Chuyến thăm Myanmar của Tổng Bí thư: Đưa quan hệ 2 nước lên tầm cao mới

Sau khi kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức Cộng hòa Indonesia, sáng 24/8, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã lên đường thăm cấp Nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar theo lời mời của Tổng thống Myanmar Htin Kyaw.

Đây là chuyến thăm của Tổng Bí thư của Đảng Cộng sản Việt Nam tới Myanmar sau 20 năm kể từ chuyến thăm của Tổng Bí thư Đỗ Mười vào năm 1997 và diễn ra vào thời điểm Myanmar đang bước sang thời kỳ mới.

Mặc dù chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao vào năm 1975, nhưng quan hệ Việt Nam-Myanmar đã khởi nguồn từ trước đó rất lâu, với các chuyến thămMyanmar của đoàn đại biểu Việt Nam do bác sĩ Phạm Ngọc Thạch (năm 1948) và Chủ tịch Hồ Chí Minh (năm 1958) dẫn đầu...

Tổng Bí thư lên đường thăm cấp Nhà nước Myanmar. (Ảnh: VOV)

Từ đó đến nay, Myanmar và Việt Nam luôn ủng hộ, giúp đỡ lẫn nhau trong những giai đoạn khó khăn của thời kỳ đấu tranh, giành độc lập dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước ngày nay. Hai bên thường xuyên trao đổi đoàn các cấp, đặc biệt là cấp cao, gần đây nhất là chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Htin Kyaw năm 2016 và chuyến thăm chính thức của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khi tham dự AIPA-37 tại Myanmar vừa qua.

Kế thừa và phát huy nền tảng quan hệ đáng quý giữa hai nước, chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là dấu mốc quan trọng, tạo xung lực đưa quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam-Myanmar phát triển lên tầm cao mới. Chuyến thăm sẽ vừa củng cố nền tảng quan hệ song phương, vừa thúc đẩy các cơ chế, khuôn khổ hợp tác trên bình diện đa phương, đặc biệt trong khuôn khổ ASEAN, Hội nghị cấp cao hợp tác Campuchia-Lào-Myanmar-Việt Nam (CLMV), Hội nghị cấp cao chiến lược hợp tác kinh tế Ayeyarwady-Chao Phraya-Mekong (ACMECS), Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWECS), Chương trình Hợp tác kinh tế tiểu vùng Mekong mở rộng (GMS) và Liên Hợp Quốc; hợp tác sử dụng bền vững và hiệu quả nguồn nước sông Mekong...

Mặt khác, chuyến đi cũng góp phần thúc đẩy khuôn khổ hợp tác, củng cố hơn nền tảng về mặt pháp lý, ổn định về mặt chính trị trong quan hệ hai nước để thuận lợi hơn nữa cho dòng đầu tư thương mại giữa hai bên.

Trong những năm qua, Việt Nam và Myanmar đã tích cực duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên là nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, thủy sản, tài chính - ngân hàng, hàng không, viễn thông, dầu khí, khai thác khoáng sản, sản xuất thiết bị điện, sản xuất và láp ráp ô tô, xây dựng,và đầu tư - thương mại.

Tính đến hết năm 2016, kim ngạch thương mại song phương Việt Nam- Myanmar ước đạt 536 triệu USD, vượt mục tiêu kim ngạch 500 triệu USD mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đặt ra. Năm 2017, với gần 60 dự án cùng tổng vốn đầu tư là trên 2 tỷ USD, Việt Nam đã vươn lên từ vị trí số 10 năm 2015 nắm giữ vị trí thứ 7 trong tổng số 49 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Myanmar, với nhiều dự án hợp tác kinh tế, đầu tư, tài chính quan trọng như Dự án đầu tư của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) và các Dự án của Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel)…Nhiều thương hiệu sản phẩm và dịch vụ của Việt Nam đã có mặt tại Myanmar và được người tiêu dùng đánh giá cao về chất lượng cũng như giá thành cạnh tranh.

Với việc Myanmar mở cửa cải cách, hoàn thành tiến trình hóa dân chủ, chuyển đổi thể chế thì đây là thời điểm chín muồi để thúc đẩy quan hệ giữa hai nước sâu sắc hơn. Chuyến thăm được kỳ vọng sẽ là cơ hội hai bên trao đổi một số lĩnh vực hợp tác khác bên cạnh lĩnh vực đầu tư thương mại.

Cụ thể, trên lĩnh vực an ninh-quốc phòng, Việt Nam và Myanmar được kỳ vọng sẽ đẩy mạnh hợp tác trong thời gian tới về những vấn đề liên quan đến an ninh, trật tự an toàn xã hội, hợp tác có hiệu quả trong đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm như tội phạm ma túy, khủng bố, tội phạm mua bán người, tội phạm xuyên quốc gia và các loại tội phạm hình sự khác, tiếp tục đẩy nhanh tiến trình đàm phán tiến tới ký kết các hiệp định, thỏa thuận, văn bản pháp lý trong thời gian tới.

Về vấn đề Biển Đông, chuyến thăm sẽ tiếp tục khẳng định rõ quan điểm hai nước, dựa trên kết quả của cuộc Tham khảo chính trị Việt Nam – Myanmar lần thứ 7 diễn ra vào cuối tháng 5 vừa qua tại Nay Pyi Taw, theo đó hai bên nhất trí cần giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình dựa trên cơ sở của luật pháp quốc tế; khẳng định quyết tâm cùng các nước ASEAN và Trung Quốc sớm hoàn thành Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và ràng buộc về pháp lý.

Có thể nói với tiềm năng hợp tác sẵn có và tiếp tục đà phát triển quan hệ tốt đẹp giữa hai nước, chuyến thăm cấp nhà nước Cộng hòa Liên bang Myanmar của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ tạo thêm động lực để đưa quan hệ hợp tác nhiều mặt giữa Việt Nam và Myanmar phát triển lên tầm cao mới.

>>> Đọc thêm: Toàn văn bài nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại CSIS

Hải Tùng

Nguồn VTC: http://vtc.vn/chuyen-tham-myanmar-cua-tong-bi-thu-dua-quan-he-2-nuoc-len-tam-cao-moi-d345468.html