Chuyện về người bạn đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên đất Mỹ

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình từng lần đầu tiên đến Mỹ trong một chuyến công tác nghiên cứu nông nghiệp ở Muscatine, bang Iowa năm 1985. Hiện giờ, Trung Quốc và Mỹ đã bị cuốn vào những căng thẳng về thương mại, công nghệ và các lĩnh vực khác, nhưng những người dân ở thị trấn nhỏ Muscatine ngày ấy vẫn cho rằng mọi việc đều có hướng giải quyết.

Mối duyên 36 năm về trước

Trong chuyến công tác tới nước Mỹ năm 1985, ông Tập Cận Bình đã kết bạn với bà Sarah Lande, cư dân Muscatine, một trong những người điều phối chuyến đi. “Ông ấy có vẻ như rất vui, vì lần đầu tiên đến Mỹ. Ông ấy chỉ hỏi và hỏi. Trung Quốc lúc đó mới mở cửa. Chúng tôi mong muốn hiểu thêm về họ, và có thể họ cũng muốn như chúng tôi” - bà Sarah Lande năm nay đã 82 tuổi nhớ lại.

Khi ông Tập Cận Bình trở lại Mỹ vào năm 2012 với tư cách là Phó Chủ tịch Trung Quốc, ông khăng khăng muốn thăm lại Muscatine và những người bạn cũ như bà Sarah Lande. “Ông Tập Cận Bình đã nói với tôi rằng, bạn biết đấy, nếu chúng ta có thể giao lưu trong mọi lĩnh vực như thể thao, kinh doanh, nghệ thuật, nếu người dân của chúng ta hiểu nhau thì đất nước chúng ta có thể hòa hợp với nhau” - bà Sarah kể.

Câu chuyện về chuyến đi đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trên đất Mỹ đã mở đường cho sự quan tâm của các nhà đầu tư của Trung Quốc vào Muscatine, nơi có dân số 24.000 người. Sau đó, Trung tâm hội nghị và Khách sạn Merrill trị giá 42 triệu USD đã được khai trương vào năm 2018 với sự giúp đỡ của một nhà đầu tư Trung Quốc. Cùng với đó là các chương trình trao đổi tại Trung Quốc dành cho sinh viên của Muscatine. Vào năm 2015, nhà đầu tư Trung Quốc Glad Cheng đã đi về giữa Muscatine và Bắc Kinh, mua lại ngôi nhà mà ông Tập Cận Bình đã ở vào năm 1985 và biến nó thành “Ngôi nhà hữu nghị Trung-Mỹ”.

Tác động của căng thẳng song phương

Các khoản đầu tư đó đã giúp mang lại công ăn việc làm cho cư dân Muscatine. Nhưng kể từ khi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung bắt đầu vào năm 2018, khách du lịch và người đi công tác đã giảm. Khách sạn Merrill nhộn nhịp một thời nay hầu như vắng tanh. Những gì đã xảy ra ở Muscatine là ví dụ rõ ràng về tác động của căng thẳng song phương.

Ông Tập Cận Bình đã nói với tôi rằng, bạn biết đấy, nếu chúng ta có thể giao lưu trong mọi lĩnh vực như thể thao, kinh doanh, nghệ thuật, nếu người dân của chúng ta hiểu nhau, thì đất nước chúng ta có thể hòa hợp với nhau.

Bà Sarah Lande (82 tuổi), cư dân Muscatine, bang Iowa, Mỹ

Năm 2017, đầu tư trực tiếp nước ngoài của Trung Quốc vào Mỹ là 30 tỷ USD. Con số này giảm xuống còn 5,4 tỷ USD vào năm 2018, 5 tỷ USD vào năm 2019 và chỉ 200 triệu USD trong quý I-2020. Khi Kent Corporation - một công ty chủ quản lớn của Muscatine muốn xây dựng một cảng sông quốc tế ở Iowa, hãng tàu Cosco của Trung Quốc đã bày tỏ sự quan tâm đến dự án này. Sau đó, chiến tranh thương mại xảy ra, dự án đã bị đình trệ. Thị trưởng Muscatine Diana Broderson cho biết: “Khi các quyết định được đưa ra ở cấp cao nhất giữa các quốc gia, điều đó sẽ xảy ra ở các thị trấn nhỏ của Mỹ, ngay như Muscatine chẳng hạn”.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố rằng, Mỹ phải “cứng rắn” với Bắc Kinh để chống lại hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ và lạm dụng thương mại. Các chuyên gia thương mại kỳ vọng chính quyền của ông sẽ sử dụng thuế quan để thúc ép Trung Quốc cho phép tiếp cận thị trường dễ dàng hơn, giảm trợ cấp cho các công ty nhà nước và chấm dứt các hành vi bị coi là không công bằng khác. Tuy nhiên, dữ liệu thăm dò ý kiến do Hội đồng Kinh doanh Mỹ - Trung Quốc công bố vào tháng 8-2020 cho thấy, có tới 83% các công ty Mỹ coi Trung Quốc là ưu tiên hàng đầu hoặc trong số 5 ưu tiên hàng đầu cho chiến lược toàn cầu của họ. Đây là nhóm thương mại đại diện cho hơn 200 công ty Mỹ làm ăn với Trung Quốc.

Đối với Thị trưởng Broderson, bà hy vọng những ký ức của ông Tập Cận Bình về Muscatine có thể giúp xoa dịu căng thẳng hiện nay. “Chúng ta đã bỏ qua một số mối quan hệ cá nhân được phát triển trong nhiều năm. Những thứ đó thực sự rất quan trọng để chữa lành một số vết thương tồn tại hiện nay”. Bà Sarah Lande, người bạn gần như đầu tiên của ông Tập Cận Bình trên đất Mỹ cũng nhìn theo hướng tích cực hơn. Thay vì một cuộc chiến thương mại, bà muốn thấy Mỹ “tự nghiên cứu” và “trở thành người giỏi nhất” để có cơ hội cạnh tranh tốt hơn.

Theo Channel News Asia

Yến Chi

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/chuyen-ve-nguoi-ban-dau-tien-cua-ong-tap-can-binh-tren-dat-my-post459266.antd