Chủ động phòng, chống ngộ độc thực phẩm

Thời gian qua, mặc dù các cấp, ngành chức năng đã tăng cường công tác quản lý, tuy nhiên, tình hình vi phạm về vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) trên địa bàn tỉnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Để giảm thiểu, hạn chế tối đa các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền nhiễm qua thực phẩm, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố tiếp tục chủ động đáp ứng phòng, chống ngộ độc thực phẩm, góp phần bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe của người dân trên địa bàn.

Lực lượng chức năng thị trấn Tam Đảo, huyện Tam Đảo thường xuyên kiểm tra, tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở kinh doanh chấp hành nghiêm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm. Ảnh: Dương Chung

Theo báo cáo nhanh của Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo, đầu tháng 6/2023, đoàn học sinh của Trường đại học FPT Hà Nội gồm 25 thành viên (gồm cả học sinh, phụ huynh và giáo viên) đi tham quan tại thị trấn Tam Đảo và đặt phòng nghỉ tại Homestay Le Vent thuộc tổ dân phố 2, thị trấn Tam Đảo.

Trong thời gian lưu trú tại đây, đoàn du lịch có ăn đồ ăn đặt tại homestay kèm nhiều đồ ăn, nước uống mang theo, sau đó, 14 người xuất hiện triệu chứng đau bụng, buồn nôn, đi ngoài, người mệt mỏi. Tất cả các trường hợp trên đã được các đơn vị y tế khám, cấp cứu, điều trị kịp thời, nên tình hình sức khỏe đã ổn định, không có bệnh nhân nặng.

Ngay sau khi nhận được thông tin, UBND huyện Tam Đảo đã chỉ đạo Văn phòng UBND, Trung tâm Y tế huyện cử Đoàn công tác tiến hành xác minh thông tin, điều tra, xác định rõ nguyên nhân vụ việc; đình chỉ tạm thời hoạt động của bếp ăn Homestay Le Vent. Đồng thời, tiến hành thu thập mẫu thức ăn, tuy nhiên chủ cơ sở không thực hiện lưu mẫu thức ăn theo quy định, nên mẫu thức ăn không thể thu thập được. Đối với thức ăn của đoàn du lịch tự mang đi, đoàn đã tiến hành thu thập đủ.

Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Tam Đảo Nguyễn Ngọc Cường cho biết: "Do Homestay Le Vent không tiến hành lưu mẫu thức ăn theo quy định, nên hiện tại, không đủ cơ sở để đánh giá ngộ độc thực phẩm. Hiện, trung tâm đang hoàn thiện thủ tục để tham mưu UBND huyện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là hành vi không lưu mẫu thực phẩm theo quy định. Đồng thời, yêu cầu cơ sở ký cam kết thực hiện nghiêm việc đảm bảo ATTP khi được hoạt động trở lại".

Để chủ động đáp ứng phòng, chống ngộ độc thực phẩm, UBND tỉnh đã có Văn bản số 4357 yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện nghiêm công tác đáp ứng phòng, chống ngộ độc thực phẩm theo chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Y tế, UBND tỉnh, Sở Y tế; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục kiến thức, quy định pháp luật về ATTP, biện pháp phòng, chống ngộ độc thực phẩm, nhất là tại các trường học, khu du lịch, khu công nghiệp, chợ, nhà hàng, khách sạn, cơ sở cung cấp suất ăn sẵn trên địa bàn; kiên quyết không để các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể không đáp ứng các quy định về ATTP hoạt động.

Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đảo Vũ Thị Bích Ngọc cho biết: "Thực hiện Văn bản số 4357 của UBND tỉnh về việc chủ động đáp ứng phòng, chống ngộ độc thực phẩm, UBND huyện Tam Đảo đã chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện tiếp tục chủ trì, tham mưu UBND huyện thành lập Đoàn kiểm tra liên ngành thực hiện việc thanh, kiểm tra đột xuất toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm của các cơ sở thuộc phạm vi quản lý của ngành y tế trên địa bàn; tổ chức các lớp tập huấn kiến thức về ATTP; kịp thời xử lý những vấn đề xảy ra về ngộ độc thực phẩm trên địa bàn huyện; đồng thời, hướng dẫn người dân biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm".

UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm Chỉ thị số 13 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP; tăng cường thông tin, tuyên truyền kiến thức về ATTP, phòng chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm để nâng cao trách nhiệm chuyển đổi hành vi mất ATTP; khẩn trương tham mưu UBND huyện, Ban Chỉ đạo huyện tổ chức thực hiện phòng ngừa, ngăn chặn và khắc phục sự cố về ATTP tại thị trấn Tam Đảo.

Tuyên truyền để người dân tuyệt đối không thu hái, đánh bắt, kinh doanh, sử dụng các động thực vật độc, lạ nghi ngờ không bảo đảm an toàn để chế biến thức ăn; bảo đảm vệ sinh trong ăn uống, thực hiện ăn chín, uống sôi, vệ sinh trong chế biến, bảo quản thức ăn, bảo đảm nguồn gốc nguyên liệu thực phẩm, nguồn nước chế biến an toàn; nhấn mạnh nội dung “5 chìa khóa để có thực phẩm an toàn” theo hướng dẫn của Tổ chức Y tế thế giới.

Đặc biệt, chủ động thực hiện kế hoạch bảo đảm ATTP, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát ATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh nước giải khát, nước đá, cơ sở giết mổ, kinh doanh gia cầm.

Phối hợp với các cơ sở điều trị, các đơn vị có liên quan tăng cường công tác giám sát ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm tại cộng đồng.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án, lực lượng thường trực, phương tiện, vật tư, hóa chất để phối hợp tham gia phòng, chống ngộ độc thực phẩm, bệnh truyền qua thực phẩm khi được yêu cầu; kịp thời khắc phục, giảm thiểu ảnh hưởng khi có ngộ độc thực phẩm xảy ra trên địa bàn.

Minh Nguyệt

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/95472//chu-dong-phong-chong-ngo-doc-thuc-pham