Chuyện đi lập làng mới

Công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc được xây dựng bởi ý chí quyết thắng của cả nước trong thời kỳ miền Bắc xây dựng chủ nghĩa xã hội, miền Nam sục sôi đánh Mỹ. 8 đập lớn, nhỏ được hàng vạn dân công bằng vai trần, chân đất đã ngăn dòng sông Công mềm mại, xả lấp nhiều thung lũng thành đập, biến cả vùng sơn địa rộng 20km2 thành hồ nước bao la. Để có công trình lớn này, đã tốn biết bao sức người, sức của và hàng ngàn hộ dân phải hy sinh quyền lợi riêng, thầm lặng bỏ lại ruộng đồng, di dời nhà ở, công trình đến nơi lập làng mới…

Ngập sâu dưới lòng hồ Núi Cốc vẫn còn dấu tích của những làng quê năm xưa.

Năm 1972, chiến tranh vẫn vô cùng ác liệt nhưng tại Việt Bắc, Trung ương không ngừng đầu tư xây dựng các đại công trình phục vụ phát triển kinh tế. Trong đó, công trình đại thủy nông hồ Núi Cốc được Trung ương quyết định giao do Bộ Thủy lợi (nay là Bộ Nông nghiệp và PTNT) phối hợp chính quyền địa phương khởi công xây dựng đầu năm 1972. Tuy nhiên, do không quân Mỹ mở chiến dịch đánh phá trở lại miền Bắc nên công trình bị đình hoãn đến đầu năm 1973 mới tái khởi động. Đây là công trình ngăn dòng sông Công tại khu vực phía chân núi Cốc với 01 đập chính cao 27m, chiều dài 480m; 07 đập phụ với độ cao 12,5m để tích trữ 175,5 triệu mét khối nước, phạm vi mặt hồ trải rộng 20km2.

Trong khoảng thời gian từ năm 1972 đến cuối năm 1973, việc thi công 08 đập của hồ Núi Cốc được lực lượng dân công và các lực lượng chức năng tích cực triển khai nhưng người dân nằm trong vùng quy hoạch lòng hồ Núi Cốc tại các xã: Tân Thái, Vạn Thọ, Phúc Thọ của huyện Đại Từ và một số khu vực của huyện Phổ Yên, huyện Đồng Hỷ (thời điểm đó xã Phúc Trìu thuộc huyện Đồng Hỷ) vẫn chưa di dời. Đến đầu năm 1974, đập chính, các đập phụ của hồ Núi Cốc đã hợp long, đủ điều kiện ngăn sông Công để dâng nước nên vấn đề di dân khỏi vùng lòng hồ trở nên cấp bách. Do vậy, từ tháng 4 năm 1974, vấn đề di dời dân khỏi lòng hồ Núi Cốc và đảm bảo an cư là nhiệm vụ trọng tâm của huyện Đại Từ (chiếm trên 90% số hộ phải di dời). Ông Lê Văn Seo, Trưởng xóm Thậm Thình, xã Cát Nê (Đại Từ) cho biết: Lúc đó, tôi là xã viên hợp tác xã thuộc Đội sản xuất số 10 của xã Vạn Thọ được trưng tập vào Đội khảo sát tìm đất lập làng mới. Sau nhiều ngày tìm kiếm các khu vực có địa hình phù hợp để ở, sản xuất, chúng tôi đã chọn Thậm Thình và được chính quyền giúp đỡ mỗi hộ một chuyến ô tô tải để di dời vật dụng, hỗ trợ nhu yếu phẩm, cây trồng, vật nuôi giai đoạn đầu. Khi mới lập làng chỉ có 15 hộ dân ở xã Vạn Thọ và 5 hộ dân ở xã Phúc Thọ nhưng đến nay đã tăng lên 75 hộ. Còn ông Lăng Văn Tuấn ở xã Phúc Trìu cho biết: Ngay sau khi người dân di dời khỏi khu vực lòng hồ, một tiểu đoàn bộ đội được điều đến để dẹp dọn, chặt bỏ cây cối khu vực dự kiến ngập nước nên những nơi dân cư đông đúc bỗng chốc không còn một nóc nhà. Từng ngày, từng ngày những tuyến đường làng, cánh đồng bậc thang, sân đình chìm dần dưới lòng hồ sâu trên 40m…

45 năm đã qua, những người từng ở khu vực lòng hồ Núi Cốc giờ an cư tại nơi ở mới, nỗi nhớ quê vơi dần. Nhưng mỗi khi có dịp đến hồ Núi Cốc lại nhớ về nơi ở cũ với bao kỷ niệm. Bà Trần Thị Ngần ở xã Phúc Tân (T.X Phổ Yên) cho biết: Năm 1974, gia đình tôi và gia đình chồng tôi là ông Trần Quốc Toại đều ở xã Phúc Thọ buộc phải di dời khỏi khu vực lòng hồ Núi Cốc. Do điều kiện lúc đó các hộ trong xã chủ động tìm nơi ở mới nên gia đình tôi chuyển đến xã Cát Nê sinh sống, còn gia đình chồng tôi chuyển về xã Phúc Tân. Khoảng cách đường chim bay hai nơi thì gần nhưng giao thông không kết nối nên qua lại thăm nhau phải đi đường rừng. Tình cảm của người cùng làng, đi lại nhiều rồi gắn bó, vài năm sau đó chúng tôi nên duyên vợ chồng, sinh được 4 người con và yên tâm xây dựng cuộc sống ở quê mới. Đến xóm Tân Yên của xã Quân Chu (Đại Từ), chúng tôi cũng được chứng kiến cộng đồng người Sán Dìu di cư từ xã Vạn Thọ khi xây dựng hồ Núi Cốc đã có được cuộc sống ổn định nhờ sự chăm chỉ lao động, đoàn kết, gắn bó và sự quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Nhà nước. Khi hỏi về gia cảnh, nhiều người dân xóm Tân Yên đều thể hiện được niềm vui khi đến vùng đất mới có chỗ ở ổn định, có tư liệu sản xuất và con cái được chăm sóc sức khỏe, học hành.

Hồ Núi Cốc đã trở thành biểu tượng khi được nhiều nhạc sĩ chọn làm đề tài sáng tác; là công trình đa năng, quan trọng bậc nhất của tỉnh để phục vụ phát triển nông nghiệp, du lịch, cấp nước sinh hoạt trong nhiều thập kỷ qua và những thập kỷ tới. Sự “hội tụ” về giá trị này có đóng góp to lớn của hàng nghìn hộ dân đã từng sinh sống ở khu vực quy hoạch làm lòng hồ.

Văn Hiến

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/xa-hoi/chuyen-di-lap-lang-moi-270415-85.html