Cơ hội làm mới các di sản du lịch Hà Nội

So với các loại hình du lịch khác, du lịch di sản có một đối tượng khách riêng. Với những ai đam mê về văn hóa, lịch sử và mong muốn tìm hiểu câu chuyện của quá khứ thì di tích chính là nơi 'giải mã' những tò mò đó. Thế nhưng du lịch di sản đã thực sự xứng tầm với giá trị các di tích này hay chưa thì vẫn còn nhiều băn khoăn.

Hoàng thành Thăng Long - quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long - Hà Nội là điểm đến không thể bỏ qua khi du lịch Hà Nội

Du lịch di sản là loại hình du lịch đưa khách đi tham quan, trải nghiệm tại các khu di tích lịch sử, làng nghề, lễ hội... Với ưu thế riêng, hoàn toàn có thể phát triển loại hình du lịch đặc biệt này, đồng thời thông qua đó làm sống lại các giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc. Hà Nội là một thành phố ẩn chứa trong lòng rất nhiều di sản, di tích và danh thắng có giá trị mà không phải thành phố nào trên thế giới cũng có được.

Tuy nhiên, chúng ta đã khai thác hiệu quả, bài bản và chuyên nghiệp để phục vụ cho du lịch chưa thì đó vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ. Sau khủng hoảng mang tên Covid-19, dù kích cầu có thế nào đi chăng nữa thì vẫn lộ ra một điểm yếu, đó là có nhiều di sản, di tích ở Hà Nội hoàn toàn trông vào nguồn khách quốc tế. Chính vì thế, có rất nhiều thứ cần phải nhìn lại để hoàn thiện hơn và làm bài bản hơn.

Khai thác chưa tương xứng tiềm năng

Du lịch di sản đóng góp không nhỏ vào thành tựu của ngành du lịch, tạo ra hàng triệu công ăn việc làm. Năm 2019, Việt Nam nhận giải thưởng “Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới” và nhiều giải thưởng ý nghĩa khác về du lịch. Việt Nam hiện có khoảng 40.000 di sản vật thể và 60.000 di sản phi vật thể trải dài khắp đất nước. Mỗi vùng miền, dân tộc sẽ có đặc trưng về phong tục, tập quán, tín ngưỡng đặc trưng tạo nên sự đa dạng về di sản văn hóa.

Riêng Hà Nội hiện có gần 6.000 di tích với hơn 2.200 di tích được xếp hạng. Trong đó có 1 Di sản văn hóa thế giới (Hoàng thành Thăng Long); 13 di tích, cụm di tích được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt; hơn 1.000 di tích xếp hạng cấp quốc gia và hơn 1.200 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố.

Di sản tại Hà Nội được nhận xét là đa dạng hàng đầu của cả nước, với hàng loạt di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề, lễ hội… Nguồn tài nguyên này tạo ra nguồn lực tương đối cho du lịch Hà Nội và góp phần bảo tồn các di sản văn hóa. Nếu được chú trọng phát triển tiềm năng di sản thì loại hình du lịch này có bước đi bền vững hơn. Người viết bài này từng có một lần đến tham quan Cổ Loa.

Di sản tại Hà Nội được nhận xét là đa dạng hàng đầu của cả nước, với hàng loạt di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, làng nghề, lễ hội… Nguồn tài nguyên này tạo ra nguồn lực tương đối cho du lịch Hà Nội và góp phần bảo tồn các di sản văn hóa. Nếu được chú trọng phát triển tiềm năng di sản thì loại hình du lịch này có bước đi bền vững hơn.

Khi có khách vào thì người trực tại đây mới vội vã bật điện và gọi cho hướng dẫn viên, nhưng sau 20 phút tham quan vẫn chưa thấy hướng dẫn viên đâu. Dịch vụ ở đây cũng chưa có nhiều dành cho du khách. Như nhiều khách tham quan khác, tôi cùng bạn bè chỉ tham quan trong vòng 30 phút rồi rời đi. Theo người dân xung quanh, nơi đây chỉ đông duy nhất vào dịp lễ hội. Mà lễ hội thì chỉ bắt đầu từ mùng 6 tháng Giêng Âm lịch và kéo dài cùng lắm cho tới hết tháng mà thôi.

Cũng như nhiều du khách khác đến với các di tích, điều hấp dẫn họ là được nghe một câu chuyện đằng sau những hiện vật. Mỗi hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa riêng nên nếu người hướng dẫn viên khéo léo kể lại thì chắc chắn đó là ấn tượng tốt và vì thế, du khách sẵn sàng quay lại nhiều lần sau nữa.

Rõ ràng, các di sản văn hóa tạo sức hấp dẫn cho điểm đến du lịch, làm sống dậy lịch sử của vùng đất kinh đô ngàn năm văn hiến, việc gắn kết người dân với các di sản là vô cùng quan trọng. Nếu trước đây các di tích thu hút lượng lớn khách quốc tế nhưng với tình hình hiện nay thì các di tích cần tập trung vào việc làm như thế nào để thu hút được đông đảo khách nội địa.

Phát huy tiềm năng “Thủ đô di sản”

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám là một đơn vị tự chủ hoàn toàn. Nguồn thu từ bán vé cho khách tham quan là chủ yếu cho nên khi lượng khách đến tham quan sụt giảm sau dịch bệnh đã tác động không nhỏ đến mọi hoạt động của di tích đặc biệt quan trọng này. Tháng 5-2020, Văn Miếu - Quốc Tử Giám mới mở cửa trở lại, lượng khách đạt 7% so với cùng kỳ năm trước, tháng 6 đạt 18%, nửa đầu tháng 7 đạt 23% so với năm 2019.

“Ban Quản lý Văn Miếu - Quốc Tử Giám đang đẩy mạnh thực hiện đổi mới các hoạt động, đa dạng hóa các sự kiện văn hóa, giáo dục tại di tích và liên kết với các đơn vị lữ hành, các đơn vị quản lý di tích trên địa bàn để hợp tác trong việc kết nối các tuyến tham quan. Đồng thời, Ban Quản lý tiếp tục nghiên cứu, phát triển các sản phẩm mới trong thời gian tới” - ông Lê Xuân Kiêu, Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám cho biết.

“Song song với kích cầu du lịch di sản, vấn đề cần giải quyết cả trước mắt cũng như lâu dài là đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch tại các di tích, tức là giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát huy, khai thác các giá trị của di sản cho phát triển, trong đó có du lịch”.

Ông Lê Xuân Kiêu - Giám đốc Trung tâm hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám

Ông Lê Xuân Kiêu cũng chia sẻ thêm, song song với kích cầu du lịch di sản, vấn đề cần giải quyết cả trước mắt cũng như lâu dài là đảm bảo tính bền vững trong phát triển du lịch tại các di tích, tức là giải quyết tốt mối quan hệ giữa bảo tồn di sản với phát huy, khai thác các giá trị của di sản cho phát triển, trong đó có du lịch.

Bên cạnh việc bảo vệ di sản trước sự tác động của con người, môi trường, quá trình đô thị hóa, cần phải chú ý tạo ra môi trường xã hội thuận lợi cho việc phát triển du lịch tại các di tích, đảm bảo hài hòa lợi ích giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư xung quanh di tích để cùng nhau bảo vệ di tích và phát triển du lịch. Cùng với đó, đơn vị quản lý phối kết hợp nghiên cứu các giá trị, đặc biệt là giá trị văn hóa phi vật thể của di tích, từ đó xây dựng những sản phẩm, hoạt động phục vụ cho việc quảng bá di tích, cho nhu cầu của khách tham quan.

Tại Khu di sản thế giới Hoàng Thành Thăng Long, từ sau khi mở cửa trở lại (11-5), lượng khách đến đây trong tháng 6 đạt 10.000 người, trong đó bao gồm các đoàn khách địa phương, các đoàn học sinh. Hiện Ban quản lý tập trung theo hướng chủ động tìm đến cộng đồng qua các kênh như: ra mắt các sản phẩm mới và liên kết với một số đơn vị lữ hành để tăng cường quảng bá, liên kết các điểm đến nổi tiếng khác như Lăng Bác, Khu di tích Phủ Chủ tịch, Bảo tàng Hồ Chí Minh, Văn Miếu - Quốc Tử Giám, phố cổ Hà Nội, di tích danh thắng hồ Tây, làng cổ Đông Ngạc, làng gốm Bát Tràng…

Nhiều hoạt động văn hóa diễn ra ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám sau dịch Covid-19 thu hút du khách tham dự

Hàng loạt gói giảm giá đang được triển khai rộng trong mùa du lịch cao điểm: miễn phí thuyết minh tại điểm cho đoàn từ 15 khách; miễn phí gửi xe ô tô từ 16 chỗ cho đoàn khách du lịch; giảm giá cho đoàn khách từ 50 người trở lên: giảm 50% combo chụp ảnh trang phục hoàng cung và vé tham quan di sản, chỉ còn 80.000 đồng/combo; giảm 30% combo thưởng thức nghệ thuật diễn xướng dân gian hoàng cung và vé tham quan di sản, chỉ còn 100.000 đồng/combo.

Như vậy, hàng loạt ưu đãi, xây dựng liên kết điểm đến, tạo mới hoạt động trải nghiệm cho du khách tại các di sản đang là sự lựa chọn của nhiều đơn vị. Tuy nhiên, nếu đơn thuần như một “công thức chung” là du khách đến tham quan và nghe thuyết minh thì chưa đủ độ hấp dẫn và tỉ lệ quay lại thấp.

Theo các chuyên gia du lịch, “có bột mới gột nên hồ”, chúng ta đã có tiềm năng, thậm chí là tiềm năng phong phú thì cần phát triển tài nguyên du lịch theo hướng nâng cao trải nghiệm. Đây cũng là cách mà du khách có thêm góc nhìn thú vị và mới mẻ về di sản, tự xây dựng được “cột mốc” về quá khứ trong chính họ, đồng thời bồi đắp niềm tự hào văn hóa dân tộc.

Nguyễn Hòa

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/giai-tri/co-hoi-lam-moi-cac-di-san-du-lich-ha-noi/860695.antd