng/năm. Chị Thắm thông tin: Ngay khi bước vào thời điểm giao mùa, gia đình tôi luôn giữ chuồng lợn sạch sẽ, không để đọng chất thải trong chuồng; che kín xung quanh chuồng trại, không để mưa tạt, gió lùa nhất là vào ban đêm; làm chuồng úm đối với lợn con theo mẹ. Không cọ rửa chuồng hoặc tắm cho lợn vào những ngày mưa rét nhiệt độ xuống dưới 12°C. Cho lợn uống đủ nước sạch, bổ sung thêm men tiêu hóa trộn vào nước uống. Định kỳ phun thuốc khử trùng, tiêu độc bằng các loại hóa chất, như: Virkon, Han-Iodine, Benkocid, vôi bột... Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng các bệnh cho đàn lợn, như: Dịch tả lợn, tai xanh, lở mồm long móng...

Còn gia đình anh Nguyễn Văn Tân, bản Pha Khúng, xã Lóng Phiêng, nói: Gia đình tôi vừa mua 300 con gà giống phục vụ dịp Tết Nguyên đán 2023. Theo kinh nghiệm chăn nuôi, ở giai đoạn này trời bắt đầu trở rét, gà giống mới bắt về còn nhỏ rất dễ chết. Để gà không bị chết rét, cần ủ ấm cho gà con bằng đèn sưởi; chuồng trại chăn nuôi phải được quây kín gió, tùy vào lứa tuổi của gà mà tiến hành tiêm các loại vắc xin theo đúng khuyến cáo của ngành thú y, như: Vắc xin phòng cúm H5N1, H5N6, tụ huyết trùng... Ngoài ra, trong thời gian mùa rét cần cung cấp thêm cho đàn gà vitamin, khoáng chất để gà khỏe mạnh.

Với sự chỉ đạo sát sao của cơ quan chuyên môn, sự chủ động của cấp ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, huyện Yên Châu phấn đấu duy trì và phát triển ổn định đàn gia súc, gia cầm; kiểm soát chặt chẽ, không để dịch bệnh tái phát, lây lan, góp phần hạn chế thấp nhất thiệt hại do dịch bệnh gây ra.

Nguyễn Thư

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/chu-dong-phong-chong-dich-benh-cho-dan-vat-nuoi-54390